08/07/2021 08:31
Bài 1: Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
Giồng Riềng có được thành quả đạt chuẩn huyện nông thôn mới như hôm nay là nhờ phát huy sức dân, hình thành phong trào nhà nhà, người người xây dựng nông thôn mới những năm qua, cao điểm là giai đoạn 2010-2020.
Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN
Một ngày đầu tháng 2-2021, cầu Kênh Xẻo Mây, ấp Hai Tỷ, xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng) dài 45m với kinh phí xây dựng 1,24 tỷ đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Phát (TP. Rạch Giá) tài trợ được khánh thành, đưa vào sử dụng.
Ông Trương Thanh Sang, ngụ ấp Hai Tỷ nói: “Cầu xây dựng xong đưa vào sử dụng bà con mừng lắm vì chuyện đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Trước đây là cầu tre, cầu dừa rồi cầu bê tông nhỏ nhưng xuống cấp mà địa phương chưa có kinh phí sửa chữa, xây dựng. Để đóng góp cho công trình, quá trình xây dựng, tôi tham gia bảo quản vật tư để không bị thất thoát, hỗ trợ điện trong xây dựng”.
Cầu Kênh Xẻo Mây là một trong nhiều công trình huyện Giồng Riềng xây dựng giai đoạn 2010-2020. Để giảm chi ngân sách trong điều kiện ngân sách có hạn, công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể từ huyện đến cơ sở thực hiện hiệu quả, từ đó vận động nhân dân hiến hàng ngàn mét vuông đất, hàng ngàn ngày công lao động và nhận hàng trăm tỷ đồng từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ.
Đồng chí Nguyễn Thái Đông (thứ ba, từ phải qua) - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng chia vui cùng người dân ấp Hòa B, xã Hòa Lợi (Giồng Riềng) trong ngày khánh thành cầu kênh xáng Ô Môn.
Không là huyện điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 nhưng Giồng Riềng tích cực xây dựng huyện nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2020, huyện ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, dự án tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng đề án huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 để định hướng chỉ đạo.
Đồng chí Cao Quốc Điện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết: “Đảng bộ huyện xác định muốn xây dựng nông thôn mới trước hết phải thực hiện tiêu chí về cầu, đường giao thông nông thôn đi trước làm tiền đề thúc đẩy các tiêu chí khác. Để thực hiện tiêu chí này, huyện xác định phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Nhờ nhân dân vào cuộc quyết liệt nên việc xã hội hóa, huy động nguồn lực được huyện Giồng Riềng thực hiện tốt. Tổng vốn huy động từ năm 2011 đến tháng 12-2020 đạt trên 2.440 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.778 tỷ đồng, còn lại do doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp.
Từ nhiều nguồn lực, huyện đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, cơ bản hoàn thiện. Hệ thống giao thông liên hoàn thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp, trong đó 156,2km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt 100%; 350,1km đường trục ấp, liên ấp được xây dựng cứng hóa và cứng hóa đạt chuẩn, tăng 46,5km so năm 2011.
THAY ÁO MỚI
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện Giồng Riềng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Có được thành quả này, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định xây dựng nông thôn mới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển. Với tiền đề về kết cấu hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội xuất phát điểm khá nên khi bắt tay xây dựng nông thôn mới không quá khó khăn.
Đồng chí Trần Kiếm Phong (hàng đầu, bên trái) - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng cùng đại biểu đi trên cầu Kênh Xẻo Mây trong ngày khánh thành cầu.
Mặt khác, ngân sách nhà nước có sự đầu tư hợp lý, hiệu quả, khoa học, có phân kỳ, có chủ đích từ nguồn vốn được tỉnh cấp hàng năm. Ngoài ra, huyện được sự đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Tổng hòa các yếu tố đó góp phần thúc đẩy huyện ngày càng phát triển.
Thành tựu xây dựng nông thôn mới giúp diện mạo nông thôn của huyện Giồng Riềng như khoác chiếc áo mới. “Dễ thấy nhất là những tuyến đường tỉnh 963B từ xã Long Thạnh về thị trấn Giồng Riềng, đường tỉnh 963 từ xã Thạnh Bình về xã Ngọc Chúc có quy hoạch cây xanh, xây dựng bờ kè, nhà ở.
Những ngôi nhà trên tuyến đường gần như không có nhà nào vượt quá hành lang lộ giới, vì vậy khi mở rộng đường thuận lợi hơn những nơi khác”, đồng chí Cao Quốc Điện nói. Giồng Riềng nằm giữa huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) và TP. Vị Thanh (Hậu Giang), thị trường nhà đất tại thị trấn Giồng Riềng cũng sôi động và trị giá cao hơn so một số huyện khác trong tỉnh. Đó là một trong những điểm nổi bật nhất trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Về thủy lợi, huyện Giồng Riềng tập trung xây dựng công trình cống, đập, đê bao, trạm bơm đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai. Nhiều mô hình, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới được nhân rộng như xây dựng đoạn đường đẹp, thắp sáng đường quê, mô hình xã, thị “5 có”, ấp, khu phố “5 có”...
Đến năm 2020, hộ nghèo huyện Giồng Riềng còn 1,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/năm, tăng gần 2,27 lần so năm 2011. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,3%. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,01% so dân số.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: