06/07/2022 10:20
● Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 2: Nâng cao chất lượng, năng suất lúa ● Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 4: Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp |
GIỮ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua hơn 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016-2020 của tỉnh bình quân đạt 3,33%/năm. Các chương trình, đề án, dự án nông nghiệp tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả.
“5 năm qua, thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả, ngành nông nghiệp tập trung phát huy lợi thế nông nghiệp của từng vùng; sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng tập trung quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Đồng thời, sản xuất theo nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng mạnh tới xuất khẩu”, đồng chí Lê Hữu Toàn đánh giá.
Đồng chí Dương Minh Tâm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất cho biết giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của huyện đạt 3%, giá trị sản phẩm thu được 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 108 triệu đồng, tăng 32 triệu đồng so năm 2015. Tổng lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 79.347 tấn, tăng 20.137 tấn so năm 2015.
Một trong những chuyển biến rõ nét khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng nâng cao. Năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt bình quân 83,83 triệu đồng/ha/năm, tăng trên 5,6 triệu đồng so năm 2015. Giá trị nuôi trồng thủy sản trên 1ha mặt nước năm 2020 đạt 130 triệu đồng/ha/năm, tăng 35,10% so năm 2017. Diện mạo nông thôn có bước thay đổi rõ rệt. Đời sống của người dân nông thôn được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh.
PHÁT HUY VAI TRÒ “TRỤ ĐỠ”
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Kiên Giang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh. Năm 2020 và 2021, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhất là trong quý III-2021, tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết hoạt động kinh tế tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đại dịch tác động mạnh mẽ đến thị trường nông sản. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện các phương án hợp lý, duy trì sản xuất ổn định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp diễn biến thời tiết nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai. Đặc biệt, tỉnh thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19.
Đồng chí Lê Hữu Toàn cho biết xác định sản xuất nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để không gãy “trụ đỡ” này. Trái ngọt mang lại cho những nỗ lực đó là sản xuất nông nghiệp giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị - xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 và 2021, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp được giao đều thực hiện đạt kế hoạch và tăng so năm 2019 như sản lượng thu hoạch lúa, tôm nuôi, số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính riêng năm 2021, tổng giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 25.986,46 tỷ đồng, đạt 110,47% kế hoạch, tăng 0,93% so năm 2020, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,38 điểm phần trăm. Khu vực này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với 41,15%.
Anh Trần Văn Thủy, ngụ ấp Cỏ Quen, xã Phú Lợi (Giang Thành) chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, cho hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so trồng lúa.
Trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Huyện ủy Vĩnh Thuận, đồng chí Lê Trung Hồ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận đánh giá năm 2021, nông nghiệp huyện tiếp tục giữ vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Nhiều chỉ tiêu đạt kế hoạch và tăng so năm 2020 như sản lượng lúa cả năm của huyện đạt 104,2% kế hoạch, tăng 14,4%; diện tích thả nuôi tôm đạt 102% kế hoạch, tăng 612ha; sản lượng thu hoạch tôm nuôi đạt 121,8% kế hoạch, tăng 3.802 tấn; tổng giá trị ngành thủy sản tăng 13,77%.
PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn bước tiếp trên hành trình dài và cần có những giải pháp khắc phục hạn chế thời gian qua, cũng như hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong tình hình mới. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh hướng đến mục tiêu chung là tiếp tục thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và quốc phòng, an ninh. Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Đồng thời, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020, sáng 13-12-2021, đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh tỉnh cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả; tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến và bảo quản đảm bảo giữ vững năng suất và nâng cao giá trị nông sản, giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, thích ứng với biến đổi khí hậu… |
Đồng chí Lê Hữu Toàn nhấn mạnh giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản thời gian tới. Theo đó, tỉnh xây dựng cơ chế lồng ghép và huy động các nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh sẽ xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức hợp tác của nông dân trong việc sản xuất theo chuỗi giá trị từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường được Kiên Giang xác định là một giải pháp thực hiện thời gian tới. Để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh sẽ phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại nông thôn, đảm bảo tăng cường liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bài và ảnh: TÚ LY
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: