14/12/2022 15:01
HỖ TRỢ NÂNG CHẤT SẢN PHẨM
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, từ năm 2020 đến nay, các sản phẩm OCOP Kiên Giang ngày càng khẳng định chỗ đứng, tạo niềm tin với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm OCOP được chăm chút đầu tư về mẫu mã, gia tăng cả chất lượng và số lượng qua từng năm.
Đến đầu tháng 12-2022, Kiên Giang công nhận 150 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Nguyễn Như Mạnh - hộ sản xuất bánh tráng với quy mô lớn tại xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng. Tại đây, mọi công đoạn từ tráng bánh, phơi bánh, xếp bánh đang diễn ra hết sức hối hả để kịp phục vụ thị trường tết. Theo anh Mạnh, năm nay số lượng sản xuất và tiêu thụ tại cơ sở tăng gấp đôi so mọi năm. Để đủ số lượng hàng đáp ứng nhu cầu của khách, lò bánh tráng của anh Mạnh sẽ “đỏ lửa” đến ngày 29 tết.
Do ký hợp đồng mua gạo nguyên liệu từ trước với giá ổn định nên giá bán bánh cận tết không tăng. Năm 2021, sản phẩm bánh tráng Mạnh Tài được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022, từ đó cơ sở nhận được đơn hàng nhiều hơn.
Anh Mạnh cho biết: “Sở Công thương hỗ trợ đầu tư toàn bộ hệ thống máy móc, vỉ phơi mới hơn 200 triệu đồng giúp cơ sở giảm chi phí nhân công, sản phẩm làm ra chất lượng ổn định, mẫu mã đồng đều và chuyên nghiệp hơn. Cái khó hiện nay của cơ sở là thiếu vốn để đầu tư sân phơi, khu vực sản xuất nên vẫn chưa đáp ứng hết các đơn hàng của khách”.
Hiện huyện Giồng Riềng có 8 sản phẩm của 5 hộ kinh doanh được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. UBND huyện Giồng Riềng vừa đề ra kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2023, mục tiêu phát triển từ 5 sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm để theo dõi hỗ trợ chương trình OCOP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Nguyễn Thái Đông cho biết: “Từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, ngân sách huyện hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/sản phẩm, phần còn lại do ngân sách xã hoặc chủ thể đối ứng theo định mức dự toán của sản phẩm để hoàn thiện tem nhãn, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng, xúc tiến thương mại và các hoạt động có liên quan đến sản phẩm OCOP của huyện”.
THÚC ĐẨY TIÊU THỤ
Để sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng rãi và gia tăng nhiều hơn sản lượng tiêu thụ, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các địa phương triển khai nhiều chương trình kết nối, xúc tiến, quảng bá, hội chợ…
Mới đây nhất, tại ngày hội tam nông An Giang năm 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy An Giang tổ chức, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đăng ký tham gia với 84 sản phẩm trong tỉnh được giới thiệu, quảng bá.
Ông Nguyễn Minh Tiến (thứ ba, từ phải qua) - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan khu vực trưng bày sản phẩm OCOP của xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao (Kiên Giang) trong chuyến thăm huyện nông thôn mới Gò Quao.
Từ hoạt động “đem chuông đi đánh xứ người” có hàng ngàn lượt khách hàng đến tìm hiểu, kết nối tiêu thụ sản phẩm, doanh thu của gian hàng OCOP Kiên Giang trong chuyến đi này đạt hơn 500 triệu đồng. Nhiều sản phẩm có lượng tiêu thụ tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao như gạo ST25 Điền Tín, trà mãng cầu xiêm 2 Đậu, tinh dầu Nathea…
Theo ông Ngô Thành Khuyên - Giám đốc Công ty Cổ phần Điền Tín, tại ngày hội tam nông An Giang năm 2022, công ty được Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện tham gia gian hàng quảng bá sản phẩm gạo. Cơm được nấu tại chỗ để khách hàng cảm nhận.
"Nhiều khách ghé dùng thử hỏi có bỏ gì vô gạo không mà thơm quá, trong khi cũng gạo ST25 mua ở một vài nơi không được thơm như vậy. Tôi giải thích là nhờ được canh tác trên nền lúa - tôm, mỗi năm chỉ 1 vụ lúa mùa, không sử dụng phân bón hóa học nên gạo của công ty thơm tự nhiên, an toàn cho người dùng. Được mọi người tin dùng, chuyến đi này tôi bán được hơn 5 tấn gạo thơm. Một số đơn vị còn hứa hẹn kết nối tiêu thụ trong thời gian tới”, ông Ngô Thành Khuyên nói.
Phát huy kết quả đạt được bước đầu trong công tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang dự kiến phối hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã ra mắt giỏ quà tết sử dụng sản phẩm OCOP để làm quà tặng, quà biếu.
“Mỗi giỏ quà tặng từ 400.000 đồng đến 2 triệu đồng, chủ yếu là mặt hàng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe. Qua hoạt động này hy vọng sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh, tạo doanh thu và góp phần quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang Phan Kim Loan cho biết.
Để thúc đẩy công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chủ động phối hợp các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện có trên 60 sản phẩm tham gia siêu thị, cửa hàng tiện lợi và sàn thương mại điện tử như Kiengiangpromotion.vn; kigi.com.vn, PostMart.vn...
Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan đăng ký tham gia các lễ hội, hội nghị, diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp vùng nhằm tăng cường hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Huỳnh Thanh Liêm cho biết thời gian tới, đơn vị đề nghị phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp đơn vị tiếp tục theo dõi, hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP.
"Các chủ thể cần chú trọng việc xây dựng, phát triển thương hiệu, tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô và thị trường để đưa sản phẩm phát triển lên một tầm cao mới. Mong rằng năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ có nhiều sản phẩm mới có giá trị sử dụng và giá trị xuất khẩu cao có thể sánh ngang với các sản phẩm khác trong nước và khu vực”, đồng chí Huỳnh Thanh Liêm nói.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: