11/02/2025 16:09
Trên mảnh đất Vĩnh Thuận, ngày 23-10-1948, Trường Thiếu sinh quân Quân khu 9 là Trường Thiếu sinh quân đầu tiên trong cả nước thành lập với mục tiêu: “Cuối Tổ quốc giữa miền Tây hùng tráng/ Hòa nhịp Cửu Long hào khí đất U Minh/ Cùng về đây xây sự nghiệp vinh quang/ Thế hệ trẻ luyện thành gang thép”.
Thế hệ 1 có khoảng 300 học sinh là con em cán bộ, bộ đội, thương binh, liệt sĩ; nhỏ nhất mới bảy tuổi. Thầy cô Thiếu sinh quân là bộ đội có trình độ văn hóa cao nhưng sức khỏe yếu hoặc thương binh. Tất cả tập trung đốn cây, cất nhà, dựng trường; tự chăm sóc bản thân; thầy trò yêu thương nhau như ruột thịt, cùng vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.
Thị trấn Vĩnh Thuận hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG VŨ
Bà Trần Thị Tám là Thiếu Sinh quân Thế hệ 1, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang kể: “Tháng 6-1949, tại Trường Thiếu sinh quân diễn ra sự kiện lịch sử khi thầy trò dùng vật nhọn rạch tay lấy máu viết tâm thư nhờ Chính ủy Khu 9 Phan Trọng Tuệ ra Hà Nội dự hội nghị trao tận tay Bác Hồ. Chúng tôi hứa học tập tốt để sau này xứng đáng con cháu Bác Hồ. Và quyết tâm đó không phải lúc viết thư mà đến nay, Thế hệ 1 chúng tôi luôn giữ lòng trung kiên với Đảng, với Bác, với nhân dân”.
Cuối năm 1954, tại kênh Chắc Băng, trong gần 200 ngày đêm, hơn 10 ngàn lượt người ở khu căn cứ tháo gỡ cản đất, cản cây, xây cất lán trại cho cán bộ, bộ đội dừng chân; đồng thời, bố trí chỗ ăn nghỉ cho trên 5 ngàn đồng bào từ vùng địch kiểm soát vào thăm, đưa tiễn người thân tập kết ra Bắc. Đó là cuộc chia tay dài nhất trong lịch sử với nhiều niềm vui, nỗi buồn, có nụ cười lẫn nước mắt, có hy vọng và cả âu lo. Trên bến nước chia ly đã trao gửi niềm tin son sắc: “Đi vinh quang, ở anh dũng”, nhưng không ngờ sau đó bước vào cuộc chiến đấu mới vô cùng gian khổ, ác liệt trước đế quốc xảo quyệt và tàn bạo.
Với mục đích giam cầm, tra tấn, thu thập thông tin từ cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, Ngô Đình Diệm thành lập trại giam trên đất địa chủ Bang Biện Phú, mệnh danh “Lò sát sanh An Phước” vì được đặc quyền bí mật hành hình, giết hại tù nhân không cần tuyên án. Tại đây, từ tháng 4-1955 đến tháng 10-1958, địch giam cầm trên 10 ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng, cả những người dân vô tội bị chúng nghi ngờ là “Cộng sản”; trong đó, hơn 1.500 người bị chúng giết hại dã man và vùi xuống sông, ao đìa.
Đại tá Lê Hoàng Vũ, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng vũ trang tỉnh và cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Thuận tổ chức tìm kiếm, cất bốc được 3 hầm mộ liệt sĩ (mỗi hầm từ 30-40 hài cốt), 6 gói hài cốt và 30 bộ hài cốt liệt sĩ riêng lẻ; trong đó, nhiều hài cốt không còn nguyên vẹn, không xác định danh tính. Tháng 8-2020, tại hội thảo cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ khu vực rừng tràm Bang Biện Phú do Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kiên Giang tổ chức, các cán bộ lão thành cách mạng xác định hiện còn khoảng 1.000 hài cốt liệt sĩ. Đây là cơ sở tiếp tục hoàn chỉnh thông tin, tiến hành khẩn trương tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại khu vực này, thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh của những người đi trước, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân nói chung, thân nhân gia đình liệt sĩ nói riêng, hàng ngày mong ngóng thông tin về người thân”.
Ngày 6-1-2024, tại thị trấn Vĩnh Thuận, lãnh đạo Nhà nước cắt băng khánh thành Khu Chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công rộng 4 hécta với tổng kinh phí xây dựng gần 100 tỷ đồng từ nguồn vận động. Ảnh: PHƯƠNG VŨ
Trải qua các cuộc kháng chiến, huyện Vĩnh Thuận có 2.073 liệt sĩ; trên 4.000 cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, du kích và người dân bị địch bắt tù đày; 987 thương bệnh binh. Cùng với đó, trên 12.000 nam nữ thanh niên trực tiếp chiến đấu ở địa phương và khắp các chiến trường. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Ngọc Nguyên cho biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Vĩnh Thuận đã đánh 670 trận, diệt và làm bị thương trên 4.000 tên địch, trong đó có 15 cố vấn Mỹ; bắt sống trên 1.000 tên và làm rã ngũ 2.000 binh sĩ; thu hơn 1.000 súng các loại; bắn rơi 16 máy bay, diệt 9 xe bọc thép M113…
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, huyện Vĩnh Thuận, 5 xã và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang huyện đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, chăm sóc các đối tượng chính sách. Riêng năm 2023, huyện trợ cấp ưu đãi trên 18 tỷ đồng, trợ cấp một lần hơn 3,8 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa 90 căn nhà cho gia đình chính sách và người có công. Ngoài ra, các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức và duy trì nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào nghĩa tình đồng đội, an sinh xã hội…”.
Toàn huyện có trên 200 bà mẹ được truy tặng, phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng; trong đó, nhiều gia đình có từ 2-5 con là liệt sĩ. Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hai ở xã Vĩnh Thuận năm nay trên 90 tuổi kể: “Mẹ có 11 đứa con, hai thằng hy sinh năm 1970 và 1971. Mỗi tháng và dịp lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ đến thăm, trò chuyện giúp mẹ bớt cô đơn vì bên cạnh có rất nhiều con là bộ đội. Mẹ luôn mong các con luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng Vĩnh Thuận phát triển giàu đẹp”.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Thuận đến thăm, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hai. Ảnh: HỒ KIÊN GIANG
Với cựu chiến binh Trần Thanh Dân, sinh năm 1950, ngụ xã Vĩnh Phong, tham gia kháng chiến lúc tròn 15 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác ở Đoàn 630, Cục Kinh tế, Quân khu 9. Năm 1989, sức khỏe yếu do 3 lần bị thương trong chiến tranh, ông nghỉ hưu với quân hàm đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Đoàn 630. “Từ đó, tôi có thời gian dạy dỗ, nuôi nấng các con học hành. Rất mừng là cả ba đứa đều thạc sĩ, hai đứa Công an, một đứa làm ở Trung tâm Khuyến nông. Cuộc sống gia đình nếu so với xóm làng thì tôi hàng trung bình khá. Dịp lễ, tết, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đến thăm, tặng quà, động viên tôi nỗ lực hơn, dạy các con cháu noi theo ông nội, cha nó để làm tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước phân công”, ông Dân phấn khởi nói.
Cùng hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, năm 2023, lần đầu huyện tổ chức Tết quân - dân tại xã Bình Minh với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng, trong đó vận động xã hội hóa hơn 2,2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, đã xây tặng 31 căn nhà, 794 lò đốt rác, 700 cột cờ, 2 công trình thắp sáng đường quê dài 4,5km; làm 4 tuyến đường hoa dài 12km; sửa chữa 3 trụ sở ấp; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 người dân; tặng 300 suất quà cho người nghèo và đối tượng chính sách… Qua đó, góp phần cùng xã Bình Minh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện và đạt chuẩn kiểu mẫu năm 2024.
Thượng tá Trần Văn Tươi - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Thuận, cho biết thêm: “Chúng tôi tham mưu lãnh đạo huyện tiếp tục tổ chức Tết quân - dân mừng xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Vĩnh Thuận chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Vĩnh Phong. Từ nguồn kinh phí trên 39,5 tỷ đồng, trong đó vận động đóng góp hơn 6,5 tỷ đồng, đã xây tặng 40 căn nhà, 8 cầu dân sinh, 182 lò đốt rác, 2 cổng chào, 3 công trình thắp sáng đường quê dài 8,5km; làm mới, sửa chữa gần 15km đường giao thông nông thôn, 12 tuyến đường hoa dài 24km.
Ngoài ra, tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 800 người dân, tặng 1.311 suất quà cho người nghèo và đối tượng chính sách; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; thi gói và nấu bánh tét mừng xuân mới… Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã huy động hàng chục ngàn ngày công của cán bộ, lực lượng vũ trang và bà con tham gia xây dựng, chất lượng các công trình không những nâng lên mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư. Xuân Ất Tỵ năm 2025, huyện tổ chức Tết quân - dân tại xã Vĩnh Thuận với các hoạt động an sinh xã hội giúp địa phương này sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
Qua miền Vĩnh Thuận - nơi thành lập Chi bộ Ranh Hạt, tiền thân của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang; là địa phương được công nhận huyện nông thôn mới năm 2020; vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả cao cuối năm 2023. Từ đó, thêm yêu mến mảnh đất nằm cuối vùng Miệt Thứ chịu nhiều hậu quả chiến tranh, càng ngưỡng mộ Vĩnh Thuận không ngừng phấn đấu đạt nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu nhập bình quân đầu người năm 2010 trên 20 triệu đồng thì năm 2024 tăng lên hơn 68 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,24%…
Tự hào hơn khi thành tích đó minh chứng thế hệ hôm nay đã và đang kế thừa, phát huy những kết quả trong giai đoạn trước, thể hiện sự tri ân đất và người vùng quê cách mạng tạo sức lan tỏa trong xã hội, xứng đáng với truyền thống Vĩnh Thuận anh hùng.
HỒ KIÊN GIANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: