20/11/2021 09:21
ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO
Nhiều chuyên gia ngành du lịch nhận định công nghệ thông tin và mạng xã hội là tương lai của ngành du lịch, tuy nhiên con người là yếu tố then chốt quyết định cho sự phát triển đó. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần đổi mới phương pháp đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nghề phải trang bị cho người học những thứ xã hội cần, nhất là nhu cầu của doanh nghiệp.
Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Kiên Giang áp dụng chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, linh hoạt, đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Quân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang, việc liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là giải pháp hiệu quả giải quyết sự thiếu hụt nguồn nhân lực; các doanh nghiệp nhanh có nhân sự đủ kỹ năng làm việc và quản trị theo quy trình… từ đó xây dựng bộ khung bền vững cho hệ thống quản trị, bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch tại doanh nghiệp.
Sinh viên lớp quản trị khách sạn chất lượng cao Trường Cao đẳng Kiên Giang trong giờ thực hành kỹ năng phục vụ nhà hàng.
Một số lãnh đạo các trường đào tạo sinh viên du lịch trên địa bàn tỉnh cho rằng, nhờ sự phối hợp, liên kết đào tạo với doanh nghiệp mà sinh viên được tăng cường hoạt động thực hành ở môi trường chuyên nghiệp, từ đó sinh viên ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang chia sẻ: “Quá trình tổ chức đào tạo, trường quan tâm, chú trọng đào tạo lý thuyết gắn thực hành, thực tiễn. Quá trình học, người học được thực tập tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, sau khi tốt nghiệp người học đều có việc làm. Để nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian tới, trường tiếp tục đào tạo đội ngũ giảng viên, quan tâm đào tạo sau đại học ở nước ngoài; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ thực tập, thực hành cho sinh viên tại trường trước khi thực tập chính thức tại doanh nghiệp”.
Do thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng, các doanh nghiệp lớn tại TP. Phú Quốc chủ động “đặt hàng” đào tạo nhân sự với các cơ sở đào tạo, kinh phí đào tạo do doanh nghiệp hỗ trợ. Tham gia chương trình đào tạo, học viên ngoài việc có kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp cao cấp còn được trả lương, khi ra trường người học có việc làm tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thường xuyên bồi dưỡng tay nghề cho lao động cơ hữu vì xu hướng du lịch liên tục thay đổi nên yêu cầu của khách hàng thay đổi theo, vì vậy lao động trong lĩnh vực này phải luôn cập nhật thông tin, trau dồi kỹ năng để tay nghề ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Du khách tắm biển tại Ba Hòn Đầm (Kiên Lương).
Theo ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, việc các doanh nghiệp tự đào tạo nhân lực du lịch góp phần khiến chất lượng đầu ra tốt hơn, góp phần nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ cho người làm việc trong ngành du lịch. Đây là giải pháp tốt khi nhiều sinh viên ra trường chưa đủ kỹ năng cao cấp, chuyên nghiệp để phục vụ cơ sở của họ. Điều này trực tiếp giải quyết vấn đề cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ sở của họ; đồng thời, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị.
THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
“Ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng cần xây dựng môi trường sống tốt để nhân sự cấp cao có thể yên tâm làm việc lâu dài; trong đó, thiết chế trường học, y tế tốt, an ninh xã hội đảm bảo và chú trọng giải trí như rạp chiếu phim, sân khấu... để nâng cao đời sống tinh thần cho người sống, làm việc tại Phú Quốc”, ông Phạm Công Sơn - Tổng Quản lý The Shells Resort and Spa Phú Quốc nói. |
Đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu; cũng là một trong những yếu tố quyết định thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vì vậy thời gian qua, ngành du lịch đẩy mạnh chương trình đào tạo tại chỗ, liên kết với các trường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý; thực hiện tốt chính sách khuyến khích và thu hút nhân tài; đẩy mạnh xã hội hóa, kết hợp hài hòa nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển du lịch tại địa phương”.
Cũng theo đồng chí Bùi Quốc Thái, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển biến tích cực theo hướng chất lượng cao; từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Trong đó, ngành du lịch tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và cơ chế quản lý về phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo tính thống nhất, chất lượng, hiệu quả; chú trọng chính sách, giải pháp thu hút nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Các trường đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp, chất lượng đào tạo, tăng cường mô hình đào tạo liên kết với doanh nghiệp… Riêng doanh nghiệp du lịch cần xây dựng cơ chế lương, thưởng linh hoạt, xây dựng môi trường làm việc tốt để thu hút và giữ chân nguồn nhân sự chất lượng và thường xuyên bồi dưỡng tay nghề cho người lao động… Có như vậy, nguồn nhân lực du lịch chất lượng mới dần cải thiện, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và địa phương.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: