18/11/2021 16:30
SĂN ĐÓN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Những năm gần đây, tại Kiên Giang, nhất là tại Phú Quốc hàng loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp từ 5 sao trở lên của các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, CEO, BIM… cùng các thương hiệu nổi tiếng thế giới InterContinental Hotels Group, Wyndham Hotel Group, Best Western International, Hyatt Hotels, Regent, Pullman… đưa vào khai thác, từ đó nhu cầu về nhân sự ngành du lịch tăng, trong đó nhân sự cấp cao, nguồn nhân lực chất lượng được các nhà đầu tư săn đón.
Hiện nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực quản lý. Theo đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại Kiên Giang thiếu hụt nghiêm trọng. Mặc dù thời gian qua tỉnh có nghị quyết, đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch; các chính sách thu hút nguồn nhân lực; các cơ sở đào tạo du lịch không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo gắn yêu cầu, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, song nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, quản trị… chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đã thiếu, khi dịch xảy ra, lực lượng này còn thiếu hơn do một số lao động chuyển sang lĩnh vực khác.
Vào các dịp cao điểm như lễ, tết, doanh nghiệp, khu, điểm du lịch… vất vả tìm người phục vụ du khách. Ông Bùi Áng Văn - Tổng quản lý Kim Hoa Phú Quốc resort cho biết: “Phú Quốc trong giai đoạn phát triển “nóng” của du lịch, dịch vụ. Mặc dù dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch ngưng trệ, song hàng loạt dự án của doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang triển khai xây dựng. Sự phát triển này khiến Phú Quốc thu hút lượng lớn nhân sự từ các địa phương, tuy nhiên nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu”.
Khách du lịch lên tàu tham gia tour câu mực đêm trên biển Phú Quốc.
Cũng theo ông Văn, điểm yếu lớn nhất của lao động ngành du lịch là kỹ năng nghề. Theo chương trình đào tạo hiện nay, sinh viên có từ 8-12 tuần thực hành tại doanh nghiệp, trong khi đó để khách hài lòng cần có nhiều kỹ năng. Ví dụ, nhân viên khi cách khách 5 bước chân phải nhìn vào mắt khách, khi khách đến gần hơn phải hỏi chuyện… Để làm tốt kỹ năng này, nhân viên khách sạn phải thực hành khoảng 20 lần mới thuần thục. Một nhân viên thường cần từ 50-100 kỹ năng nên rất khó để học kịp với thời lượng thực hành như thế.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp du lịch lớn ở Phú Quốc cho rằng, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, thuê chuyên gia nước ngoài và nhiều nhân sự cao cấp để vận hành, đào tạo phát triển nguồn nhân lực địa phương, nhưng nhiều thời điểm, doanh nghiệp bị áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực cấp cao do có nhiều thương hiệu lớn, đẳng cấp quốc tế tập trung trên một địa bàn. Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực quản lý, quản trị, nhiều doanh nghiệp dùng biện pháp “săn đầu người” từ các doanh nghiệp khác; tập trung đào tạo tại chỗ theo hướng mời chuyên gia về tập huấn tại đơn vị, giao nhân viên có kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn, kèm nhân viên mới; khuyến khích nhân viên tự học, trau dồi trình độ ngoại ngữ để tự tin giao tiếp với du khách nước ngoài.
CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Các nhà quản lý du lịch nhận định, do chất lượng nhân sự chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành du lịch, sự thiếu hụt nguồn nhân lực tay nghề cao dẫn đến sự hài lòng của khách hàng chưa cao. Nhiều khách sạn tuy duy trì được thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, một số khách sạn được các tổ chức quốc tế vinh danh, tuy nhiên nhân viên còn thiếu sự tinh tế, chuyên nghiệp. Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho rằng, không riêng nguồn nhân lực ngành du lịch Kiên Giang chưa được đào tạo chuyên sâu, nhất là trong quản trị khách sạn, hướng dẫn viên du lịch quốc tế... Ngoài ra, ít lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, chủ yếu tập trung ở bộ phận hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn. Từ đó cho thấy số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
Nhân viên công viên chủ đề VinWonders (Phú Quốc) làm thủ tục vào cửa cho du khách tham quan.
Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhân sự ngành du lịch hiện thiếu gần như ở tất cả khâu nên các công ty lữ hành phải cân nhắc kỹ việc phát triển các dòng tour cao cấp. “Các công ty lữ hành khi thiết kế các gói tour cao cấp phải tính toán kỹ bởi các tour cao cấp, nhân sự đóng vai trò rất quan trọng. Khách hàng của tour cao cấp đòi hỏi trải nghiệm riêng, đẳng cấp như dịch vụ chất lượng 5 sao, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, phục vụ có trình độ xử lý tình huống tốt… Tuy nhiên, đa số hướng dẫn viên thiếu sự tinh tế để công ty yên tâm khi thiết kế tour”, chị N.T.T - Giám đốc một chi nhánh lữ hành lớn tại Phú Quốc chia sẻ.
Lý giải về việc sinh viên sau khi ra trường thường phải đào tạo lại, theo ông Phạm Công Sơn - Tổng quản lý The Shells Resort and Spa Phú Quốc, do sinh viên thiếu ôn luyện nên chưa nắm chắc kiến thức, vận dụng không tốt, đặc biệt sinh viên giao tiếp tiếng Anh hạn chế. Do đó, sinh viên cần trau dồi kỹ năng nghề nhiều hơn, nhất là cải thiện trình độ ngoại ngữ để có thể đọc được sách nước ngoài, thêm thông tin về nghề học sẽ có ích cho công việc hơn.
Theo Sở Du lịch, đến nay toàn tỉnh có gần 16.000 lao động trực tiếp và trên 31.000 lao động gián tiếp trong ngành du lịch. Giai đoạn 2016-2020, lực lượng lao động ngành du lịch tăng bình quân 26,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành về du lịch đạt khoảng 63,4%; trong đó, số lao động qua đào tạo có 81,9% trình độ trung cấp, sơ cấp nghề và chứng chỉ bồi dưỡng ngắn hạn. |
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: