07/07/2021 09:50
► Những bí thư chi bộ vì dân - Bài 2: Gắn kết tình làng, nghĩa xóm ► Những bí thư chi bộ vì dân - Bài 1: Bí thư chi bộ lo “chuyện bao đồng” |
BÍ THƯ NÓI, DÂN LÀM THEO
Tuyến đường Tám Ngàn thuộc ấp Tám Ngàn, xã Bình Giang (Hòn Đất) dài 2,5km, ngang 3 mét, kinh phí xây dựng 3,5 tỷ đồng được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 9-2020 trong niềm vui của người dân trên địa bàn. Có được công trình này, đồng chí Trần Văn Phụng - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tám Ngàn khéo trong công tác vận động người dân tham gia đóng góp 10% kinh phí (khoảng 350 triệu đồng) để xây dựng.
“Đối với hộ có đất có chiều dài, tiền đóng góp nhiều nên ngại tốn kém, tôi phải phân tích cho người dân hiểu ý nghĩa của việc có con đường, dẫn chứng hộ tích cực tham gia đóng góp; đồng thời tôi nhờ người có uy tín ở địa phương tiếp tục tác động, từ đó 100% người dân đóng góp hoàn thành công trình”, đồng chí Phụng chia sẻ.
Trước đây, mỗi khi vận động ông L.V.Đ (80 tuổi), ngụ tổ nhân dân tự quản số 4, ấp Tám Ngàn đóng góp tiền để làm đường, cầu giao thông, sửa đoạn đường xuống cấp rất khó khăn. Dù điều kiện kinh tế của gia đình ông Đ khá so nhiều hộ dân trong ấp nhưng do tư tưởng bảo thủ, chưa tin việc làm của ban lãnh đạo ấp nên ông Đ ít tham gia. Đồng chí Phụng cùng các ông Trần Văn Đực (53 tuổi), Nguyễn Văn Đức (69 tuổi) là người có uy tín ở địa phương và cũng là người tích cực đóng góp hàng chục triệu đồng để xây dựng đường đến tuyên truyền, vận động gia đình ông Đ.
Qua phân tích ý nghĩa, lợi ích mang lại cho người dân, từ đó ông Đ tham gia đóng góp. “Nhiều người có khả năng đóng góp nhưng không được tuyên truyền, phân tích về tính hiệu quả mang lại, minh bạch kinh phí vận động, người dân ngại, không tham gia đóng góp. Khi hiểu, người dân sẵn lòng đóng góp, sau này vận động việc gì cũng tích cực tham gia”, đồng chí Phụng cho biết. Kinh nghiệm mà ấp Tám Ngàn vận động tiền, vật chất để xây dựng, sửa cầu, đường là chi bộ, ban lãnh đạo ấp không thu tiền mà giao cho người có uy tín nhất trên địa bàn thu và thống kê minh bạch các khoản thu, chi.
“Trước đây, ấp Tám Ngàn toàn đường đất, đến nay có 7/15km được bê tông hóa. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đổ đá bụi giúp người dân đi lại dễ dàng. Kinh phí xây dựng, sửa cầu, đường hàng trăm triệu đồng do người dân trên địa bàn đóng góp. Các công trình, khoản đóng góp đều được minh bạch. Làm được điều này là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Phụng”, ông Trần Văn Đực, ngụ ấp Tám Ngàn cho biết. Theo ông Đực, đồng chí Phụng làm việc bằng cái tâm và trách nhiệm.
Hầu hết các khoản đóng góp, Chi bộ, ban lãnh đạo ấp và đồng chí Phụng không giữ mà do người có uy tín ở ấp giữ và minh bạch khoản thu, chi nên người dân tin tưởng. Ấp Tám Ngàn có 223 hộ với 937 nhân khẩu. Năm 2017, ấp có 7 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo. Nhờ nỗ lực vươn lên của người dân và sự lãnh đạo của đồng chí Phụng, ấp Tám Ngàn hiện chỉ còn 4 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Hữu (bên trái) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Phong, xã Vĩnh Bình Nam (Vĩnh Thuận) tham quan mô hình trồng dưa lưới sạch trong nhà kính.
“Năm 2021, ấp Tám Ngàn phấn đấu giảm còn 3 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo. Để giúp hộ dân thoát nghèo, tôi vận động nhân dân thay đổi tập quán, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất giảm chi phí, tăng thu nhập. Chi bộ, ban lãnh đạo ấp còn phát triển chương trình nuôi dê giảm nghèo, vận động người dân trồng rau màu, liên kết tiêu thụ hàng hóa cho người dân… Ngoài ra, Chi bộ, ban lãnh đạo ấp vận động người dân thực hiện tốt phần việc xây dựng nông thôn mới của ấp, của người dân trong thực hiện nông thôn mới, góp phần cùng xã Bình Giang xây dựng xã nông thôn mới”, đồng chí Phụng cho biết.
THAY ĐỔI TẬP QUÁN SẢN XUẤT
“Hiện tôi đang vận động 3 hộ dân làm đề án vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để thực hiện mô hình trồng dưa lưới sạch trong nhà kính. Đây là mô hình mới giúp thay đổi tập quán sản xuất theo hướng sạch và nâng cao thu nhập cho người dân”, đồng chí Nguyễn Trọng Hữu - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Phong, xã Vĩnh Bình Nam (Vĩnh Thuận) cho biết.
Trên địa bàn ấp Bình Phong, mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Đông Thái (41 tuổi) đang thực hiện có hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Hữu thông tin, anh Thái thực hiện mô hình nhà kính trồng thử nghiệm dưa lưới trên 1.000m2 sau nhà cho lợi nhuận 50 triệu đồng/vụ. Mô hình trồng dưa lưới của anh Thái áp dụng quy trình của một công ty bao tiêu sản phẩm ở TP. Hồ Chí Minh.
Công ty cung cấp giống, phân bón, bán bản quyền về kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu dưa lưới sau thu hoạch với giá 40.000 đồng/kg. Mô hình này sử dụng phân vi sinh bằng cách ủ đầu tôm để cung cấp lượng canxi cho dưa phát triển. Nhà kính của anh Thái có kinh phí xây dựng trên 400 triệu đồng được Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận hỗ trợ vay tín chấp từ nguồn hỗ trợ sản xuất với lãi suất 0,7%/tháng. Dưa lưới trồng bám trên dây leo đã thiết kế từ trước nên có thể trồng dày gấp 4 lần so trồng bên ngoài. Đây là hướng đi mới, xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch.
Mô hình trồng dưa lưới sạch trong nhà kính của anh Thái là mô hình đầu tiên của ấp Bình Phong và huyện Vĩnh Thuận. Chi bộ, ban lãnh đạo ấp Bình Phong báo cáo cấp trên và có kế hoạch vận động một số hộ có điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm của anh Thái; đồng thời hỗ trợ một số hộ viết đề án để được vay vốn và áp dụng thực hiện mô hình này. “Sản xuất nông nghiệp sạch là xu hướng sản xuất. Qua mô hình của anh Thái góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trên địa bàn, bỏ tập quán lạc hậu sang việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao”, đồng chí Hữu nói.
Tháng 7-2018, xã Vĩnh Bình Nam được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hiện địa phương phấn đấu giữ vững tiêu chí đạt được, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. “Để có kết quả này, đòi hỏi có sự chung tay, đồng thuận từ cơ sở và người dân. Không ai khác, những bí thư chi bộ, trưởng các ấp phải ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phần việc trong xây dựng nông thôn mới, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”, đồng chí Trần Văn Lập - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Bình Nam cho biết.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: