23/07/2024 10:19
Thương binh Nguyễn Văn Hoàng.
GIA ĐÌNH GIÀU TRUYỀN THỐNG
Cha tôi tên khai sinh là Nguyễn Văn Hoàng. Khi cha thoát ly theo cách mạng, tổ chức đặt thêm cho một số cái tên và đồng đội, đồng chí thường gọi cha là Minh Đắc. Tuy nhiên, trong các loại giấy tờ của cha không đồng nhất về tên. Giấy chứng minh nhân dân, thẻ thương binh đề Nguyễn Văn Hoàng, trong khi thẻ đảng viên, thẻ cựu chiến binh ghi Nguyễn Minh Đắc, còn giấy chứng nhận Huy hiệu Đảng lại là Nguyễn Văn Đắc. Tôi thắc mắc sự không đồng nhất về tên, cha nói vì cha mù lòa, khi kê khai thủ tục giấy tờ không người kiểm chứng, mà tên nào cũng là cha.
Cha tôi năm nay 78 tuổi tính theo tuổi ta, còn tính tuổi mụ như ông bà xưa thì 79. Cha vừa nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng dịp 19-5 vừa qua. Nhớ những lần nhận Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 55 năm tuổi Đảng, cha vui lắm! Dù mù, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nhưng mỗi lần Đảng ủy phường tổ chức lễ trao Huy hiệu Đảng, cha đều kêu tôi đưa đến đây.
Nhận Huy hiệu Đảng xong, cha không về ngay mà luôn ngồi lại để nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy phường nhắc nhở, dặn dò. Cha bảo đó là vinh dự, niềm hạnh phúc và là nhiệm vụ của đảng viên. Nhưng vào đợt trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng vừa qua, cha không đi được nữa và cũng không nhắc gì về chuyện này. Hôm các đồng chí ở Đảng ủy phường đến nhà trao Huy hiệu Đảng, cha ngồi trầm ngâm không nói gì. Khi đoàn công tác của Đảng ủy phường ra về cha mới hỏi, ai vừa đến nhà mình vậy?
Những năm gần đây, sức khỏe của cha giảm sút nhanh, gay go nhất là từ sau dịch bệnh COVID-19. Thời điểm cha bị mắc COVID-19 không phải cách ly tập trung, nhưng cha chỉ nằm một chỗ, ăn uống, vệ sinh đều trên giường. Cha không hỏi han, trò chuyện với ai. Mẹ hỏi lắm cha mới bập bẹ nói được một, hai tiếng.
Cha sinh ra ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre - cái nôi của các phong trào cách mạng và vang dội với phong trào Đồng Khởi. Trước khi phong trào Đồng Khởi nổ ra, năm 1956 ông bà nội tôi đã đưa cả gia đình đến xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang sinh sống và hoạt động cách mạng. Ông nội nói tổ chức phân công ông chuyển vùng hoạt động. Ông nội tôi có trình độ học vấn kha khá, từng theo học trường Tây và biết chút ít tiếng Pháp, nhưng quan niệm của ông thì rất cũ. Làm ruộng, rẫy thì rất chăm chỉ nhưng lại lạc hậu về kỹ thuật, chính vì điều này nên gia đình nội rất nghèo.
Cha là con thứ ba (theo cách tính của miền Nam) trong một gia đình có 7 anh em gồm 5 trai, 2 gái. Bác hai tôi tên Nguyễn Văn Cộng (tự Bảy Truyền hay Công Khanh) thoát ly theo cách mạng một bận cùng cha. Theo lời kể của nhà báo Trương Thanh Nhã, năm 1961 bác hai công tác tại nhà in Hồ Văn Tẩu, thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Rạch Giá, với nhiệm vụ khắc gỗ, kẻ chữ, minh họa và trình bày cho tờ báo Chiến Thắng, tiền thân báo Kiên Giang ngày nay.
Đêm 30 Tết Nguyên đán năm 1971, trên đường đi phát hành báo xuân, bác hai bị địch phục kích bắn hy sinh tại chỗ. Nhà báo Nguyễn Thanh Hà - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang từng kể, sau khi hay tin bác hai hy sinh, tổ chức phân công ông và một số đồng chí đi lấy xác. Việc lấy xác của bác hai khá vất vả, một người bò vào cạnh xác, cột dây vào chân, rồi bò ngược trở ra, đồng đội cầm dây kéo xác… phòng ngừa bọn địch gài lựu đạn vào xác trước khi rút đi.
Chú tư tôi tên Nguyễn Văn Kha, nhỏ hơn cha tôi 2 tuổi. Năm 1966, ông nội và chú tư bị chính quyền ngụy bắt và giam cầm tại Khám Lớn, Rạch Giá. Sau khi được thả, năm 1967 chú tư âm thầm thoát ly theo bộ đội chủ lực thuộc Quân khu 9. Chưa đầy một năm, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, khi cùng đồng đội đánh vào sân bay Cần Thơ, chú tư hy sinh. Đến nay, mộ và hài cốt của chú vẫn chưa tìm được. Năm 1995, bà nội tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vài năm sau bà nội cũng theo ông nội, bác hai, chú tư về cõi vĩnh hằng.
Thương binh Nguyễn Văn Hoàng (thứ hai, từ trái qua) nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, năm 2015.
HAI LẦN CẬN KỀ CÁI CHẾT
Lúc tôi còn nhỏ, bà nội thường kể nhiều về cha. Nội nói năm 1958-1959, thời chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam cũng là thời cơ cực nhất đối với gia đình. Năm 1958, ông nội bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam với tội danh làm quốc sự. Ông cụ từ Bến Tre đi ghe vào Sân Gạch, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Thuận) gom cả gia đình đưa về quê, trừ bà nội.
Cha nhất quyết không theo ông cụ mà muốn ở lại cùng bà nội chờ ngày ông nội ra tù. Khuyên nhủ mãi không được, ông cụ đành cho cha ở lại. Hơn một năm bà nội và cha dắt díu nhau vượt qua những tháng ngày cơ cực. Hàng ngày sau giờ đến trường, cha tôi quấn quýt bên bà. Có những lúc làng xóm chì chiết, địa chủ mắng nhiếc, đòn roi, cha cũng chịu chung với bà nội.
Năm 1961, cha cùng bác hai thoát ly theo cách mạng, lúc đó cha mới 14 tuổi. Cha bảo, dù chưa rành rọt cách mạng hay cộng sản là gì, nhưng qua chứng kiến và chịu sự bóc lột của tầng lớp địa chủ, sự thâm độc, hà khắc của chế độ Ngô Đình Diệm, cha hiểu chỉ có con đường theo Đảng Cộng sản làm cách mạng mới xóa bỏ áp bức, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Cả hai được biên chế vào nhà in Hồ Văn Tẩu, thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Rạch Giá. Cha được các bác đi trước dạy dỗ, chỉ bảo rất nhiều điều. Tại đây, cha được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1965, khi vừa tròn 18 tuổi.
Tháng 6-1967, cha rời nhà in Hồ Văn Tẩu gia nhập đơn vị Đặc công Tỉnh đội Rạch Giá với chức vụ tiểu đội trưởng. Gần một năm sau, tháng 4-1968 đến tháng 6-1970, cha vào đơn vị Công binh của Tỉnh đội Rạch Giá với chức vụ trung đội trưởng. Từ tháng 6-1970 đến tháng 8-1972, cha lần lượt làm trợ lý tác chiến, đại đội phó rồi đại đội trưởng đơn vị Địa phương quân huyện Vĩnh Thuận. Chỉ 5 năm 2 tháng trong quân ngũ, cha đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ khắp các chiến trường Kiên Giang. Cha nhiều lần trúng đạn, bị thương, hai lần thập tử nhất sinh.
Đó là trận đánh đồn Bàu Môn (An Biên) đầu năm 1968. Sau trận đánh này, ông bà nội nhận tin cha hy sinh trên chiến trường. Ông bà đã lập bàn thờ, hương khói cho cha. Nhưng sau đó vài tháng, cha trở về nhà trên chiếc xe cộ trâu. Ông nội tình cờ gặp cha trên đường, đã ôm chầm lấy thân thể gầy gò, đầu còn quấn băng trắng của cha mà khóc. Ông nội đưa cha về nhà, bà nội, các cô, các chú ai cũng khóc. Cha kể vào trận đánh cha bị trúng đạn ngã quỵ. Khi trận địa im tiếng súng, cha được đồng đội vào kéo xác ra. Phát hiện cha vẫn chưa chết nên đưa về quân y viện điều trị. Cha mê man đến 52 ngày sau mới tỉnh lại. Sau trận đánh này, cha bị thương bể sọ và nhiều mảnh đạn vẫn còn ở chân, ở lưng…
Lần bị thương thứ hai là vào mùa hè năm 1972, lúc này cha và mẹ đã kết hôn gần một năm. Lần đó, cha cùng một số đồng đội vào nghiên cứu đánh đồn Vĩnh Thuận. Khi tiếp cận đồn, một đồng đội của cha quơ phải lựu đạn gài. Lựu đạn nổ, người này hy sinh, còn cha bị sức ép của lực nổ và khói nên hai tròng mắt bị lòi ra ngoài. Khi tôi hỏi về lần bị thương này của cha, mẹ kể rồi khóc. Mẹ nói: “Sau khi mẹ sinh chị hai, nhiều lần mẹ bồng con Yến (tên của chị hai) đi thăm ổng. Nghe ngóng ổng chỗ nào mẹ nhờ người đưa đến, nhưng cứ vừa đến nơi là đơn vị ổng vừa đi. Rồi chị mày bệnh ban đen, không tiền thang thuốc điều trị nên mới hơn đầy tháng đã chết. Một hôm ông nội tình cờ gặp một người quen cho biết, cha con đang nằm quân y viện trong rừng U Minh. Mẹ tức tốc nhờ người đưa đến đây thăm cha. Cơ thể gầy gò, còn quấn khăn trắng khắp người, cha hỏi mẹ: Em đến rồi hả, đi với ai? Mẹ trả lời, đi một mình. Cha hỏi, con đâu? Mẹ nói, bỏ con rồi!”.
Mẹ tôi bước đến ôm lấy cha. Mọi người xung quanh lặng thinh nhìn vợ chồng trẻ đoàn tụ trong nỗi đau tột cùng của thời chiến tranh, ly loạn. Rồi mẹ ở lại xin tổ chức làm nhân viên ở trại thương binh để chăm sóc cha. Năm 1973, mẹ sinh anh tôi và đến tháng 10-1975, mẹ sinh ra tôi.
Thương binh Nguyễn Văn Hoàng được vợ chăm sóc.
NGHỊ LỰC “THÉP”
Hòa bình được một năm, Nhà nước có chủ trương giải tán các trại, đưa thương binh về địa phương chăm sóc. Cha đưa gia đình bốn người về quê sinh sống và canh tác trên mảnh đất trước đây ông nội đã khai phá. Là một thương binh nặng, cha được Nhà nước ưu tiên tạo điều kiện, nhưng do mất sức lao động đến 91%, đôi mắt mù hoàn toàn nên cha gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường, cùng “cuộc chiến” mưu sinh. Nhưng với ý chí, nghị lực, cha nỗ lực vượt khó đi lên và làm được rất nhiều việc. Cha từng làm bí thư chi bộ của trại thương binh và là đảng viên cốt cán của Chi bộ xã Vĩnh Hòa. Khi làm ruộng, cha nhổ được mạ, đập được lúa, đuổi chim… Khi làm rẫy, cha làm được cỏ bờ, dọn lá và vô chân mía... Khi ở nhà, cha nấu cơm, rửa chén… Đặc biệt, cha huấn giáo anh em tôi rất nghiêm khắc.
Những năm 1980, gia đình tôi nghèo lắm. 18 công ruộng, mỗi năm làm một vụ lúa, đến khi thu hoạch, trâu kéo về nhà là chủ nợ chực sẵn để lấy. Số lúa còn lại không đủ ăn trong năm. 1,5 công rẫy trồng mía, đến vụ bán chỉ đủ cho mẹ đi chợ mua cho anh em tôi vài bộ đồ mới và sắm vài thứ lặt vặt cho mấy ngày tết. Nghèo còn mắc cái eo, một đêm năm 1983, trộm “ghé thăm” nhà tôi. Cái radio do Liên Xô sản xuất - “người bạn” thân thiết của cha và tất cả áo quần trong nhà đều bị trộm sạch.
Vụ trộm khiến cha thay đổi suy nghĩ và đưa ra một quyết định táo bạo. Cha liên lạc với những đồng chí, đồng đội cũ đang công tác trong cơ quan nhà nước nhờ giúp đỡ như các chú Ngô Phấn Khởi, Trương Văn Nhu, Trần Thanh Nhanh và nhiều chú bác nữa, tất cả đều phản hồi tích cực. Cha và anh tôi tức tốc đi Rạch Giá và thêm rất nhiều lần sau đó. Mất cả năm, các chú, bác cũng giúp cha xin được nhà ở, tìm được kế sinh nhai.
Những ngày đầu sống ở Rạch Giá, cha như con thoi, lúc đi cùng anh, khi đi cùng tôi đến gõ cửa rất nhiều cơ quan nhà nước như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thị xã Rạch Giá… nhờ giúp đỡ, hỗ trợ. Bạn bè, đồng chí của cha, ai chỉ bảo gì cha cũng làm theo, mong đủ tiền duy trì cuộc sống gia đình và lo cho anh em tôi tới trường. Mẹ, anh và tôi đã từng chèo đò ngang, đò dọc. Anh em tôi phải bưng xề đi bán từng cái bánh, ngồi bán từng cây kẹo, điếu thuốc. Tôi đã từng chạy honda ôm để có tiền tiếp tục học đại học. Vì với cha, việc bỏ quê lên thành tâm niệm lớn nhất là anh em tôi có điều kiện học tập, thay đổi cuộc sống để không phải chịu cảnh nghèo như ông, như cha, như các chú!
Tôi học xong đại học, đi làm, phấn đấu hơn nửa đời người mới có chút thành đạt, nhưng cha đã không còn minh mẫn để thể hiện sự hài lòng. Bài viết này như lời cảm tạ của một người con đối với cha mình - người thương binh 52 năm sống trong bóng tối, 60 năm tuổi Đảng. Một người cha lo lắng cho các con cả một đời, nhưng chưa một lần được biết mặt các con.
Thương binh Nguyễn Văn Hoàng, tên thường gọi Minh Đắc, sinh năm 1947, quê quán xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ông tham gia cách mạng năm 1961, từng là Đại đội trưởng Địa phương quân huyện Vĩnh Thuận. Quá trình tham gia cách mạng, ông Hoàng đạt nhiều thành tích; được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, nhì, ba và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba.
Ông Nguyễn Văn Hoàng là thương binh hạng 1/4 (đặc biệt), vừa nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng dịp 19-5-2024. Hiện ông sống tại P4-06 đường Trần Bạch Đằng, phường An Hòa (TP. Rạch Giá); là đảng viên (được miễn sinh hoạt Đảng) của Chi bộ khu phố 8, Đảng bộ phường An Hòa.
Bài và ảnh: VIỆT TIẾN
(KGO) - Nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn sách bất tử “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ tới với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, mà tên tuổi chị còn hiển hiện trong chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" để tới với các em học sinh những vùng sâu, vùng xa, những hải đảo khuất nẻo như đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: