24/11/2020 14:28
QUAN TÂM TOÀN DIỆN
Toàn tỉnh hiện có 527 cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy và học tiếng Anh, trong đó có 415 trường có tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình tiếng Anh 10 năm. Ngoài ra, một số trường mầm non trong tỉnh tổ chức chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức 8 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho 387 giáo viên và 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 180 giáo viên tiếng Anh phổ thông.
Trong hai năm 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục để phối hợp tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh các trường phổ thông với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phổ thông tăng cường bồi dưỡng cho học sinh phương pháp, thói quen, khả năng tự học phù hợp điều kiện, năng lực, sở trường của học sinh; khuyến khích mở rộng, đa dạng hóa các hình thức, hoạt động thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ trong và ngoài lớp học; tổ chức các hoạt động ngoại khóa có sử dụng ngoại ngữ như Olympic tiếng Anh trên internet, giải toán bằng tiếng Anh, câu lạc bộ tiếng Anh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học...
Đồng chí Bùi Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Châu Thành (Châu Thành) cho biết: “Thời gian qua, trường thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng học môn tiếng Anh của học sinh như xây dựng chương trình bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện cho giáo viên dạy tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện thêm tiết bám sát/tuần cho các học kỳ trong toàn khóa học; tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh sinh hoạt định kỳ 2 lần/học kỳ. Qua các biện pháp thực hiện, chất lượng môn tiếng Anh từng bước được cải thiện”.
CÁI KHÓ BÓ… KẾT QUẢ
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, môn tiếng Anh có tỷ lệ bài thi từ 5 điểm trở lên thấp nhất, với 26,62% (2.882 bài từ 5 điểm trở lên/10,828 bài thi). Trước đó, kỳ thi năm 2019, cùng môn lịch sử, môn tiếng Anh vẫn là hai môn có tỷ lệ bài thi đạt từ 5 điểm trở lên thấp nhất, lần lượt 52,13% và 25,85%. Thực tế kết quả này cho thấy việc tổ chức dạy và học tiếng Anh tại các trường phổ thông trong thời gian qua tuy có được quan tâm đầu tư và phát triển nhưng còn hạn chế.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, kết quả rà soát năng lực ngoại ngữ của giáo viên tiếng Anh toàn tỉnh cho thấy số giáo viên đạt chuẩn theo quy định thấp; nhiều giáo viên được cử tham gia các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn nhưng không đạt kết quả đầu ra.
Do năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh trong các trường phổ thông có xuất phát điểm khá thấp, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau; điều kiện giao tiếp, sử dụng tiếng Anh trong cộng đồng dân cư không nhiều, cơ hội luyện tập tiếng Anh của giáo viên chủ yếu là các tiết dạy trong trường theo chương trình đã định sẵn... Chính những lý do đó ảnh hưởng đến việc nâng chất lượng giảng dạy môn học này.
Học sinh lớp 12C3, Trường Trung học phổ thông Châu Thành (Châu Thành) trong giờ ôn tập môn tiếng Anh, tháng 9-2019.
Cùng với đó, chương trình học còn thiên nhiều về ngữ pháp, không còn nhiều thời gian cho học sinh thực hành nghe, nói, thảo luận... chưa tạo sự hứng thú đối với việc học tiếng Anh cho các em. Cô Đinh Thị Bích Huyền - giáo viên tiếng Anh của Trường trung học phổ thông Châu Thành cho biết: “Chất lượng học sinh không đồng đều đòi hỏi giáo viên bộ môn có sự quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, gia đình học sinh đa số làm nghề nông, học sinh chưa có thời gian rèn luyện nhiều, có em dành nhiều thời gian sử dụng internet vào việc riêng, trong khi môn tiếng Anh cần sự tập trung và tinh thần tự học cao mới mau tiến bộ”.
Toàn tỉnh có 27 trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh được cấp phép dạy và học ngoại ngữ nhưng hầu hết trung tâm này tập trung chủ yếu trên địa bàn TP. Rạch Giá, do đó học sinh nhiều địa phương khác muốn được trau dồi thêm tiếng Anh gặp khó khăn. Mặt khác, bản thân học sinh và gia đình chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, một khi học sinh không xác định được mục tiêu hướng đến thì khó lòng có sự quyết tâm thực hiện.
“Đầu mỗi tiết học, tôi thường nhắc nhở các em tập trung và đầu tư thời gian cho môn tiếng Anh không chỉ đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn ứng dụng vào công việc trong tương lai, là lợi thế khi các em tham gia thị trường lao động”, cô Đặng Kim Loan - giáo viên tiếng Anh Trường trung học phổ thông Gò Quao chia sẻ.
ĐỔI MỚI ĐỒNG BỘ HƠN
Để nâng chất lượng dạy và học ngoại ngữ, chủ yếu là môn tiếng Anh, bên cạnh việc triển khai thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020” của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2017-2025”.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Mai - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp học tập trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; giáo viên ngoại ngữ đạt bước tiến rõ rệt về trình độ; giáo viên ngoại ngữ nói chung và giáo viên tiếng Anh nói riêng thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam. Dạy và học ngoại ngữ ở tỉnh ta đứng vào loại trung bình khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trung bình của cả nước…
Tỉnh tập trung hoàn tất công tác khảo sát trình độ đào tạo, năng lực ngoại ngữ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp học; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi ở từng cấp học hoặc liên cấp.
Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, nhất là tại các trường chuyên biệt, trường trọng điểm, trường đạt chuẩn quốc gia và trường nội trú, bán trú.
Đồng thời có cơ chế khuyến khích, ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh các cấp đủ số lượng, đạt chuẩn trình độ đào tạo, có năng lực sử dụng ngoại ngữ tốt. Xây dựng cơ chế hợp lý trong việc bố trí, sử dụng giáo viên tiếng Anh đã qua nhiều lần bồi dưỡng nhưng không đạt chuẩn…
Đồng chí Nguyễn Thị Mai cho biết: “Tỉnh mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đưa môn ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) vào giảng dạy một cách hệ thống từ lớp 3 theo chương trình mới 10 năm gắn với tăng cường dạy, học tiếng Anh tự chọn ngay từ lớp 1, lớp 2; có giải pháp tích cực khắc phục sự thiếu đồng đều trong thực hiện chương trình 10 năm ở từng cấp học để đảm bảo tính liên thông của chương trình giữa các cấp học”.
Bên cạnh tăng cường bồi dưỡng phương pháp, thói quen, khả năng tự học phù hợp điều kiện, năng lực, sở trường của học sinh; khuyến khích mở rộng, đa dạng hóa các hình thức, hoạt động thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ trong và ngoài lớp học; tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh được tiếp cận, học tập, giao tiếp bằng tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.
Mặt khác, tỉnh đổi mới và nâng cao hiệu quả phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy học ngoại ngữ theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường đầu tư phòng dạy học ngoại ngữ; mua sắm, bổ sung các phần mềm dạy và học ngoại ngữ; hợp tác trang bị phần mềm đánh giá năng lực ngoại ngữ cho học sinh tại các trường phổ thông…
Bài và ảnh: BẢO CHÂU
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: