23/12/2021 07:54
● Lan tỏa phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Xây dựng từ lòng dân, sức dân |
THI ĐUA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Đồng chí Võ Văn Trà - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gò Quao chia sẻ: “Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đổi mới diện mạo nông thôn, tạo sức bật để huyện Gò Quao phát triển kinh tế - xã hội, huyện nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp xây dựng nông thôn mới dù không là huyện điểm xây dựng nông thôn mới”. Huyện ủy, UBND huyện Gò Quao ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện, trong đó đưa ra nhiều chủ trương, chính sách huy động vốn xây dựng giao thông nông thôn.
Đến nay, huyện huy động vốn trong dân trên 98 tỷ đồng, 38.450 ngày công lao động, hiến 135.868m2 đất để làm các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh. Huyện xây dựng chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp, huy động 40% hộ nông dân tham gia kinh tế tập thể, tạo hướng phát triển sản xuất bền vững cho nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 3 lần so năm 2010, đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.
Huyện Giồng Riềng không là huyện điểm xây dựng nông thôn mới nhưng huyện nỗ lực thực hiện, về đích sớm trong xây dựng huyện nông thôn mới. Là địa phương có nhiều xã nhất trên địa bàn tỉnh với 18 xã, 1 thị trấn, để xây dựng thành công huyện nông thôn mới với 18 xã nông thôn mới, huyện Giồng Riềng đề ra chương trình xây dựng nông thôn mới toàn diện, trong đó phân giai đoạn để tập trung đầu tư, xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện xây dựng lộ trình cụ thể cho từng xã, trong đó các xã như Bàn Thạch, Vĩnh Phú, Vĩnh Thạnh có xuất phát điểm thấp, khó khăn, đông đồng bào dân tộc Khmer được huyện tập trung mọi nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Huyện ủy, UBND huyện Giồng Riềng quan tâm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đồng chí Cao Quốc Điện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, sau 10 năm (2010-2020) xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa nâng lên; đời sống nhân dân cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,97%. Đến nay, huyện có hệ thống giao thông liên hoàn thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp được xây dựng bằng nhựa hoặc bê tông chắc chắn với 350,098km đường trục chính, 710,609km đường ngõ xóm, 370 cầu giao thông nông thôn. Tổng kinh phí thực hiện gần 700 tỷ đồng.
Ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai huyện Gò Quao, Giồng Riềng, tháng 4-2021, Thủ tướng Chính phủ trao bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 cho hai huyện Gò Quao, Giồng Riềng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong định hướng, nâng tầm phát triển của hai địa phương trong tương lai.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Được - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Giang Thành đạt nhiều kết quả quan trọng, hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, đời sống người dân nâng lên, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 4,71%. Vai trò của hệ thống chính trị và nhân dân được phát huy; sản xuất nông nghiệp của huyện được tái cơ cấu hợp lý, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; an ninh, trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững. Đến nay, huyện có hai xã Tân Khánh Hòa, Phú Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới; xã Vĩnh Phú, Vĩnh Điều đạt 17 tiêu chí; xã Phú Lợi đạt 13 tiêu chí. Huyện nỗ lực thực hiện tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.
ĐỔI THAY DIỆN MẠO NÔNG THÔN
Về thăm xã Định An (Gò Quao), chúng tôi ngỡ ngàng bởi sự chuyển mình của vùng quê nghèo với gần 70% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống khó khăn, nay khoác lên mình “chiếc áo mới”. Diện mạo nông thôn mới khang trang, những tuyến đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm, những ngôi nhà kiên cố sát nhau tạo ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp. Đồng chí Phan Quốc Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Định An cho biết: “Xã Định An được huyện Gò Quao chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới từ năm 2010. Thời điểm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Định An vừa thoát nghèo theo chương trình 135 của Chính phủ. Hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông nông thôn, kênh rạch chằng chịt, nhà ở dân cư khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 19%”.
Đời sống người dân xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành) được cải thiện nhờ các mô hình kinh tế hiệu quả.
Triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Định An huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, cất nhà cho hộ nghèo, nâng cao thu nhập giúp người dân thoát nghèo. Năm 2016, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, đời sống nhân dân nâng lên, nhất là đời sống đồng bào dân tộc Khmer phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%, thu nhập bình quân đầu người trên 54 triệu đồng/năm; đường trục xã, liên ấp, ngõ xóm trên địa bàn xã được bê tông hóa. Xã đang trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đồng chí Ngô Tròn - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp An Thọ, xã Định An chia sẻ: “Được hưởng thụ thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong ấp đồng tình ủng hộ, chung sức, đồng lòng cùng chính quyền địa phương xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc”.
Đi lên từ một vùng quê nghèo, đến nay xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng) không ngừng vươn mình phát triển mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn mới đổi thay toàn diện từ cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn đến cảnh quan môi trường. Thạnh Hưng là xã đầu tiên của huyện Giồng Riềng cán đích nông thôn mới từ sớm trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2016. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã đoàn kết, nỗ lực xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao năm 2020, bước sang giai đoạn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều hứa hẹn. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, diện mạo nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Theo đồng chí Bành Thiên Ân - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, kinh nghiệm lớn nhất Đảng bộ xã Thạnh Hưng có được là sự đồng thuận, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân. Sau khi Đảng ủy ban hành nghị quyết xây dựng nông thôn mới, UBND xã xây dựng đề án, chi bộ, ban, ngành xây dựng kế hoạch, thống nhất phương châm “Nhà nước, nhân dân cùng làm”, đồng loạt triển khai thực hiện trên địa bàn xã. Hiệu quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đem đến cho người dân xã Thạnh Hưng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đổi thay rõ nhất của xã biên giới Tân Khánh Hòa (Giang Thành) là hệ thống giao thông nông thôn, điện, trường học. Trước đây khi đến xã, chúng tôi phải vượt qua những cây cầu khỉ, đường lầy lội, trơn trượt khi trời mưa. Hiện 100% đường trục ấp, liên xã được bê tông hóa, hệ thống chiếu sáng trên 70% tuyến đường chính, trường học khang trang.
Đồng chí Hoàng Trung Nguyên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Hòa chia sẻ: “Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, gắn kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với phong trào dân vận khéo, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đó là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó nhân dân đồng tình ủng hộ chung sức thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới”.
Cuối năm 2019, xã Tân Khánh Hòa được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, tạo đà cho xã trong quá trình xây dựng, phát triển địa phương thực hiện đạt tiêu chí đô thị loại V. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, bộ mặt nông thôn khang trang xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã 7% tổng giá trị sản xuất, thu nhập bình quân đầu người trên 47 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,46%.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: