16/11/2021 14:06
● Kiên Giang nỗ lực ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp - Bài 1: Nhiều giải pháp ngăn chặn |
XỬ LÝ NGHIÊM TÀU CÁ VI PHẠM
Kinh tế biển, trong đó trọng tâm là lĩnh vực khai thác hải sản được xem là một trong thế mạnh của tỉnh, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm. Ý thức rất rõ việc vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu thủy sản Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ngư dân, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, bài bản các giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua trong việc ngăn chặn tàu cá và ngư dân Kiên Giang khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 13-7-2020 của Tỉnh ủy. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Tỉnh ủy nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới không còn tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác IUU, khắc phục tốt cảnh báo thẻ vàng của EC”.
Với mục đích làm cho ngư dân, chủ tàu và thuyền trưởng hiểu rõ việc khai thác hải sản trái phép và không rõ nguồn gốc sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế, uy tín, danh dự quốc gia, các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên, liên tục về Luật Thủy sản năm 2017, các quy định, nghị quyết, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đến từng cán bộ, đảng viên, chủ tàu cá, ngư dân và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để nâng cao nhận thức, giúp ngư dân hiểu rõ, nắm chắc các nội dung và thực hiện nghiêm túc các quy định về IUU.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông (TP. Phú Quốc) tuyên truyền Luật Thủy sản cho ngư dân. Ảnh: TIẾN VINH
Đối với tình trạng tàu đánh bắt bất hợp pháp, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, tỉnh rất cứng rắn, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn siết chặt công tác quản lý ngư trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng của Trung ương, tỉnh, các cấp chính quyền địa phương tập trung rà soát xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, nhất là đối với các chủ tàu đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến cảng cá, buộc 100% chủ tàu phải thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá…
GIÚP NGƯ DÂN AN TÂM BÁM BIỂN
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng thông tin, về lâu dài, để khôi phục lại nguồn lợi thủy sản, giúp ngư dân an tâm bám biển, ngành nông nghiệp tỉnh kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các đề án để tái cơ cấu lại ngành thủy sản. Tháng 6-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng xong đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và đang tiến hành hoàn chỉnh các thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện; ngoài ra còn có dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; đề án sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác hải sản tỉnh Kiên Giang được xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Theo các đề án được phê duyệt, tỉnh thực hiện 5 bước theo lộ trình nhằm cắt giảm khoảng 2.550 tàu cá để đảm bảo cơ cấu tàu khai thác bền vững tối ưu đến năm 2025 là khoảng 9.200 tàu. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp gồm phân vùng quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quy định nghề và ngư cụ cấm khai thác, kích thước mắt lưới; xây dựng các mô hình quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, chính sách tín dụng…; áp dụng khoa học, công nghệ, tăng cường thực thi pháp luật và nguồn lực.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện việc dừng đóng mới tàu cá kể cả trường hợp đã có văn bản chấp thuận, từng bước hạn chế việc cải hoán tàu cá để khai thác hải sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tham mưu xây dựng chính sách giãn nợ tín dụng để tạo điều kiện cho ngư dân ổn định cuộc sống, tiếp tục khai thác hải sản, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh; xây dựng chính sách hỗ trợ phí vệ tinh đối với thiết bị giám sát hành trình; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích ưu tiên cho ngư dân được hưởng lợi từ chuyển đổi ngành, nghề, nhất là đối với các tàu không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác hải sản, giảm áp lực khai thác.
Với những giải pháp căn cơ tỉnh ta đã và đang thực hiện sẽ góp phần thực hiện nhằm tái cơ cấu lại ngành thủy sản, hướng tới xây dựng nghề khai thác thủy sản một cách bền vững, khôi phục và bảo vệ tài nguyên nguồn lợi thủy sản. Đây cũng là tiền đề để EC tiến hành gỡ thẻ vàng cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: