15/11/2021 14:17
● Kiên Giang nỗ lực ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp - Bài 1: Nhiều giải pháp ngăn chặn |
HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trong quá trình tháo gỡ thẻ vàng EC, tỉnh ta đang phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc chưa được khắc phục kịp thời, dẫn đến chưa thể chấm dứt được tình trạng khai thác hải sản trái phép. Cụ thể, một thời gian dài các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng chưa xem trọng công tác quản lý ngư trường, đánh giá nguồn lợi thủy sản, quản lý ngành, nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Tình trạng ngư dân đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đến nay chưa ngăn chặn được là hệ lụy của nhiều năm buông lỏng quản lý, chạy theo thành tích, thiếu cơ sở khoa học trong việc phát triển số lượng tàu cá quá lớn, làm tăng cường lực khai thác trong thời gian dài, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân phải tìm cách đưa tàu đi khai thác vùng khơi, trong đó có một số người vì lợi ích kinh tế trước mắt, bất chấp nguy hiểm, vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép”.
Kiên Giang có vùng biển gần 64.000km2, bờ biển dài gần 200km, với 143 đảo, 5 quần đảo và nhiều bãi ngang, cửa sông, luồng lạch thông ra biển, nhiều đảo biệt lập, xa đất liền, rất thuận lợi cho nghề khai thác hải sản phát triển, song cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý do có nhiều nơi neo đậu không tập trung, khó kiểm soát, khó tuyên truyền. Vì vậy, đến thời điểm này toàn tỉnh vẫn còn hơn 2.300 tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, địa phương chưa quản lý được số tàu này.
Bên cạnh đó, vùng biển Kiên Giang tiếp giáp với một số quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, trong đó có nhiều vùng chưa được phân định chủ quyền, vùng chồng lấn… Đây là điều kiện thuận lợi để tàu cá và ngư dân “lén” khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài. Đặc biệt có những vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia là nơi ngư dân hai nước được quyền khai thác hải sản chung, là ngư trường truyền thống của ngư dân hai nước nhưng rất dễ xảy ra tranh chấp, ngư dân của ta thường bị lực lượng quản lý biển Campuchia bắt giữ do vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Campuchia.
Thực tế cho thấy, ngoài các trường hợp ngư dân cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn nhiều trường hợp ngư dân không rõ được phân định vùng biển chồng lấn, vùng giáp ranh với các nước trong khu vực. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản Hạnh Hoàng (TP. Rạch Giá), chính quyền địa phương đã tuyên truyền không được đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, nhưng thực tế khi đưa tàu ra biển, không thể biết được chính xác đâu là vùng biển tiếp giáp, đâu là vùng biển nước bạn, dẫn đến trường hợp ngư dân vô tình đi vào khu vực phạm vi vùng biển nước ngoài.
VẪN CÒN TÀU CÁ VI PHẠM
Theo kết quả điều tra nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang từ tháng 3-2019 đến tháng 9-2020 của Chi cục Thủy sản tỉnh cho thấy, trữ lượng nguồn lợi ở vùng biển Kiên Giang khoảng 145.000 tấn, khả năng khai thác cá biển ở vùng biển Kiên Giang khoảng 104.000 tấn. Với tốc độ gia tăng nhanh về số lượng tàu đánh bắt thủy sản những năm gần đây đã vượt cường lực khai thác bền vững tối ưu. Đây là yếu tố dẫn đến hành vi đưa tàu đi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Từng đi đánh bắt tại vùng biển Indonesia và bị bắt giữ, ông Trần Văn Thảo, ngụ phường An Bình (TP. Rạch Giá) cho biết: “Tôi làm tài công hơn chục năm, mỗi chuyến biển kéo dài gần 4-5 tháng, chi phí chuyến đi lên đến mấy tỷ đồng, những năm qua, khai thác tại các vùng biển trong tỉnh, sản lượng cá ngày càng ít đi, muốn có nhiều tiền thì phải “liều” đưa tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác, bên đó cá nhiều. Năm 2019, tàu của tôi không may bị bắt giữ, tôi bị giam gần 6 tháng, người thân gia đình phải bỏ gần 200 triệu đồng để chuộc, tôi mới được về nước”.
Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh theo dõi tín hiệu tàu cá trên biển thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá.
Một nguyên nhân dẫn đến các chủ tàu, thuyền trưởng phải liều khai thác hải sản trái phép chính là áp lực tài chính, nợ vay ngân hàng. Tình hình nguồn lợi hải sản suy giảm đã tác động rất lớn đến hoạt động khai thác hải sản trong tỉnh, sản lượng khai thác ngày càng giảm, giá sản phẩm thủy sản không tăng, doanh thu từ chuyến biển không đủ bù đắp phần chi phí chuyến đi.
Nhiều chủ tàu lâm vào cảnh nợ ngân hàng hàng chục tỷ đồng. Tính đến ngày 31-7-2021 toàn tỉnh có 487 chủ tàu còn dư nợ vay vốn khai thác hải sản phục vụ mục đích đóng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp tàu cũ, bổ sung vốn lưu động, tổng dư nợ trên 2.121,09 tỷ đồng. Tình hình nợ quá hạn, nợ xấu từ việc cho vay khai thác hải sản đang có chiều hướng gia tăng, nhiều chủ tàu ngừng hoạt động hoặc chỉ khai thác cầm chừng, nên không có nguồn thu nhập trả nợ.
Ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá cho biết: “Thời gian qua, công tác điều tra, đánh giá của nguồn lợi thủy sản không được tỉnh quan tâm, công tác quản lý lỏng lẻo, số tàu đóng mới không được kiểm soát, nguồn lợi trong nước suy giảm, áp lực về tài chính, nợ ngân hàng đã dẫn đến việc ngư dân làm liều mặc dù họ biết nếu vi phạm chắc chắn tài sản cũng không còn”.
Trong năm 2020, Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất cả nước, chiếm hơn 50% tổng số tàu vi phạm của cả nước. Theo thống kê của Sở Ngoại vụ, năm 2020 tỉnh ta có 64 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. 9 tháng đầu năm 2021, Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu cả nước về số vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, với tổng số 42 tàu bị nước ngoài bắt giữ.
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, bên cạnh những nỗ lực của tỉnh trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, vẫn còn một số chủ tàu, thuyền trưởng vì lợi ích kinh tế tiếp tục đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Công tác quản lý thiết bị giám sát hành trình tàu cá có nhiều vấn đề phát sinh chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến khó khăn trong khâu quản lý tàu cá. Điển hình như trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng tháo thiết bị giám sát hành trình gửi trên bè cá, tàu cá khác hoặc gửi thiết bị đem về bờ nhưng vẫn kết nối bình thường trong thời gian dài; tàu cá lắp từ 2 thiết bị trở lên; một số đơn vị cung cấp thiết bị bảo hành, sửa chữa thiết bị cho ngư dân còn chậm trễ, không hỗ trợ ngư dân cập nhật tình trạng thiết bị hư hỏng gây bức xúc cho ngư dân”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: