14/11/2021 16:27
Bài 1: Nhiều giải pháp ngăn chặn
Thời gian qua, Kiên Giang triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác hải sản trái phép.
NGĂN CHẶN VI PHẠM
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển sở hữu đội tàu hùng hậu với 9.888 chiếc. Tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với tỉnh. Số lượng tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài của tỉnh luôn nằm trong tốp dẫn đầu của những địa phương có tàu cá và ngư dân vi phạm. Theo thông tin của các sở, ngành, lực lượng chức năng, đến tháng 9-2021, toàn tỉnh có 42 tàu, 392 ngư dân Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Một trong những giải pháp mang tính then chốt để ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép là triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Kể từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, Kiên Giang đã đi đầu trong việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.629/3.660 tàu cá hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,15% tổng số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, để chủ động ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Ban quản lý cảng cá, bến cá tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm theo quy định. Thông qua hệ thống giám sát tàu cá, các lực lượng chức năng kịp thời thông báo, nhắc nhở, yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển lập tức đưa tàu trở về. Nhờ vậy nên hạn chế đáng kể số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tỉnh đưa ra những biện pháp xử lý nghiêm khắc, mạnh tay hơn đối với các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài như gửi thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng quay về vùng biển Việt Nam và không được vi phạm vùng biển nước ngoài; gửi danh sách đến ủy ban nhân dân các xã, phường phối hợp các đồn biên phòng xử lý đối với thuyền trưởng, tàu vi phạm, yêu cầu ký cam kết không tái phạm ngay sau khi tàu về bờ; gửi danh sách cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh phối hợp xác minh, đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm; đưa các tàu cá bị cảnh báo vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài để chỉ đạo Ban quản lý cảng cá, bến cá, Chi cục Thủy sản tỉnh, các đồn, trạm biên phòng kiểm tra 100% khi tàu xuất bến, về bến…
Thông qua theo dõi từ hệ thống giám sát hành trình tàu cá tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Chi cục Thủy sản tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 92 trường hợp (66 tàu cá) với số tiền xử phạt 1,7 tỷ đồng, đối với hành vi vi phạm như không duy trì, hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, tháo thiết bị giám sát hành trình. Bằng các biện pháp xử lý mạnh tay của lực lượng chức năng đã góp phần tạo sự răn đe đối với các chủ tàu cố tình vi phạm.
CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Theo kết quả đánh giá của đoàn thanh tra EC tại 2 đợt kiểm tra tại Kiên Giang vào tháng 5-2018 và tháng 11-2019, đoàn thanh tra EC đánh giá cao những nỗ lực của Kiên Giang trong việc thực hiện những khuyến nghị do EC đưa ra. Kiên Giang đã có những bước đi đúng hướng trong khắc phục những hạn chế trong quản lý khai thác thủy sản. Tỉnh đã có những tiến bộ như quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả; tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân được các cấp chính quyền đẩy mạnh, giúp ngư dân hiểu và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng EC.
Nhân công bốc dỡ cá từ tàu đánh bắt thủy sản lên cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành).
Nhờ công tác tuyên truyền và xử lý mạnh tay, ý thức của ngư dân trong khai thác thủy sản được nâng lên rõ rệt. Ông Võ Ngọc Thu, chủ doanh nghiệp tư nhân đánh bắt thủy sản Thu Đông, xã Lình Huỳnh (Hòn Đất) cho biết: “Công tác tuyên truyền được chính quyền địa phương, trạm biên phòng triển khai rất thường xuyên, ngư dân được nhắc nhở không được đi đánh bắt vùng biển nước ngoài. Việc ra vào cảng được cán bộ biên phòng kiểm soát chặt chẽ, tàu cá không có thiết bị giám sát hành trình đều không được xuất bến. Ngư dân hiểu rõ, chấp hành tốt chính sách, pháp luật về thủy sản, chủ yếu hoạt động đánh bắt tại các vùng biển trong tỉnh, sản lượng tôm cá tuy ít hơn trước nhưng không gặp rủi ro. Chúng tôi hiểu được đánh bắt nước ngoài là trái pháp luật, dễ bị nước ngoài bắt giữ, khi về nước còn bị phạt tiền rất nặng, mất hết tài sản”.
Theo Ban quản lý cảng cá, bến cá tỉnh, hiện các tàu cá phải nộp nhật ký thu mua chuyển tải và báo cáo kết quả khai thác về Ban quản lý cảng cá, bến cá. Sau đó, Ban quản lý cảng cá, bến cá báo cáo Chi cục Thủy sản theo quy định. Ngoài ra, tất cả các tàu thuyền trước khi vào cập cảng bắt buộc phải thông báo cho Ban quản lý cảng cá, bến cá để kiểm soát, nếu phát hiện có tàu nằm trong danh sách khai thác bất hợp pháp sẽ không cho bốc dỡ hàng hóa, đồng thời thông báo cho tổ kiểm tra xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Lạc, chủ cơ sở thu mua hậu cần nghề cá tại xã Bình An (Châu Thành) cho biết: “Tôi có 2 cặp tàu đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhờ thiết bị giám sát hành trình, việc đánh bắt trên biển được thuận lợi hơn khi xác định được vị trí tàu, tránh vi phạm vùng biển nước ngoài. Hơn nữa, khi về tới cảng, chúng tôi thực hiện chấp hành nghiêm việc ghi nhật ký khai thác để làm căn cứ, giấy tờ được cấp giấy xác nhận nguồn gốc hải sản, giúp việc tiêu thụ hải sản đánh bắt được thuận lợi, dễ dàng”.
Tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, tích cực góp phần cùng cả nước chung tay gỡ thẻ vàng, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, từng bước hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững, hiệu quả hơn.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: