16/12/2022 16:15
ĐẢM BẢO NGƯ TRƯỜNG
Chị Trần Thị Huệ - chủ nhà thùng nước mắm Anh Duyệt, TP. Phú Quốc cho biết từ cha mẹ chồng truyền nghề lại qua hàng chục năm phát triển, nay gia đình chị có 220 thùng ủ chượp, sản xuất ra thị trường 600.000-700.000 lít nước mắm mỗi năm. Tuy nhiên, điều chị băn khoăn cần có giải pháp để bảo tồn ngư trường cá cơm và có thời gian cho cá sinh sản, đảm bảo nghề phát triển lâu dài.
Nguồn nguyên liệu để cung cấp cho các nhà thùng sản xuất nước mắm ở Phú Quốc hiện chủ yếu do các ngư dân khai thác theo phương pháp mành đèn (lưới vây rút chì có kết hợp ánh sáng và pha xúc) thay cho lưới vây truyền thống vì cá cơm là loại cá nổi có tính hướng quang rất mạnh. Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng cá cơm giảm đáng kể, nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu cá cơm ở biển Phú Quốc bị khai thác quá mức cho phép.
Du khách tham quan, mua sắm tại nhà thùng nước mắm Khải Hoàn, TP. Phú Quốc.
Sản lượng nước mắm được sản xuất ngày càng nhiều, thị trường mở rộng, trong đó có xuất khẩu ra thế giới, vì vậy chế biến nước mắm Phú Quốc được đánh giá đã trở thành nghề thủ công tạo ra sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn ở nhiều nước khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ. Đây là nghề truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân địa phương nói riêng và Kiên Giang nói chung, góp phần rất lớn vào thu nhập của nhân dân địa phương.
Thu nhập bình quân của lao động làm nghề chế biến nước mắm hiện nay khoảng trên 8 triệu đồng/người/tháng. Đa phần các nhà thùng, cơ sở chế biến, kinh doanh nước mắm đều khá giả. Vì thế, việc đảm bảo ngư trường cá cơm trong dài hạn để nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc phát triển bền vững cần phải được chính quyền địa phương quan tâm.
QUY HOẠCH LÀNG NGHỀ
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết thời gian tới, thành phố sẽ có quy hoạch làng nghề sản xuất nước mắm tập trung. Phú Quốc sẽ có nhiều giải pháp để nâng cao giá trị của sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Mẫu mã, bao bì, chai, lọ... cũng phải đổi mới, phù hợp với xu thế của người tiêu dùng.
Đồng chí Huỳnh Quang Hưng cho rằng, hiện nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc quan ngại khi trên thị trường rất nhiều nơi sản xuất nước mắm lấy thương hiệu giả là nước mắm Phú Quốc. Việc này cần phải được các cấp, ngành kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ sản phẩm nước mắm Phú Quốc và người tiêu dùng. “Chúng tôi sẽ có biện pháp hỗ trợ cho Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc trong công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức hội thảo, hội nghị, tham gia hội chợ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về nước mắm Phú Quốc là một sản vật của quốc gia”, đồng chí Huỳnh Quang Hưng thông tin.
TP. Phú Quốc tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định 1401/QĐ-UBND, ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh Kiên Giang quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm, giữ vững thị trường xuất khẩu nước mắm vào Liên minh châu Âu (EU).
Về lâu dài, TP. Phú Quốc sẽ xây dựng cụm công nghiệp sản xuất nước mắm phù hợp với làng nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc, di dời cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi khu dân cư; kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải; nhà máy, hệ thống thu gom xử lý nước thải với công nghệ hiện đại, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
GẮN VỚI DU LỊCH
Theo đồng chí Lương Thanh Hải - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Kiên Giang, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài bởi những giá trị văn hóa lâu đời và các sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng, miền.
Để bảo vệ quyền lợi, giúp người sản xuất nước mắm Phú Quốc giành lại thương hiệu của mình một cách công bằng và chính đáng trên thị trường, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã xây dựng quy chế bảo hộ cho nước mắm Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc bảo hộ tên gọi xuất xứ là cơ sở xác lập quyền sử dụng đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào làm giả thương hiệu và sản phẩm nước mắm Phú Quốc đều bị xử lý theo quy định pháp luật. |
“Phú Quốc có nhiều nhà thùng lớn có vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phục vụ khách tham quan là lợi thế để nghề làm nước mắm Phú Quốc được nhiều người biết đến khi đến Phú Quốc. Những nhà thùng có thương hiệu nổi tiếng đến nay vẫn bảo tồn được những kinh nghiệm, bí quyết về kỹ thuật làm nước mắm. Đó là điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển du lịch văn hóa nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương”, đồng chí Lương Thanh Hải cho biết.
Đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể như nghề làm nước mắm Phú Quốc, du khách dễ tiếp cận hơn. Du khách không chỉ được xem, trải nghiệm mà còn được thực hành, sáng tạo, thưởng thức và hưởng thụ sản phẩm của nghề. Điều này sẽ hấp dẫn du khách hơn là chỉ đến tham quan, quan sát.
Đồng chí Lương Thanh Hải cho rằng khi nghề làm nước mắm Phú Quốc gắn với du lịch sẽ thu hút được nhiều khách tham quan, sản phẩm làng nghề được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, được nhiều người biết đến hơn. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân làm nghề, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho nghề và địa phương, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: