20/12/2022 11:04
GẮN KẾT VỚI DU LỊCH
Du lịch và làng nghề, nghề truyền thống có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau. Làng nghề, nghề truyền thống góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch và tăng nguồn thu cho ngành du lịch. Du lịch góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, nét tài hoa của người làm nghề, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giúp người làm nghề sống được bằng nghề. Do đó, kết hợp làng nghề, nghề truyền thống và hoạt động du lịch mở ra triển vọng lớn để phát triển làng nghề, nghề truyền thống.
Chị Phạm Thị Ngọc, ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho rằng: “Tôi thích đi du lịch đến các làng nghề bởi tôi có thể tìm hiểu các giá trị văn hóa, đặc biệt tôi còn được biết đến sản phẩm thủ công độc đáo do nghệ nhân tài hoa làm và có thể mua về làm quà. Sự hấp dẫn tôi đến với làng nghề được thể hiện ở không gian văn hóa, kỹ năng của người làm nghề, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… ”.
Một số làng nghề, nghề truyền thống ở Kiên Giang gắn với hoạt động du lịch như chế biến nước mắm TP. Phú Quốc, chế biến mắm ruốc huyện Kiên Lương, làm nồi đất ở huyện Hòn Đất... Tuy nhiên, dù có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nhưng các làng nghề, nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả do nhiều nguyên nhân như nguồn nhân lực thiếu; kết cấu hạ tầng, các dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; các sản phẩm chưa có đầu ra khiến thu nhập người làm nghề không ổn định.
|
Để phát triển các làng nghề theo hướng bền vững, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đề án “Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đề án, Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 có 8 làng nghề truyền thống được đưa vào khai thác du lịch gồm sản xuất nước mắm (TP. Phú Quốc, Kiên Hải), nuôi cấy trai ngọc (TP. Phú Quốc), sản xuất rượu sim (TP. Phú Quốc), đan cỏ bàng (Giang Thành), trồng tiêu (TP. Phú Quốc), nghề làm khô (Kiên Hải, TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên), đan lục bình (Gò Quao), nuôi cá bè và làng chài (Kiên Hải, TP. Phú Quốc). |
Đồng chí Huỳnh Thanh Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh triển khai thực hiện các nhóm giải pháp phát triển du lịch gắn bảo tồn làng nghề, nghề truyền thống có tiềm năng du lịch cao, xem làng nghề, nghề truyền thống là tài nguyên du lịch để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề; đào tạo và củng cố đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch làng nghề, nghề truyền thống, hỗ trợ nghệ nhân gắn bó với nghề và đẩy mạnh hoạt động truyền dạy nghề.
Các ngành chức năng liên kết các cơ sở đào tạo để quảng bá, chiêu sinh, mời nghệ nhân làng nghề, nghề truyền thống giảng dạy, hướng dẫn. Bồi dưỡng ngoại ngữ, đào tạo nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn người dân tại làng nghề, nghề truyền thống về tổ chức, kinh doanh du lịch, văn hóa du lịch, du lịch cộng đồng và trở thành hướng dẫn viên. Hoàn thiện, cải tiến chất lượng các điểm du lịch làng nghề, nghề truyền thống đã có hoạt động du lịch để quảng bá cho du lịch làng nghề...
Theo đồng chí Đặng Trung Tín - Thành ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Hà Tiên (Kiên Giang), thành phố xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với nghề trong vùng, trong thành phố; tổ chức tuyến du lịch ngành, nghề kết hợp các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn. Tập trung quảng bá về các sản phẩm ngành, nghề, cơ sở, hộ sản xuất và các nghệ nhân của ngành, nghề nằm trong các tuyến du lịch.
Đồng thời, thành phố phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các nghề truyền thống; tổ chức khu vực tập trung các cửa hàng bán sản phẩm nghề truyền thống. Xây dựng các xưởng, khu sản xuất đủ điều kiện làm điểm du lịch để tổ chức tham quan cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Bà Trần Thị San, ngụ khu phố Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bên những chiếc lò đất vừa làm xong.
HỖ TRỢ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Để các làng nghề, nghề truyền thống tiếp tục phát triển và đem lại giá trị kinh tế cao, các ngành, các cấp, nhất là người làm nghề cần ý thức việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm là khâu có tính chất sống còn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, bên cạnh hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, UBND TP. Hà Tiên chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nghề truyền thống. Với sự hỗ trợ của UBND TP. Hà Tiên, tôm khô Hà Tiên sau khi đăng ký nhãn hiệu được nhiều khách hàng biết đến.
Đồng chí Đặng Trung Tín cho biết: “TP. Hà Tiên tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu; tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển sản phẩm nghề truyền thống gắn sản phẩm OCOP, xem đây là giải pháp quan trọng để phát triển nghề truyền thống”.
Bên cạnh đó, người làm nghề, doanh nghiệp liên kết thành lập hợp tác xã, đăng ký nhãn hiệu tập thể. Theo đồng chí Đoàn Ngọc Anh - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, khi nghề truyền thống có nhãn hiệu tập thể sẽ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc sản xuất các sản phẩm từ nghề truyền thống của địa phương còn mang tính truyền thống, theo quy trình gia truyền của từng cơ sở, hộ gia đình, vì thế khó bảo đảm độ đồng đều của sản phẩm nên việc sử dụng nhãn hiệu tập thể khó khăn.
Ông Danh Phal, ngụ ấp Ba Trại, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) nấu đường thốt nốt.
Huyện Kiên Lương đang xúc tiến để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm từ nghề truyền thống. Hiện xã Bình An có khoảng 100 hộ dân làm nghề mắm ruốc, sản lượng 36 tấn/năm. Để hỗ trợ người dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường, Phòng Kinh tế phối hợp Hội Nông dân huyện và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang khảo sát nhu cầu, điều kiện cụ thể của người dân để tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể. Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu để được cấp nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm mắm ruốc Bình An cơ bản hoàn tất. Sở Khoa học và Công nghệ gửi đơn đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mắm ruốc Bình An.
Để phát triển, duy trì các làng nghề, nghề truyền thống cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những người dân làm nghề cần nỗ lực, năng động, nhạy bén tìm hướng đi, cách làm sáng tạo, mang đến sức sống mới cho làng nghề, nghề truyền thống; gắn sự phát triển của làng nghề, nghề truyền thống với gìn giữ giá trị văn hóa, kết hợp khai thác tiềm năng du lịch.
Theo đồng chí Huỳnh Thanh Liêm, để bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang xây dựng dự án hỗ trợ ngành, nghề nông thôn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các làng nghề, nghề truyền thống, trong đó ưu tiên hỗ trợ các nghề được UBND tỉnh công nhận.
Năm 2022, Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển ngành, nghề nông thôn năm 2021 từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 413 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 213 triệu đồng, người dân đối ứng 200 triệu đồng.
Đến nay, tổ chức nghiệm thu máy móc, thiết bị cho 5 hộ dân đăng ký tham gia, từ đó giúp các hộ dân cải tiến mẫu mã sản phẩm ngày càng chất lượng. Ngoài ra, chi cục phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức cho các làng nghề, nghề truyền thống tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để các cơ sở, doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm của làng nghề, nghề truyền thống.
Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: