16/08/2022 10:52
● Để hát với nhau không... buồn - Bài 1: Ca hát và hệ lụy buồn |
NỖI KHỔ CỦA NGƯỜI THÂN
Đồng chí Nguyễn Văn Nốp - Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng ấp Kinh 1A, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết, vụ án giết người tại quán karaoke trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận xảy ra ngày 2-10-2019 làm 1 người chết, 1 người đứt cánh tay làm chấn động dư luận, nhất là nơi cư trú của Trần Thanh Bình (24 tuổi), Trần Thanh Tuấn (27 tuổi), ngụ ấp Kinh 1A, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận. Theo đồng chí Nốp, từ trước đến nay ở địa phương Bình và Tuấn không mâu thuẫn với ai. Cả hai đều có vợ con. Hàng ngày Bình, Tuấn làm thuê, thỉnh thoảng giúp bà N.T.T (52 tuổi) - mẹ của Bình và Tuấn gần đó.
Chúng tôi gặp đồng chí Nốp và nhiều lần gọi điện thoại thuyết phục để được gặp bà N.T.T. Sau nhiều lần từ chối bà T mới gặp chúng tôi. Bà T cho biết bà thường trốn tránh người ngoài vì không muốn mọi người hỏi về câu chuyện đau buồn của gia đình, chuyện của hai đứa con mang tội giết người. Từ khi sự việc xảy ra đến nay, gia đình bà vắng vẻ hơn trước. “Hai con vào tù, hai con dâu thường xuyên đưa cháu nội về nhà ngoại. Còn tôi ai thuê gì tôi làm nấy để kiếm tiền nuôi sống bản thân”, bà T cho biết.
Theo bà T, để các con được hưởng mức án nhẹ, bà cùng con dâu khắc phục cho gia đình bị hại, vì vậy gia đình càng khó khăn. “Tôi lo cho các cháu tôi vì hành động bồng bột nhất thời của cha mà ảnh hưởng tương lai. Tôi buồn và xấu hổ về việc làm của con nên muốn trốn tránh mọi người xung quanh”, bà T nói.
HÁT THẾ NÀO CHO VĂN MINH
“Hiện phần lớn đám tiệc đều sử dụng dàn âm thanh để không khí thêm vui hơn. Tuy nhiên, việc nhiều người hát không kể thời gian, từ trưa đến khuya làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của người khác. Chưa kể một số thanh thiếu niên hát để kéo dài cuộc vui cùng với uống rượu, bia dẫn đến mâu thuẫn đánh nhau, gây án mạng”, bà Lê Phương Lan, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết. Từ thực trạng trên, bà Lan đề nghị: “Cần sớm có giải pháp để hạn chế hệ lụy xuất phát từ hát karaoke, ca hát bất kể giờ giấc, quá ồn ào, ảnh hưởng đến người khác”.
Là chủ tọa phiên tòa xét xử nhiều vụ án hình sự, trong đó có không ít vụ cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng mà nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn trong lúc ca hát, hát karaoke, thẩm phán Nguyễn Thanh Phong - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành cho biết: “Trong 100 vụ có từ 15-20 vụ việc trên địa bàn có liên quan đến ngư phủ và trẻ vị thành niên”.
Nơi xảy ra vụ giết người từ mâu thuẫn liên quan đến hát karaoke ở thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
“Ngư phủ sau thời gian vào bờ, muốn giải trí sau nhiều ngày lao động vất vả trên biển, muốn gặp gỡ bạn bè, người thân để trò chuyện, ăn uống, trong đó có hát, hát karaoke. Riêng thanh thiếu niên thiếu sự quản lý của gia đình, bị thanh niên lớn hơn rủ rê, tập nhậu nhẹt, đi hát karaoke. Tại các điểm hát karaoke có các đối tượng khác hát. Khi hai bên đụng chạm quyền lợi, cho rằng bị xúc phạm, va chạm nhẹ hay bất cứ việc nhỏ cũng sẽ dẫn đến mâu thuẫn rồi sinh ra ẩu đả, đánh nhau”, đồng chí Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Còn luật sư Đoàn Công Thiện - Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang cho rằng xã hội ngày càng phát triển không thể tránh khỏi mặt trái, hát karaoke cũng vậy. Ngày nay, cha mẹ lo mưu sinh, việc quan tâm, quản lý con không thường xuyên. Trong khi đó, thanh niên lớn lên có nhiều mối quan hệ xã hội dễ bị lôi kéo dẫn đến tham gia nhậu nhẹt, ca hát, có khi mất kiểm soát…
Từ phân tích trên, để việc ca hát trở nên lành mạnh, mang lại lợi ích về mặt giải trí, nâng cao tinh thần, hạn chế hệ lụy, luật sư Đoàn Công Thiện đề nghị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. “Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành quy định thực chất đảm bảo mọi người tuân thủ quy định ở các địa điểm hát karaoke hay buổi tiệc có sử dụng nhạc sống phục vụ… Trường học tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh từ cấp học nhỏ nhất. Gia đình cần quản lý chặt chẽ, khoa học giờ giấc của con mình; đồng thời phải gương mẫu trong cách hành xử, giáo dục con và người xung quanh”, luật sư Thiện đề xuất.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Phong, mỗi phiên tòa xét xử bị cáo liên quan đến các vụ án hình sự, trong đó vụ việc về gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích liên quan đến ca hát, hát karaoke, thẩm phán đều phân tích, giải thích cho bị cáo và người dự phiên tòa về quy định của pháp luật. Phần lớn bị cáo đều ăn năn, hối hận về cư xử, vi phạm của mình.
“Đối với ngư phủ, tôi mong chủ phương tiện khuyên ngư phủ có tiền công gửi về gia đình, hạn chế nhậu nhẹt trước và sau khi trở lại đánh bắt; tránh xa các vụ ẩu đả. Ngoài ra, lực lượng chức năng ở địa phương tăng cường tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự; phối hợp với chính quyền, ngành chức năng có biện pháp xử phạt trường hợp vi phạm giờ nghỉ của người dân”, đồng chí Nguyễn Thanh Phong đề nghị.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: