21/12/2020 15:47
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Rạch Giá cần xử phạt chủ đầu tư với hành vi hủy hoại đất Quan điểm của Ủy ban nhân dân xã Phi Thông cho rằng cần xử lý với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất giữa các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp thuộc trường hợp phải đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất mà không đăng ký theo quy định. Dù quan điểm nào thì đến nay hành vi của ông Công vẫn chưa được xử lý.
NHƯ THẾ NÀO LÀ HỦY HOẠI ĐẤT?
Nghị định 91/2019/NĐ-CP, ngày 19-11-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai giải thích hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Đối với trường hợp dự án trang trại tổng hợp nuôi gà Nguyễn Minh Công là làm biến dạng địa hình trong trường hợp san lấp, nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so các thửa đất liền kề.
Ông Công cho rằng hành vi của ông thuộc yếu tố loại trừ phù hợp với thực trạng dự án trang trại của ông được quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP đó là “trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận”.
Nếu căn cứ vào quy định này thì không thuyết phục vì ngày 21-9, Ủy ban nhân dân xã Phi Thông tiến hành kiểm tra địa bàn, phát hiện ông Công tổ chức san lấp mặt bằng trên đất trồng lúa tại tổ 11, ấp Sóc Cung. Độ dày lớp cát đã bơm cao hơn so với mặt bằng trước đây từ 0,6m đến 0,8m. Thời gian này dự án đầu tư của ông chưa được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận. Qua đo đạc thực tế tại công trình, diện tích san lấp mặt bằng 17.000m2, còn lại 5.626,5m2, ông Công đào đất làm bờ bao và mương thoát nước xung quanh.
Trang trại tổng hợp nuôi gà Nguyễn Minh Công, xã Phi Thông (TP. Rạch Giá) được xây dựng dù chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Nếu viện dẫn như đồng chí Trần Thanh Sang - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phi Thông cần xử lý vi phạm của ông Công theo điểm c, khoản 3, Điều 13, Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất giữa các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp thuộc trường hợp phải đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất mà không đăng ký theo quy định thì chưa hợp lý.
Thực tế, không chỉ đơn thuần là chuyển mục đích sử dụng đất giữa các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp, ông Công có hành vi dùng cát san lấp để nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so các thửa đất liền kề. Hành vi đó làm biến dạng địa hình của thửa đất nông nghiệp. Mục a, khoản 3, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP giải thích rằng đó là hành vi hủy hoại đất.
Điều đáng chú ý, trang trại tổng hợp nuôi gà Nguyễn Minh Công đã dựng khung tiền chế trên diện tích đất 17.000m2 và còn có mục đích lắp đặt điện năng lượng mặt trời. Vì vậy, nếu căn cứ vào thực tế không thể gọi đây là đất nông nghiệp khác được. Do đó, căn cứ Điều 15, Nghị định 91/2019/NĐ-CP để xử phạt ông Công với hành vi hủy hoại đất là hoàn toàn đúng pháp luật.
THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT
Căn cứ Điều 15, Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi hủy hoại đất từ 1ha trở lên có mức phạt tiền từ 60 đến 150 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành, Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai. Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định 91/2019/NĐ-CP nêu rõ, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng. Như vậy, nếu ông Công bị xử phạt với hành vi hủy hoại đất thì thẩm quyền thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trường hợp người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1 và 2, Điều 38, Nghị định 91/2019/NĐ-CP (tức chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp huyện) phát hiện hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 58 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và khoản 2, Điều 6 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi bổ sung tại khoản 7, Điều 1 của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, ngày 18-8-2017 của Chính phủ.
Với những quy định chi tiết theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, chính quyền địa phương xã Phi Thông và TP. Rạch Giá cần vào cuộc quyết liệt, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai để công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này ngày càng được nghiêm minh, đủ sức răn đe.
Bài và ảnh: CÔNG NINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: