26/11/2020 17:44
NỖ LỰC CỦA NGƯ DÂN
Ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá cho biết: “Ngoài việc cho ứng tiền trước, tôi cố gắng giữ mức lương cứng cho ngư phủ 15 triệu đồng/người/2 tháng, sau chuyến biển nếu có lãi sẽ tiếp tục chia đều; gia đình ngư phủ gặp khó khăn, hoạn nạn, tôi quan tâm giúp đỡ, tạo mối quan hệ tin tưởng giữa chủ tàu và ngư phủ, giúp lao động gắn bó với chủ tàu, yên tâm ra khơi, bám biển… đó là những giải pháp mà tôi giữ chân lao động thời gian qua”.
Nhờ những giải pháp giúp người lao động ổn định cuộc sống, 6 cặp tàu của ông Ngữ ít khi phải nằm bờ, ít có tình trạng ngư phủ “nhảy” tàu, eo sách với chủ.
Là thuyền trưởng của cặp tàu đánh bắt xa bờ, anh Đỗ Thanh Sang, ngụ phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) được chủ tàu tin tưởng giao tìm người lao động, quản lý mọi hoạt động của cặp tàu khi ra khơi. “Để tìm được người lao động đàng hoàng, tôi thường nhờ người quen hoặc người trong nghề giới thiệu chứ không thông qua “cò”; đến khi ngư phủ xuống tàu, nhổ neo ra khơi mới ứng tiền cho người nhà, tránh tình trạng ứng tiền xong ngư phủ bỏ trốn.
Mọi hoạt động trên tàu tôi phải quan sát, đánh giá công việc và đề xuất chia tiền công hợp lý, công bằng, tránh tình trạng ngư phủ bất mãn, bỏ việc”, anh Sang chia sẻ. Để cặp tàu ra khơi cần ít nhất 30 ngư phủ. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lao động, có lúc anh Sang vẫn không gom đủ số lao động hoặc khi tàu ghé vào các đảo lấy thêm nhiên liệu, ngư phủ xin lên uống cà phê thì bỏ trốn gây khó khăn cho việc đánh bắt tiếp theo. Do đó, để tạo nguồn lao động bền vững, ổn định cho nghề đánh bắt hải sản chỉ có nỗ lực của ngư dân là chưa đủ, cần phải có sự vào cuộc của các đơn vị, ngành chức năng.
ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG
Theo đồng chí Phạm Văn Hận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, những năm qua tỉnh rất quan tâm, phân bổ kinh phí cho công tác đào tạo nghề nông thôn (từ năm 2016-2019, phân bổ 17 tỷ đồng), trong đó có đào tạo nghề thuộc lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, cụ thể: Năm 2018 toàn tỉnh đào tạo được 2.984 lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, đào tạo cho nhóm đánh bắt, nuôi trồng thủy sản 780 lao động (chiếm 26,14%), đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng 70 lao động (chiếm 2,3%). Năm 2019, toàn tỉnh đào tạo được 3.090 lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp; trong đó đào tạo cho nhóm đánh bắt, nuôi trồng thủy sản 597 lao động (chiếm 19,32%).
Để có thể ra khơi, mỗi cặp tàu cần ít nhất 30 lao động. Trong ảnh: Công nhân bốc xếp cá lên Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành). Ảnh: ĐẶNG LINH
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông thôn gặp không ít khó khăn. Các văn bản hướng dẫn thực hiện đôi lúc còn chồng chéo, chưa cụ thể, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Năm 2019, các địa phương có nhu cầu đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng; tuy nhiên, nhóm nghề này không nằm trong định mức chi phí đào tạo do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Tỉnh lại không có cơ sở đủ điều kiện đào tạo mà phải hợp đồng với đơn vị đào tạo ngoài tỉnh. Việc đề nghị bổ sung định mức mất nhiều thời gian và nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau. Do đó, năm 2019 không đào tạo được nhóm nghề thuyền trưởng, máy trưởng mặc dù lao động địa phương đang có nhu cầu.
Để khắc phục khó khăn này, đầu năm 2020, Chi cục Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục và định mức kinh phí cho từng nghề sát với tình hình, nhu cầu thực tế tại địa phương; trong đó có đào tạo nghề cho lao động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Đối với nhiệm vụ, chức năng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí Trần Nguyên Hưng - Phó trưởng Phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện Sở phối hợp các hội nghề cá, địa phương lấy phiếu khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn; trong đó có lao động đi biển đề xuất mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn lồng ghép tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, tay nghề cho lao động”.
Để công tác đào tạo cho nhóm nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các ngành, đơn vị liên quan, các chủ phương tiện đánh bắt hải sản cần quan tâm, phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện cho thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng tham gia tập huấn, công tác đào tạo nghề để đảm bảo điều kiện phục vụ lâu dài.
Ông Trương Văn Ngữ đề nghị: “Các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng hệ thống pháp lý ràng buộc giữa chủ tàu và ngư phủ; đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý những trường hợp “cò” ngư phủ, để ngư dân tránh bị lừa đảo, yên tâm bám biển”.
Ngoài ra, các ngành chức năng cần có biện pháp mạnh đối với các nghề cào bờ, xiệp mé và đánh bắt thủy sản trái pháp luật nhằm tăng cường tính răn đe để người dân không tái phạm, tạo ngư trường thuận lợi cho nghề đi biển, tăng thu nhập sẽ giữ chân được người lao động.
VĨ AN
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: