04/06/2020 16:06
CƠ CHẾ SẴN SÀNG
Ngày 25-1-2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Tại kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định KNĐMST vừa là mục tiêu vừa là giải pháp năng động, tạo nền tảng phát triển bền vững, phù hợp đặc trưng và thế mạnh của địa phương. Đến nay, phong trào KNĐMST đạt nhiều kết quả quan trọng như công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng văn hóa khởi nghiệp được quan tâm, duy trì rộng khắp trên các kênh báo chí của tỉnh. Mạng lưới câu lạc bộ KNĐMST được hình thành tại các địa phương đã và đang phát huy hiệu quả. Công tác đào tạo, tập huấn, hội thảo, diễn đàn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo triển khai đồng bộ, thường xuyên, đều khắp các ngành, cấp huyện, qua đó tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nhất là thanh niên, phụ nữ, nông dân, sinh viên…
Theo đồng chí Lê Thanh Việt - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, khó khăn nhất định. Đây là lĩnh vực mới, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm; nhận thức, kiến thức về KNĐMST của các cấp, ngành hạn chế. Việc triển khai xây dựng hệ sinh thái KNĐMST, mô hình hoạt động câu lạc bộ tuy phù hợp nhưng chưa năng động và sáng tạo, chưa kết nối nhiều với nhà đầu tư…
Để khắc phục hạn chế trên, ngày 17-3-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tại kế hoạch này, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về hệ sinh thái KNĐMST đến các startup (cá nhân, tổ chức khởi nghiệp) có dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần hình thành văn hóa khởi nghiệp. Tỉnh chú trọng tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần tạo việc làm, tăng năng suất lao động, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Đồng thời tiếp tục tổ chức các cuộc thi ý tưởng KNĐMST tại địa phương và hỗ trợ cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các cuộc thi KNĐMST khu vực. Tổng kinh phí hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp năm 2020 dự kiến trên 1,3 tỷ đồng.
TIẾP THÊM ĐỘNG LỰC
Theo Thạc sĩ Huỳnh Hồng Mai - giảng viên huấn luyện khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang, đa số ý tưởng khởi nghiệp nhen nhóm nhưng gặp khó khăn do thiếu hỗ trợ. Mối quan hệ giữa chính quyền - startup - nhà đầu tư hạn chế, sự hợp tác chưa sâu, chưa có sự chỉ đạo. Tỉnh chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá về hoạt động KNĐMST cụ thể. Muốn khởi nghiệp tốt phải có con người khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh. Con người khởi nghiệp có kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực ngành, nghề, sản phẩm sẽ đầu tư sản xuất, kinh doanh cùng ý chí, quyết tâm khởi nghiệp và xây dựng mối quan hệ, kết nối đối tác thân thiết cùng phát triển. Để xây dựng con người khởi nghiệp, tỉnh tăng cường đào tạo giảng viên đào tạo khởi nghiệp, đào tạo năng lực ứng dụng thuần thục bộ cộng cụ KNĐMST. Các trường trung cấp, cao đẳng, đại học cần đưa môn khởi nghiệp, xây dựng tinh thần doanh nhân vào chương trình học chính thức.
Ngoài ra, tỉnh cần có bộ phận chuyên trách chỉ đạo trực tiếp và đồng bộ phong trào KNĐMST trong toàn tỉnh. Các ngành, cấp phát động và tổ chức thường xuyên, hiệu quả hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp trong nhân dân; khen thưởng, động viên ý tưởng sáng tạo dù nhỏ, khuyến khích làm thử, mỗi tư duy sáng tạo đều được ủng hộ và nuôi dưỡng; xây dựng các câu lạc bộ, nhóm khởi nghiệp, “vườn ươm” khởi nghiệp nhằm hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng của startup, thương mại hóa; kết nối các doanh nghiệp, nhà tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, các nguồn hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ về tài chính và hướng dẫn tài chính cho các trường đối với các hoạt động KNĐMST.
Theo đồng chí Nguyễn Thu Nhanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tỉnh cần tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với đại diện cơ quan nhà nước, qua đó 2 bên cùng trao đổi và tháo gỡ khó khăn. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp và đoàn luật sư có sự kết nối, phối hợp để hỗ trợ pháp lý trong các tình huống khởi nghiệp cụ thể. Các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật để kịp thời nắm bắt, tiếp nhận, tận dụng các cơ hội, ưu đãi từ chính sách.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lẹ - Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học và công nghệ, Trường Đại học Kiên Giang cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ riêng cho dự án khởi nghiệp của sinh viên sau khi đoạt giải tại các cuộc thi về KNĐMST do các trường cao đẳng, đại học tổ chức. Mức kinh phí hỗ trợ cần linh động theo nhu cầu thực tế của dự án khởi nghiệp để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, các trường cao đẳng và đại học cần xúc tiến kêu gọi đầu tư nguồn kinh phí để triển khai các dự án khởi nghiệp có tính ứng dụng cao từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các trường cần cân đối một khoản kinh phí để tiếp tục đầu tư trang thiết bị cần thiết cho các “vườn ươm” khởi nghiệp tại trường.
HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: