24/11/2020 15:03
QUY HOẠCH SẢN XUẤT
Thực hiện Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 9-1-2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã định hướng quy hoạch phát triển, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: “Nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các chương trình, đề án, dự án nông nghiệp tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả. Tỉnh tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng sinh thái cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, gắn với thị trường tiêu thụ và phát triển bền vững”.
Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh ta xây dựng các vùng chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lộ trình thực hiện theo các ngành hàng chủ lực của tỉnh, trọng tâm là lúa và thủy sản, nhằm thích ứng và khai thác những lợi thế mới từ biến đổi khí hậu.
Tiểu vùng tứ giác Long Xuyên khai thác tốt quỹ đất, chuyển một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác; thâm canh lúa 2 vụ, 2 vụ lúa - 1 vụ màu. Từng bước chuyên canh hóa các vùng nuôi trồng thủy sản, mở rộng quy mô và hiệu quả nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đối với vùng trồng lúa bấp bênh do ảnh hưởng mặn khu vực ven biển, năng suất thấp, chuyển sang mô hình canh tác 1 vụ lúa và 1 vụ tôm để nâng giá trị gia tăng và hiệu quả sử dụng đất.
Đối với tiểu vùng Tây sông Hậu đã hình thành vùng trồng lúa cao sản chất lượng cao, tập trung 2-3 vụ lúa/năm có khả năng xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt; phát triển mô hình sản xuất lúa 2 vụ - 1 vụ màu, lúa 2 vụ kết hợp nuôi trồng thủy sản trong mùa lũ, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến.
Riêng tiểu vùng U Minh Thượng, tỉnh xác định nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản với các mô hình lúa - tôm, lúa - cá; nuôi cua dưới tán rừng, phát triển nuôi nhuyễn thể sò, hến, vẹm xanh ở vùng bãi triều. Ở tiểu vùng đảo và hải đảo phát triển mạnh nuôi thủy sản lồng bè ven biển, đảo; phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở những nơi có điều kiện để phục vụ du lịch như tiêu, rau, hoa, cây cảnh... để tạo ra cơ cấu kinh tế gắn du lịch sinh thái - nông nghiệp và dịch vụ biển - đảo.
GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Tuy tình hình phát triển kinh tế đầu năm 2020 diễn biến khó khăn, dịch bệnh COVID-19 xảy ra ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như phát triển kinh tế nhưng tỉnh ta luôn chủ động ứng phó dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sản xuất phù hợp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 tỉnh phê duyệt quy hoạch thủy lợi trên địa bàn tỉnh có tính đến điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, với tổng mức đầu tư 19.534 tỷ đồng, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp địa phương rà soát, thực hiện.
Công trình chống sạt lở ven biển đoạn Mũi Nai - Núi Đèn trên địa bàn TP. Hà Tiên trong giai đoạn hoàn thiện, nhằm xây dựng đê biển kết hợp đường giao thông góp phần ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành các cống thủy lợi: Sông Kiên, An Hòa, Kênh Cụt và đang thi công xây dựng cống Kênh Nhánh, điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị, tỉnh ta thực hiện nhiều chính sách giúp người dân, nhất là hộ ở vùng ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Cụ thể, năm 2019, tỉnh thực hiện giao khoán bảo vệ rừng 9.454ha cho hộ dân sản xuất theo mô hình lâm - ngư kết hợp, khoanh nuôi tái sinh hơn 500ha và trồng rừng gần 1.000ha.
Đồng chí Đỗ Minh Nhựt cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất tập trung tạo ra vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, những vùng thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ sản phẩm đã tạo được giá trị tăng cao hơn. Công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật và khuyến nông đã tác động lớn đến nhận thức của người dân, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Qua chuyển giao, trình độ sản xuất của người dân từng bước được nâng lên. Nông dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như bơm tát tập trung, giảm giống gieo sạ, cơ giới hóa trong nông nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao từ đó làm cho giá thành sản xuất giảm và lợi nhuận tăng. Việc tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch tập trung các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh như lúa gạo, tôm… kịp thời thích ứng biến đổi khí hậu.
Tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi sản phẩm, ứng dụng đồng bộ các quy trình sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và khó lường, tỉnh ta đang tích cực triển khai các phương án, giải pháp chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão. Nhiều dự án, công trình thích ứng biến đổi khí hậu đã xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành, sử dụng thời gian qua đã góp phần đáng kể trong giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Tỉnh tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án, công trình cấp bách, nhất là chống sạt lở ven biển, xây dựng đê biển kết hợp đường giao thông trên tuyến đê biển Tây, cống thủy lợi và những mô hình kinh tế dân sinh hiệu quả… góp phần ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, hiệu quả.
Bài và ảnh: THÔNG NHI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: