19/08/2020 15:37
THU HÚT KHÁCH DU LỊCH
Được nâng cấp từ khu bảo tồn thiên nhiên lên vườn quốc gia vào năm 2002, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã trở thành một điểm đến của du khách khi đến miền Tây Nam bộ. Anh Nguyễn Hoàn Sánh - du khách đến từ tỉnh Long An cho biết: “Đoàn chúng tôi có 12 người. Chúng tôi đến Vườn quốc gia U Minh Thượng lần thứ hai và bị thu hút bởi thiên nhiên hoang sơ của vườn quốc gia”. Du khách có thể đến U Minh Thượng từ sáng sớm và dành cả ngày để khám phá khu rừng này. Sau khi mua vé tham quan, du khách được hướng dẫn viên dùng vỏ lãi để vào rừng, bắt đầu chuyến tham quan.
Vườn quốc gia U Minh Thượng có diện tích hơn 21.000ha, trong đó vùng lõi 8.000ha được bảo tồn nghiêm ngặt. Khu vực còn lại là vùng đệm, nơi có nhiều hộ dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp, giữ gìn vẻ đẹp và hệ sinh thái của rừng. Vườn quốc gia U Minh Thượng là khu rừng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước. Giai đoạn 2015-2020, U Minh Thượng thu hút trên 60.000 lượt du khách đến tham quan hàng năm, tăng 27,65% so giai đoạn 2010-2015. Doanh thu năm 2019 tăng 1,4 lần so năm 2015.
Để phát huy thế mạnh của Vườn quốc gia U Minh Thượng, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng dự án triển khai phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng với tổng vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng trong 2 năm (2019-2020) và định hướng đến năm 2030. Đồng chí Trần Kiếm Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết: “Hiện tỉnh mời được 2 doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư 2 dự án phát triển du lịch sinh thái với tổng mức đầu tư hơn 95 tỷ đồng nhằm đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan, du lịch”.
Theo dự án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng, du khách đến vườn quốc gia tham quan cảnh quan thiên nhiên rừng tràm trên đất than bùn, hệ sinh thái đầm lầy đất ngập nước kết hợp quan sát động vật hoang dã; tham quan sân chim, máng dơi; quan sát động vật hoang dã về đêm. Du lịch sinh thái kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử và tham quan cộng đồng dân cư địa phương. Du lịch sinh thái trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, giáo dục, vui chơi, giải trí; du lịch sinh thái cộng đồng homestay…
PHONG PHÚ ĐẶC SẢN
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Đức Quốc, ngụ ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên - một trong những hộ làm khô cá sặc rằn đầu tiên của huyện U Minh Thượng. Anh Nguyễn Đức Quốc cho biết: “Khi được công nhận nhãn hiệu tập thể đến nay, giá khô cá sặc rằn của U Minh Thượng cao hơn so khô cùng loại ở các nơi khác. Sản phẩm khô cá sặc rằn U Minh Thượng có chất lượng với mùi vị đặc trưng riêng nên hút hàng, được giá”. Các hộ dân nơi đây chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng và tùy theo địa điểm giao hàng mà người làm khô sẽ cung cấp các loại khô khác nhau. Nếu bán ở chợ tỉnh, người làm phơi khô một nắng rưỡi, còn bán đi TP. Hồ Chí Minh phải phơi hai nắng để bảo quản cá được lâu. Vì thế, giá bán cho chợ tỉnh khoảng 300.000 - 320.000 đồng/kg, còn bán cho khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh từ 380.000 - 420.000 đồng/kg khô loại một.
Bà Trần Thị Thạnh, ngụ ấp Xẻo Kè A, xã Thạnh Yên kiểm tra độ mềm của mắm cá lưỡi trâu đã ủ 2 tháng.
Ngoài khô cá sặc rằn, các sản phẩm như mắm cá lưỡi trâu, mật ong rừng U Minh Thượng… cũng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Bà Trần Thị Thạnh, ngụ ấp Xẻo Kè A, xã Thạnh Yên cho biết: “Từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể đến nay, sản lượng mắm cá lưỡi trâu tăng mạnh. Hàng năm gia đình tôi bán ra thị trường trên 10 tấn mắm cá lưỡi trâu, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Để có mắm cá lưỡi trâu ngon, từ tháng 6 hàng năm, gia đình tôi mua cá nguyên liệu về sơ chế, ủ và ướp gia vị lần 1 vì mắm càng ủ lâu càng ngon”.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Khởi - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, huyện đang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối xiêm và tôm càng xanh. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm đặc trưng hiện có khác góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: