29/01/2021 11:23
CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT ĐỂ LÀM GIÀU
Xã Đông Yên được huyện An Biên chọn là 1 trong những xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. So với các xã khác, Đông Yên là xã gặp nhiều khó khăn với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới ở mức thấp, chỉ đạt 5/19 tiêu chí năm 2011. Hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn…
Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cây trồng chủ lực là lúa. Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo so mặt bằng chung của toàn tỉnh còn khá cao, chiếm 17,6%, từ đó khó huy động vốn trong dân để xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưởng - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Đông Yên kể: “Từ năm 2016 trở về trước, người dân chủ yếu sống nhờ vào cây lúa, nhưng sản xuất không hiệu quả, chủ yếu là “lúa cũ đổi lúa mới”. Đảng ủy xã xác định phải thay đổi, tạo bước đột phá, đời sống người dân mới khá lên. Sau khi đi học tập kinh nghiệm tại một số nơi sản xuất mô hình 1 vụ tôm - 1 vụ lúa cho hiệu quả cao, xã quy hoạch một số khu vực bị ảnh hưởng nước mặn để nuôi tôm, trồng lúa. Vụ đầu tiên người dân sản xuất trúng mùa, trúng giá mở ra bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp của xã”.
Ông Danh Mẫm (bên phải), ngụ ấp Xẻo Đước 1, xã Đông Yên (An Biên) thu hoạch tôm sú.
Những ngày đầu, nghe nói chuyển từ lúa hai vụ sang tôm - lúa, nhiều người dân có cả cán bộ xã bán tín bán nghi, thậm chí có ý bàn lùi vì cho rằng dẫn nước mặn vào ruộng nuôi tôm sẽ làm hư đất và không thể trồng lúa được. Với sự giải thích cặn kẽ từ các nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp được xã mời về tập huấn, người dân dần được thuyết phục, nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi sản xuất.
Từ vài chục hécta ban đầu, đến nay diện tích quy hoạch sản xuất mô hình 1 vụ tôm - 1 vụ lúa của Đông Yên được mở rộng lên đến 1.700ha. Sản xuất mô hình tôm - lúa, hộ dân có lợi nhuận từ 70 - 110 triệu đồng/ha/năm. Từng phải cầm cố đất để trả nợ vật tư nông nghiệp vì làm lúa mất mùa, gia đình ông Danh Mẫm, ngụ ấp Xẻo Đước 1, xã Đông Yên giờ là hộ khá giả của xã với mức lợi nhuận từ mô hình tôm - lúa gần 250 triệu đồng/năm từ 3ha ruộng.
Ông Mẫm nói: “Vụ này lúa trúng mùa, giá bán 7.450 đồng/kg, tăng so vụ trước 1.000 đồng/kg nên người dân phấn khởi. Tôm sú năm nào cũng trúng mùa. Nếu xã không có chủ trương khuyến khích người dân tận dụng 6 tháng mùa khô có nước mặn nuôi tôm chắc người dân vùng này vẫn loay hoay với cái nghèo”.
Về Đông Yên, chúng tôi đi trên những con đường bê tông, bên đường là hàng hoa nhiều màu sắc trước những căn nhà kiên cố… Đồng chí Phan Văn Phê - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Yên nói: “Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu mà đời sống người dân được nâng lên; hộ nghèo giảm còn 2,4%. Xã không còn nhà xiêu vẹo, thay vào đó nhà kiên cố ngày càng nhiều. Điều này minh chứng chủ trương nào được dân tin, dân ủng hộ và làm theo chắc chắn thành công”.
Tháng 3-2020, xã Đông Yên được công nhận xã nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ở xã giai đoạn 2015-2020 hơn 195,5 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 4,3 tỷ đồng và hiến 178.000m2 đất để xây dựng mới 19 tuyến đường trục ấp, liên ấp, 25 tuyến đường trục ngõ xóm với tổng chiều dài 88,9km.
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Xã Thổ Sơn là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất huyện Hòn Đất. Trước đây, hầu hết nông dân trồng xoài chủ yếu bán cho các vựa nên giá bấp bênh. Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất ra đời năm 2018 giúp nông dân trồng xoài không còn lo lắng về khâu tiêu thụ. Hướng đến phát triển bền vững, ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất thực hiện mô hình trồng xoài đạt chuẩn VietGAP, tạo ra cơ hội để các nhà vườn gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Thành Thái - Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất cho biết: “Quy trình từ chăm sóc đến thu hoạch đều được giám sát chặt chẽ. Với tiêu chí ưu tiên chất lượng sản phẩm, mỗi trái đều được tuyển chọn kỹ, phân loại, dán tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR có thể biết được thông tin quy trình sản xuất, nơi sản xuất, địa chỉ liên hệ…”.
Với cách làm này giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng nên giá bán cũng cao hơn. Hiện thương hiệu xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết đến. Có nhiều hợp đồng ký kết đặt hàng từ các doanh nghiệp giúp thành viên Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất an tâm khi đầu ra ổn định.
Thành viên Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất, xã Thổ Sơn thu hoạch xoài.
Hòn Đất là huyện có sản lượng lúa nhiều nhất tỉnh với gần 1 triệu tấn/năm, chiếm gần 1/5 sản lượng lương thực cả tỉnh năm 2020. Huyện xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho nhà nông.
Nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu, huyện Hòn Đất chủ trương đến năm 2030 sẽ giảm diện tích trồng lúa khoảng 17.000ha so năm 2020; trong đó, chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, tôm công nghiệp, hơn 14.000ha còn lại chuyển đổi qua trồng rau màu, cây ăn trái các loại, cây dược liệu, cây làm thức ăn gia súc…
Theo phương hướng nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm dần diện tích trồng lúa, phát triển diện tích trồng cây ăn trái và cây có giá trị kinh tế khác ở những nơi phù hợp.
Song song đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, bảo đảm cơ cấu phù hợp giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu với nâng cao giá trị nông sản.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh tập trung nâng chất lượng tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao hướng đến kiểu mẫu, góp phần đổi thay diện mạo, nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH - THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: