17/09/2020 08:28
Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân phường Mỹ Đức xây dựng hai mô hình “Dân vận khéo” là nâng cao chất lượng nuôi bò sinh sản và bảo vệ cột mốc quốc gia thực hiện theo Chỉ thị 01-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các mô hình lan tỏa sâu rộng trong hội viên, nông dân.
BÁM VÙNG BIÊN PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Ông Chau Êng, ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức vừa thả đàn bò vừa cắt thêm ít cỏ để dành cho đàn bò. Ông Êng nói: “Từ lúc vào tổ nuôi bò sinh sản, tôi được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách chăn nuôi, hỗ trợ tiêm phòng nên đàn bò của gia đình khỏe mạnh, mau lớn, sinh sản tốt. Hiện tôi nuôi 5 con bò. Nuôi bò ít tốn công chăm sóc, mỗi năm thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng”.
Theo ông Êng, đặc điểm sản xuất lúa ở vùng biên giới không thuận lợi, với 7 công trồng lúa hàng năm ông lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhờ nuôi bò kết hợp làm ruộng, làm thuê giúp ông Êng ổn định cuộc sống. Ông Êng là thành viên tổ nuôi bò sinh sản do Hội Nông dân phường Mỹ Đức thành lập từ năm 2016.
Ông Chau Êng, ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức chăn đàn bò của gia đình.
Đồng chí Chau Chư - Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Đức cho biết, phường là địa bàn sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi năng suất cao là nhu cầu cần thiết đối với nông dân của phường. Đầu năm 2016, Hội Nông dân phường triển khai mô hình “Dân vận khéo” nâng cao chất lượng nuôi bò sinh sản, vận động hội viên, nông dân tham gia tổ nuôi bò sinh sản.
Cán bộ hội đến từng hộ dân nuôi bò để động viên, giải thích rõ lợi ích khi tham gia mô hình nuôi bò sinh sản, giúp hội viên, nông dân tận dụng thời gian nông nhàn để nuôi bò sinh sản. Năm 2016, tổ nuôi bò sinh sản chỉ có 4 hộ tham gia, đến nay tổ có 35 thành viên, nuôi 70 con bò.
Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân phường Mỹ Đức phối hợp Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông TP. Hà Tiên tổ chức 9 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò, trồng cỏ… cho hơn 204 lượt hội viên, thành viên của tổ nuôi bò sinh sản.
Áp dụng kỹ thuật chăn nuôi và trồng cỏ làm thức ăn cho bò, đến nay tổ có 4 hộ nghèo đều vươn lên thoát nghèo bền vững như hộ ông Nguyễn Thiên Đường, Ngô Văn Bái… hàng năm xuất chuồng từ 2 - 3 con bò, thu nhập 35 - 40 triệu đồng/năm.
BẢO VỆ CỘT MỐC QUỐC GIA
Nhiều năm nay, không ngại đêm khuya vất vả hay những ngày nắng gắt, tuần nào ông Nguyễn Văn Triều - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố Thạch Động đều cùng lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng tuần tra biên giới, góp phần bảo vệ cột mốc 309, 310, giữ gìn an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. Ông Triều chia sẻ: “Bảo vệ đường biên, cột mốc là trách nhiệm chung của toàn dân. Tôi tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và người dân trên tuyến biên giới chí thú làm ăn, tích cực tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc. Khi thấy có người qua lại biên giới, đối tượng lạ xuất hiện ở khu vực biên giới hay có sự việc bất thường xảy ra trên địa bàn, tôi và người dân báo Hội Nông dân phường, báo lực lượng chức năng”.
Phường Mỹ Đức là địa bàn tiếp giáp nước bạn Campuchia. Năm 2016, Hội Nông dân phường thực hiện mô hình “Dân vận khéo” bảo vệ cột mốc quốc gia theo Chỉ thị số 01-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Đồng chí Chau Chư cho biết: “Hàng tháng, Hội Nông dân phường tổ chức họp hội viên tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến khu vực biên giới và thông tin các luận điệu sai trái của các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước. Từ đó, hội viên, nông dân tham gia mô hình “Dân vận khéo” bảo vệ cột mốc quốc gia, khi thấy có người lạ đến cột mốc, phát hiện sự việc bất thường trên tuyến biên giới sẽ thông tin cho các ngành, các cấp xử lý”.
Anh Ngô Bảo Xuyên (bên phải), ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) thông báo tình hình địa bàn cho đồng chí Trần Quang Nhật - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Đức.
Từ khi vận động xây dựng mô hình, Hội Nông dân phường vận động duy trì và phát triển việc sản xuất lúa tại khu vực đường an sinh xã hội được người dân đồng tình thực hiện. Hội phối hợp ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhất là Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để hội viên, nông dân và nhân dân an tâm lao động, sản xuất và tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Ngô Bảo Xuyên, ngụ khu phố Thạch Động gần chốt biên phòng phòng, chống dịch COVID-19. Đường biên vắng vẻ, thật xa mới có hộ dân sinh sống, gia đình anh Xuyên bám trụ vùng biên nuôi tôm, ổn định cuộc sống. Anh Xuyên còn thường xuyên quan sát tình hình tuyến biên giới, hễ có gì lạ anh báo cho lực lượng biên phòng, cho Hội Nông dân phường và ngành chức năng.
Chỉ tay về phía cột mốc biên giới, anh Xuyên nói: “Là người dân sống vùng biên, tôi muốn góp sức bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Từ đó nhân dân yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất và làm giàu trên mảnh đất biên thùy của quê hương”.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: