17/07/2020 18:50
LÀM KÈ CHỐNG SẠT LỞ
Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, nỗ lực của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiều công trình phòng, chống SLBB của tỉnh được triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống đê, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo Ban Quản lý Dự án công trình xây dựng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), do vốn đầu tư dành cho các công trình chống sạt lở vượt khả năng của ngân sách tỉnh, tỉnh kêu gọi vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn đầu tư nước ngoài tập trung thi công khắc phục những đoạn đê biển sạt lở mức độ đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Cụ thể, Sở đã và đang thi công 7 công trình kè chống SLBB tại các đoạn đê biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cấp bách cần ưu tiên vốn. Từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng, Sở thi công làm kè bằng cọc ống bê tông ly tâm, phía trong 2 hàng cọc đổ đá hộc dài 5.000m tại khu vực sạt lở thuộc Mũi Rãnh (An Biên). Năm 2019, tỉnh hoàn thành, đưa vào sử dụng 2.400m, tương ứng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Tỉnh đang chuẩn bị triển khai thực hiện thêm 12,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ năm 2020 tương ứng với chiều dài kè 768m, dự kiến hoàn thành trong quý III-2020. Phần chiều dài kè còn lại tiếp tục thi công hoàn thành khi được hỗ trợ vốn.
Đoạn đê biển sạt lở nghiêm trọng thuộc khu vực Kim Quy (An Minh), trong đó có 250m đoạn đê bị đứt, 721m sạt lở sát chân đê đang được tỉnh thi công làm kè hàn lại đê bị đứt bằng 2 hàng cọc bê tông cốt thép, phía trong 2 hàng cọc bê tông cốt thép tấn bằng tấm đan và đắp lại đất thân đê. Các đoạn sạt lở tới chân đê biển xử lý bằng rọ đá. Công trình có tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng trích từ nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương. Đến nay, công trình thực hiện trên 85% khối lượng, dự kiến tháng 5-2020 hoàn thành.
Thời gian tới, tỉnh chuẩn bị thực hiện thêm một số công trình chống SLBB tại các địa phương có tình trạng sạt lở nguy hiểm như công trình chống sạt lở khu vực Hòn Quéo (Hòn Đất) dài 4km, vốn đầu tư 100 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ, dự kiến triển khai thi công quý II-2020. Công trình chống sạt lở khu vực Xẻo Nhàu (An Minh) chiều dài kè 7km, dự kiến thi công quý II-2020; kè chống sạt lở từ Tiểu Dừa đến Chủ Vàng (An Minh) dài 10km, tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, dự kiến triển khai thi công quý III-2020. công trình chống sạt lở Xẻo Nhàu - Chủ Vàng (An Minh) dài 9,8km, tỉnh đang lập dự án đầu tư, dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2021.
Công trình kè chống sạt lở tại Mũi Rãnh (An Biên) hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2019.
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết các công trình chống sạt lở ven biển được đầu tư và xây dựng hoàn thành đều phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng các mục tiêu như khắc phục và phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển Tây của tỉnh; góp phần tạo bãi, gây bồi, khôi phục diện tích trồng rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ ổn định khu dân cư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do vốn đầu tư hạn chế, nhiều khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cấp bách nhưng bố trí vốn chưa kịp thời; có những đoạn kè vốn bố trí nhiều đợt, không liên tục, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành. Thời gian tới, để khắc phục tình trạng SLBB trên địa bàn tỉnh, tỉnh cần 1.364 tỷ đồng để thực hiện làm kè chống sạt lở được Bộ NN-PTNT tổng hợp đưa vào khu vực sạt lở nguy hiểm nhưng chưa được Trung ương bố trí vốn đầu tư. Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị đề xuất Trung ương kịp thời bố trí vốn để tỉnh triển khai thực hiện các dự án chống sạt lở.
KHÔI PHỤC RỪNG PHÒNG HỘ
Đồng chí Phan Văn Hùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng tỉnh cho biết một trong những giải pháp lâu dài, mang tính bền vững để chống lại tình trạng SLBB chính là khôi phục diện tích rừng phòng hộ ven biển. Những năm gần đây, diện tích rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp dần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, SLBB cuốn trôi nhiều diện tích rừng ven biển. Từ năm 2015-2020, để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh triển khai nhiều dự án trồng rừng ven biển nhằm mục đích chắn sóng, hạn chế sạt lở, bảo vệ các khu nuôi trồng thủy sản, nhất là bảo vệ các công trình kè đê biển đã xây dựng. Cụ thể, dự án gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển từ xã Bình Sơn đến xã Bình Giang (Hòn Đất) trồng mới 50ha rừng ngập mặn, bảo vệ 6km đê biển của hai xã Bình Giang và Bình Sơn; dự án gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái (An Biên) trồng thành công 35ha rừng, bảo vệ 3km đê biển; dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh thực hiện trồng trên các diện tích đất chưa có rừng, đất giao khoán bảo vệ rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản 233,81ha, rừng trồng trên các bãi bồi ven biển 247,05ha, rừng trồng trên các bãi lở nhẹ 38,34ha.
Việc triển khai các chương trình bảo vệ và phát triển rừng được người dân ủng hộ. Nỗ lực khôi phục diện tích rừng phòng hộ của ngành nông nghiệp và người dân được đền đáp khi các diện tích rừng trồng mới phát triển tốt trên khu vực bãi bồi ven biển, phát huy vai trò chắn sóng, lấn biển và cải thiện đời sống, cho hộ nhận khoán và cộng đồng.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: