06/09/2020 09:26
Năm 1978, đồng chí Đặng Văn Nhàn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
TRỰC TIẾP PHẪU THUẬT TRÊN 500 CA
Hơn 45 năm trôi qua, đến nay đồng chí Tư Nhung - cựu y tá của Tiểu đoàn 207 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn nhắc mãi ân tình đồng chí Ba Nhàn đã trực tiếp phẫu thuật cứu sống mình. Hồi ấy, trên đường đi học bác sĩ, ghé qua Đội phẫu vùng A, đồng chí Ba Nhàn đã kịp thời phẫu thuật lấy đạn trong xương đùi cho đồng chí Tư Nhung đang bị thương rất nặng.
Ca phẫu thuật rất thành công, đồng chí Tư Nhung dần hồi phục sức khỏe để tiếp tục tham gia công tác. Đây là một trong hơn 3.000 trường hợp thương binh, bệnh binh mà đồng chí Đặng Văn Nhàn đã tích cực cùng đơn vị cấp cứu, điều trị trong kháng chiến.
Đồng chí Đặng Văn Nhàn sinh năm 1947, quê quán xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao), hiện cư ngụ ấp Hòn Chông, xã Bình An (Kiên Lương). Sinh ra ở quê hương giàu truyền thống cách mạng Vĩnh Hòa Hưng Bắc, gia đình của đồng chí Nhàn nuôi chứa, đùm bọc lực lượng quân y của Tỉnh đội, rồi gửi gắm đồng chí theo lực lượng để đi làm cách mạng năm 1962.
Hai năm đầu theo lực lượng, do còn nhỏ tuổi nên đồng chí Nhàn được giao làm giao liên, sau đó được học y tá, rồi y sĩ. Sau này, đồng chí được điều về Đội phẫu vùng A công tác ở rừng U Minh, rồi chuyển về Đội phẫu vùng B công tác ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc năm 1969.
Nhắc đến quá trình công tác, đồng chí Đặng Văn Nhàn nhớ nhất là đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Khi ấy, đồng chí Nhàn cùng đội phẫu được điều về thị xã Rạch Giá để phục vụ. Bộ đội đánh vào thị xã không thành phải rút ra.
Bọn địch ném bom B52, đổ quân hòng đánh vào nơi đơn vị ta đang cứu thương tại khu vực kênh xáng Tân Hội. Lúc ấy, ở căn cứ chỉ có khoảng 12 người, quân địch rất đông, đồng chí Nhàn cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, bảo vệ được căn cứ.
Sau trận đánh đó, đồng chí Ba Nhàn được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng 3, sau này đồng chí tiếp tục lập nhiều thành tích, được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng nhì và hạng nhất.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Ba Nhàn phẫu thuật trên 500 ca thương binh, có rất nhiều ca nặng. Nhiều trường hợp không đưa được thương binh lên tuyến trên, bằng kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí đã cùng đồng đội cứu sống được trên 80 thương binh, trong đó có nhiều trường hợp nguy kịch, hiểm nghèo.
Đồng chí Đặng Văn Nhàn kể vật chất y tế phục vụ cứu thương thời chiến rất khó khăn. Thương đồng đội trong cơn nguy cấp, không chỉ trực tiếp phẫu thuật đồng chí Nhàn còn trực tiếp cho máu cứu thương. Nhờ có nhóm máu O, đồng chí đã cho máu trên 20 lần, kịp thời cứu những ca nguy kịch.
“Có những trận chiến ác liệt, chiến sĩ của ta bị thương rất nhiều, tôi phải đứng phẫu thuật suốt, có khi luân phiên phẫu thuật suốt 3 ngày 3 đêm, khiến hai chân bị sưng, xong lại cho máu cứu thương binh nhưng tôi luôn nỗ lực cứu đồng đội. Tôi phẫu thuật những ca nặng tỷ lệ tử vong rất thấp, dưới 5%, được xếp vào thấp nhất Quân khu 9”, đồng chí Ba Nhàn nói.
BẮN RƠI HAI MÁY BAY ĐỊCH
Ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ yếu của công tác quân y, đồng chí Đặng Văn Nhàn còn là người dẫn đơn vị tích cực đánh địch, bảo vệ thương binh mỗi khi địch tấn công vào khu vực trú quân của đơn vị hoặc đánh địch trên đường chuyển thương. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh 13 trận, diệt gần 200 tên địch. Riêng đồng chí Nhàn diệt 52 tên, bắn rơi 2 máy bay Mỹ.
Đồng chí Đặng Văn Nhàn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978.
Nhắc chuyện bắn rơi máy bay địch, đồng chí Ba Nhàn kể đó là trường hợp “Một là địch chết, hai là ta hy sinh”. Năm 1971, đồng chí làm Đội trưởng Đội phẫu vùng B công tác tại địa bàn xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc. Lần ấy, máy bay địch săn tìm căn cứ của ta để bắn phá.
Thấy máy bay đổ nhào bắn phá vào cơ quan, lo lắng cho 7 ca thương binh đang nằm trong công sự, đồng chí Ba Nhàn cùng một chiến sĩ cầm súng chiến đấu. “Tình thế lúc đó rất khẩn cấp, nếu mình không bắn thì nó tiêu diệt cơ quan. Vì vậy, tôi lấy khẩu súng AK lúc đó còn 7 viên đạn bắn rơi hai chiếc máy bay làm chết 4 tên Mỹ”, đồng chí Ba Nhàn kể.
Công tác tốt trong ngành quân y, đồng chí Đặng Văn Nhàn được đưa đi đào tạo bác sĩ. Thế nhưng chưa hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ thì thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Nhàn được điều về làm Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y Cần Thơ để phục vụ công tác chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chưa hưởng trọn vẹn niềm vui đất nước độc lập, nước ta lại đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Theo sự phân công của cấp trên, đồng chí Đặng Văn Nhàn nhận nhiệm vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 519, sau đó là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 152 chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Ở cương vị chỉ huy, đồng chí Đặng Văn Nhàn cùng với đồng chí, đồng đội đã chiến đấu khoảng 30 trận.
Trong những năm tháng kháng chiến cứu nước đầy hy sinh, gian khổ, trên đất Kiên Giang đã xuất hiện biết bao tấm gương chiến sĩ cách mạng chiến đấu với quyết tâm sắt đá giải phóng quê hương. Những chiến sĩ ấy một lòng, một dạ kiên trung với Đảng, với Bác Hồ; chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí và đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Thành tích chiến công của các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân rất oanh liệt, vẻ vang, là tấm gương chân thực, sinh động để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Kiên Giang tiếp tục vững bước bảo vệ và xây dựng quê hương giàu đẹp.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: