23/12/2020 20:08
NÚT THẮT CẦN THÁO GỠ
Đánh giá sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế cần sự chung tay của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương để tháo gỡ. Kiên Giang là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất các mặt hàng nông sản như lúa gạo, thủy sản… Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm bán dưới dạng thô, giá trị thấp, không thể cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Do đó, nông dân cần hỗ trợ của Nhà nước, các ngành, các cấp trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện nhiều mô hình sản xuất và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho nhiều sản phẩm nông sản như tôm, chuối, khoai lang, dưa lê… Thế nhưng, theo nhiều nông dân từng tham gia chương trình và được cấp giấy chứng nhận VietGAP, các sản phẩm VietGAP được thương lái đánh đồng giá như hàng thường, nông dân bị thương lái ép giá.
Anh Phạm Văn Dũng - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông dân khoai lang Mỹ Thái (Hòn Đất) cho biết: “Cùng các chương trình hỗ trợ tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất và cấp giấy chứng nhận VietGAP, nông dân cần Nhà nước hỗ trợ để xây dựng thương hiệu sản phẩm và kết nối với doanh nghiệp lớn, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản tỉnh nhà”.
GỠ VƯỚNG CHO NÔNG NGHIỆP
Trước thực trạng khó khăn về đầu ra cho nông sản, đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Ngành nông nghiệp nỗ lực phối hợp các ngành, đơn vị như Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiêp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường giúp nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các kỳ hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Thông qua các đợt xúc tiến thương mại, nhiều hợp tác xã, nông dân kết nối với doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm”.
Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Rạch Giá ký kết hợp tác sản xuất gạo theo quy trình hữu cơ với doanh nghiệp Green Star thông qua sự kết nối trung gian của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Điển hình trong công tác hỗ trợ kết nối sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp nhiều năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh làm trung gian giới thiệu các doanh nghiệp thu mua lúa gạo uy tín cho các hợp tác xã nông nghiệp để thực hiện liên kết sản xuất, qua đó giúp nông dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất. Đến tháng 10-2020, toàn tỉnh có 264 hợp tác xã nông nghiệp liên kết các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ.
Theo đồng chí Đỗ Minh Nhựt, giai đoạn 2020-2021, tỉnh dành khoảng 80.300 tỷ đồng để thực hiện đầu tư các dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông sản chủ lực của tỉnh, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, theo nhu cầu của thị trường.
Tập trung xây dựng các vùng chuyên canh quy mô sản xuất hàng hóa lớn gắn tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất nông nghiệp phù hợp tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng. Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa, cây ăn trái ở những nơi có điều kiện, tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, tập trung gắn bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Lĩnh vực thủy sản, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi biển xa bờ, nuôi tôm nước lợ giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tranh thủ vốn của Trung ương và địa phương thực hiện một số công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao khoa học, công nghệ, thực hiện một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; chú trọng các chính sách hợp tác, liên kết sản xuất gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản theo chuỗi giá trị; hỗ trợ vốn, tín dụng, cơ sở hạ tầng... để thu hút tư nhân đầu tư vào nông thôn.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: