17/07/2020 16:55
Sau khi cưới vợ lần thứ hai, ông Võ Thanh Trong (sinh 1945), ngụ huyện Giồng Riềng tiếp tục công tác trong quân đội. Việc nhà, việc ruộng, chuyện nuôi con, vợ ông đều lo chu toàn, không trông chờ ông. Năm 1981, ông xin đơn vị giải quyết cho nghỉ việc về địa phương sinh sống để chăm lo cho gia đình. Về quê, ông tham gia công tác ở địa phương, giữ nhiều chức vụ ở xã. Vừa công tác, ông Trong vừa cùng vợ buôn bán, làm ruộng và chăm sóc các con. Ông luôn xác định phải có trách nhiệm thương yêu, đùm bọc vợ con.
Vợ chồng ông Trong có tất cả 6 người con (kể cả con riêng và con chung). Hơn 40 năm qua, gia đình sống rất hạnh phúc và đầm ấm. Chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc, ông Trong nói: “Vợ chồng chung sống cần có lòng vị tha và tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau. Tôi sai vợ góp ý và ngược lại vợ sai thì tôi góp ý. Từ khi sống chung đến giờ chúng tôi chưa xảy ra mâu thuẫn, không ai nói nặng lời với ai”. Các con của ông Trong được học hành đến nơi đến chốn, sống chan hòa, thương yêu nhau và tham gia công tác giúp ích cho xã hội. “Chúng tôi xác định phải có trách nhiệm cùng lo cho các con, không phân biệt con chung hay con riêng. Các con của tôi luôn yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Các con đều đã lập gia đình riêng và có việc làm ổn định”, ông Trong chia sẻ.
Chắp nối khi tuổi đời không còn trẻ, bà P.T.B và chồng hết mực thương yêu, chăm sóc nhau và cùng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Mặc dù không có con chung, nhưng vợ chồng bà vẫn sống rất hạnh phúc. Các con riêng của ông, bà đều thương yêu và tôn trọng ông, bà. Hàng tháng, các con cho ông, bà tiền chi tiêu và thuốc men khi ốm đau, bệnh tật. Ngoài ra, vợ chồng bà còn làm 10 công ruộng, cuộc sống khấm khá. Về cách xây tổ ấm bền lâu, bà P.T.B nói: “Vợ chồng chung sống cần hiểu tâm lý nhau, biết cách cho, cách nhận và cả cách yêu thương. Tôi biết ý chồng tôi từ tính nết, giấc ngủ, món ăn và luôn chăm sóc chu đáo cho ông”.
Bà Hoàng Thị Loan (bìa trái) bó chổi bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: ĐẶNG LINH
Chồng mất sớm, bà Hoàng Thị Loan, ngụ huyện Tân Hiệp bước thêm “tập hai”. Niềm vui lớn là cuộc hôn nhân lần thứ hai đem lại cho bà cuộc sống mới, hạnh phúc với biết bao niềm vui. Sống với chồng sau, bà Loan sinh thêm 7 người con. Tính thêm người con riêng của bà Loan, vợ chồng bà có tất cả 8 người con. Gia đình sống bằng nghề nông, do khó khăn nên 3 người con lớn học hết cấp 3 rồi nghỉ, 5 người còn lại đều học đại học, có người học đến tiến sĩ. Niềm vui tuổi già được nhân đôi khi bà thấy các cháu cũng được ăn học đến nơi đến chốn. Bà rất tự hào về gia đình, các con và cháu học giỏi, có công việc ổn định. Gia đình bà Loan được xã, huyện khen tặng gia đình hiếu học. Hiện dù bước sang tuổi 67 nhưng bà Loan vẫn tham gia công tác ở ấp, được xã tặng giấy khen. “Để giữ được hạnh phúc lâu bền, vợ chồng phải cùng nhau làm việc, chia sẻ, chăm sóc, thương yêu và có trách nhiệm với nhau. Chúng tôi sống hòa đồng theo phương châm chồng nóng thì vợ nhịn. Công việc nào tôi làm được đều tự tay làm, không đợi đến chồng. Chồng tôi tự hào về tôi và thường nói ông có bà xã tuyệt vời”, bà Loan nói.
Sau khi vợ mất, ông L.N, ngụ TP. Rạch Giá kết hôn với người phụ nữ khác và sống hạnh phúc đến nay. “Vợ chồng tôi cùng san sẻ buồn vui, khó khăn trong cuộc sống và góp sức chăm lo các con, trong đó có một người con chung. Việc nhẹ thì vợ lo, việc nặng thì chồng lo”, ông N tâm sự. Hiện gia đình ông N sống nhờ thu nhập từ làm ruộng, làm vườn và khoản lương hưu của ông. Con của ông có việc làm ổn định. Ông N thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Gia đình là tổ ấm nếu mỗi thành viên biết vun đắp, chắt chiu, san sẻ những niềm vui, hạnh phúc... Cũng như nhiều gia đình khác, để vun đắp và duy trì hạnh phúc, các gia đình chắp nối phải nỗ lực, phấn đấu làm những điều tốt đẹp cho gia đình, trong đó không chỉ có sự tôn trọng, khéo léo mà có cả những nghệ thuật cho cả vợ, chồng, các con chung và riêng. Tất cả cùng kết nối yêu thương, mỗi thành viên như một ngọn nến cùng thắp sáng ngọn lửa ấm trong chính gia đình mình.
KIM CẢNH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: