28/12/2020 20:03
GIẢI PHÁP CĂN CƠ
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo, tỉnh ta tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; tăng cường sự kết nối về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 3% (theo chuẩn nghèo mới).
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo.
Tăng cường công tác đối thoại giảm nghèo; xây dựng, triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để họ tiếp tục vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo khi gặp rủi ro. Đa dạng hóa nguồn vốn huy động để phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện công tác giảm nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; triển khai các mô hình hợp tác, liên kết giữa hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, toàn xã hội về tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác giảm nghèo, khơi dậy tính tự lực tự cường, ý chí vươn lên thoát nghèo trong nhân dân; quan tâm bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo.
Vợ chồng chị Lê Thị Kim, ngụ ấp Thạnh Phú, xã Đông Thạnh (An Minh) chăm lo làm ăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo; đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay, các chương trình, dự án để phát triển sản xuất. Toàn tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác giảm nghèo, gương sáng thoát nghèo điển hình tiêu biểu.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào quyên góp ủng hộ quỹ vì người nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo; kịp thời khen thưởng địa phương đăng ký thực hiện, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo.
QUYẾT TÂM GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Thời gian tới, huyện An Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện công tác giảm nghèo; chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp giảm nghèo sát thực; quan tâm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Thấy lợi ích, ý nghĩa từ chương trình giảm nghèo bền vững, nhân dân đồng thuận cùng chính quyền, địa phương nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Trước đây, gia đình chị Lê Thị Kim, ngụ ấp Thạnh Phú, xã Đông Thạnh (An Minh) thuộc diện hộ nghèo, nhờ chí thú làm ăn nên vợ chồng chị thoát nghèo năm 2019. “Được địa phương quan tâm giúp đỡ mọi mặt, vợ chồng tôi có động lực vươn lên trong cuộc sống, cố gắng làm ăn phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo”, chị Kim nói.
Đồng chí Lê Kim Khoa - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Quao cho biết: “Huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung khai thác các nguồn lực, chú trọng nâng cao đời sống của người dân. Tuyệt đối không chạy theo thành tích, chỉ tiêu, không bỏ sót hộ nghèo hay để xuất hiện hộ tái nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện Gò Quao tiếp tục nỗ lực thực hiện trong giai đoạn tiếp theo”.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về giảm nghèo bền vững, huyện tăng cường hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện công tác giảm nghèo gắn xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững.
Định hướng một số giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thời gian tới, đồng chí Tô Hà Giang - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo theo phương châm Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ nghèo tự lực vươn lên; triển khai đồng bộ, đúng đối tượng các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân”.
Huyện Châu Thành tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực đông đồng bào dân tộc; nâng cao vai trò các tổ chức chính trị - xã hội trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới gắn thực hiện công tác giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập, hoạt động để thu hút lao động, tạo việc làm cho lao động; khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn dưới 2%, cận nghèo còn dưới 3%.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: