26/11/2020 09:50
RỦI RO KHI CHƠI HỤI
Năm 2017, chị Huỳnh Thị N (sinh 1987), ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa (Gò Quao) tham gia chơi hụi do bà Thị Tuyết M, ngụ cùng ấp làm chủ hụi. Chị N tham gia 2 dây hụi 500.000 đồng và 3 triệu đồng của bà M. 2 dây hụi trên, chị N đóng được hơn 171,5 triệu đồng thì bà M mất.
Sau khi bà M mất, chị N và thành viên đến gặp ông Danh L - chồng bà M để tính toán số tiền nợ hụi. Ông L thống nhất tiếp tục gom hụi của các thành viên đã hốt trả lại cho thành viên chưa hốt. Tuy nhiên đến chị N hốt hụi, quá thời hạn nhưng vẫn không nhận được tiền từ ông L.
Theo ông L, do có nhiều thành viên đã hốt giật hụi nên ông không có tiền để giao cho chị N. Chị N cũng tạo điều kiện cho gia đình ông trả nợ nhưng điều kiện gia đình khó khăn nên ông không có tiền để trả. Theo Tòa án nhân dân huyện Gò Quao, ông L và bà M có hai con chung. Hiện bà M đã mất nên hai người con và ông L có nghĩa vụ trả cho chị N hơn 171,5 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị H, ngụ khu phố 3, thị trấn Thứ Mười Một (An Minh) bị giật 11 chân hụi với số tiền hơn 150 triệu đồng, đến nay vẫn chưa đòi lại được tiền.
Chị Lê N.M (sinh 1980), ngụ ấp Phước Chung, xã Mong Thọ B (Châu Thành) làm chủ dây hụi 2 triệu đồng. Dây hụi có 19 thành viên tham gia với 24 chân hụi, mở hụi 1 lần/tháng. Vợ chồng ông Bùi Văn P và bà Trương Thị Kim K, ngụ cùng ấp Phước Chung tham gia 2 chân hụi. Vợ chồng ông P hốt hụi 2 lần, đóng hụi chết được một thời gian thì không đóng tiền cho chị N.M nữa. Vợ chồng ông P thiếu chị N.M 40 triệu đồng.
Không đòi được tiền, chị N.M kiện ra Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, nhưng vợ chồng ông P vắng mặt tại phiên tòa. Vợ chồng ông P cố tình trốn tránh nghĩa vụ tham gia tố tụng tại tòa án, không cung cấp bản tự khai và chứng cứ chứng minh. Theo kết quả xác minh của tòa án, trình bày của chị N.M, ngày 18-9-2019, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành tuyên buộc vợ chồng ông P phải trả chị N.M 40 triệu đồng.
Trường hợp của chị N.M có bằng chứng chứng minh và trình bày của chị có cơ sở để Tòa án nhân dân huyện Châu Thành xét xử vợ chồng ông P, tuy nhiên trường hợp của bà Nguyễn Thị H (sinh 1951), ngụ khu phố 3, thị trấn Thứ Mười Một (An Minh) lại không được như vậy.
Bà H cho biết bà chơi hụi dùm cho con và cháu đang làm công nhân tại tỉnh Bình Dương do một người tên T đứng ra làm chủ hụi. Dù bà tham gia 11 chân hụi nhưng bà chỉ biết người đó tên T ở xã Đông Hưng (An Minh), không biết rõ lai lịch cụ thể. “Ở các dây hụi, T chỉ đưa cho tôi mảnh giấy ghi tên của những người tham gia. Mỗi lần mở hụi tôi tự ghi vào giấy, T không ghi xác nhận mở hụi bao nhiêu tiền”, bà H nói.
Bà H gặp T nhiều lần để đòi số tiền hơn 150 triệu đồng nhưng T chỉ hứa mà chưa trả tiền. Con, cháu của bà H phải làm công nhân, tích góp tiền để bà chơi hụi, nay đã trắng tay. Do không am hiểu pháp luật, bà H lo lắng nói: “Tôi có những miếng giấy ghi hụi sơ sài, ghi vài cái tên vắn tắt không biết có đủ cơ sở để khởi kiện ra tòa án hay không?”.
CHẤP HÀNH ĐÚNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
Người chơi hụi cần tuân thủ các quy định trong Nghị định 19/2019/NĐ-CP, ngày 19-2-2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường. Đây là nghị định quy định khá chi tiết về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường; điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi.
Luật sư Đoàn Công Thiện - nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng: “Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu”.
Khi tham gia hụi, người dân cần lưu ý khi góp hụi, nhận hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan, thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó.
Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc 1 trong 2 trường hợp là tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại 1 kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Nếu chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ quy định trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Điều khá quan trọng theo luật sư Đoàn Công Thiện là lãi suất trong hụi có lãi do thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lãnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.
Còn theo đồng chí Lê Chí Công - Huyện ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện An Minh, người tham gia chơi hụi không nên ham lãi quá cao. Khi giao, nhận tiền hụi, mở hụi cần có sổ sách, giấy tờ rõ ràng và thực hiện đúng các quy định theo Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Những người tham gia chơi hụi cần phải biết nhau và nên tham gia ở các kỳ mở hụi. “Chính quyền địa phương, các đoàn thể cần thường xuyên tăng cường tuyên truyền để nhân dân thực hiện đúng quy định pháp luật trong tham gia chơi hụi, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp bị lợi dụng khi chơi hụi”, đồng chí Lê Chí Công nêu ý kiến.
Nếu người chơi hụi chấp hành pháp luật, quy định của Nhà nước, hình thức chơi hụi sẽ là kênh huy động vốn trong nhân dân hiệu quả giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thành viên chơi hụi cần cẩn trọng, chọn dây hụi tin tưởng, các thành viên đều biết nhau, có giấy tờ rõ ràng, chứng minh thời gian, số tiền đóng hụi theo kỳ để khi có tranh chấp, pháp luật có thể can thiệp, bảo vệ được quyền lợi.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: