04/09/2020 18:30
NHIỀU ƯU ĐÃI
Hiện các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Kiên Giang tập trung tuyên truyền giúp hộ kinh doanh hiểu rõ hiệu quả của việc chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang luôn chú trọng việc hỗ trợ hộ kinh doanh, thông qua việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách Nhà nước. Sở đã mở nhiều kênh hỗ trợ hộ kinh doanh như đăng tải, cập nhật nội dung hướng dẫn, thủ tục hành chính liên quan đến việc chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Với phương thức này, Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp doanh nghiệp có thể chủ động sắp xếp thời gian nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh mà không phụ thuộc vào giờ hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại.
Theo đồng chí Đào Duy Hưng - Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 quy định một số chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Theo đó, hộ kinh doanh có nhu cầu sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Người dân làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Ngoài ra, hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm, tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai...
Thực tế cho thấy, nhiều hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi lên doanh nghiệp đã có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đáp ứng điều kiện về thủ tục pháp lý và nâng cao uy tín với đối tác. Chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sẽ nâng cao vị thế, điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và hướng đến sự phát triển bền vững.
Đồng thời, đảm bảo tính chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh và tận dụng được các ưu đãi, hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển sang doanh nghiệp cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh.
TẠO ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ
Ông Nguyễn Minh Thiện - chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP. Rạch Giá nói: “Hiện nay, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có nhưng dường như mới tập trung khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp.
Nhà nước cần ban hành một chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, cho phép hộ kinh doanh khi chuyển thành doanh nghiệp được kế thừa những giấy phép đã có, kể cả với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.
Ông Thiện cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách công tác quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh, trong đó quy định tiêu chí xác định hộ, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ áp dụng thuế khoán để áp dụng hình thức quản lý thuế phù hợp đảm bảo khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong môi trường kinh doanh.
Theo đồng chí Đào Duy Hưng để tạo động lực giúp hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi thành doanh nghiệp, bên cạnh hoạt động hỗ trợ về thuế, kế toán ban đầu, cơ quan, đơn vị cần tăng cường quản lý công tác thu thuế, tạo sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh.
Mục tiêu của phát triển doanh nghiệp không chỉ gia tăng về số lượng mà phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất. Do đó, các địa phương cần tích cực phối hợp ngành thuế trong việc rà soát, xác định doanh thu của hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh chính sách khuyến khích, các ngành, các cấp cần có biện pháp thực thi nghiêm đối với các hộ đáp ứng yêu cầu về doanh thu, số lao động nhưng không chịu thành lập doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Chính quyền các cấp cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng để hộ sản xuất cá thể yên tâm khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Qua tìm hiểu từ các hộ kinh doanh cho thấy, để hộ kinh doanh mạnh dạn lên doanh nghiệp, quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ đồng bộ trong các khâu sản xuất, kinh doanh, chứ không phải chỉ là việc chuyển đổi. Nếu thật sự thấy được lợi ích thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hộ kinh doanh sẽ tự nguyện và nhanh chóng chuyển đổi chứ không phải bị buộc phải thực thi theo mệnh lệnh hành chính.
Chị Phạm Thị Bạch Thủy - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Thái Thủy nói: “Điều tôi quan tâm nhất hiện nay là sau 2 năm đầu được miễn thuế doanh nghiệp tôi vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Thực tế từ sau chuyển đổi, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên hàng tồn kho còn nhiều, hiệu quả kinh doanh chưa cao.
Tôi kiến nghị ngành chức năng quan tâm, có sự đồng hành thường xuyên cùng doanh nghiệp mới thành lập về việc hướng dẫn các thủ tục tiếp cận vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thiết bị sản xuất, quảng bá sản phẩm vì từ sau chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp tôi vẫn còn loay hoay chưa biết làm sao để hoạt động hiệu quả hơn”.
Theo Cục Thuế tỉnh, toàn tỉnh hiện có 21.275 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức thuế khoán, với tổng số thuế phải nộp 101,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Phần lớn hộ kinh doanh này hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực bán buôn, lưu trú, ăn uống. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng trong phát triển doanh nghiệp mới. |
Đồng chí Bùi Trung Thực - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá cho rằng hiện nay, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có nhiều nhưng dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Về khung pháp lý, cần có quy định cụ thể liên quan đến người lao động, việc sử dụng lao động, mức doanh thu, ngành nghề nào thì bắt buộc lên doanh nghiệp.
‘Các chính sách có quan hệ trực tiếp đến lợi ích người kinh doanh như thuế, phí, sổ sách, hóa đơn chứng từ… nên đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ làm. Hộ kinh doanh cũng cần nhận thức rõ việc chuyển đổi sang doanh nghiệp là cách tốt nhất để nâng vị thế pháp lý và vị thế kinh doanh”, đồng chí Bùi Trung Thực nói.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: