19/08/2020 15:09
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÔM - LÚA
Với thế mạnh là trồng lúa và nuôi thủy sản, những năm qua, sản lượng lúa, tôm của xã Thạnh Yên năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2019, sản lượng lúa đạt 19.396 tấn, tăng 319 tấn so cùng kỳ năm 2018; sản lượng tôm đạt 712 tấn, tăng 48,5 tấn so cùng kỳ năm 2018. Đồng chí Võ Văn Khanh - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Yên cho biết: “Với mục tiêu thực hiện liên kết chuỗi, ổn định đầu ra nông sản, đầu năm 2019, xã Thạnh Yên vận động 89 hộ dân liền kề có đất quy hoạch nuôi tôm - lúa tại các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn thực hiện mô hình trồng lúa, nuôi tôm theo hướng hữu cơ với quy mô 205ha”.
Chúng tôi đến thăm mô hình tôm - lúa của gia đình ông Mai Văn Sơn, ngụ ấp Cạn Vàm A, xã Thạnh Yên. Ông Sơn cho biết: “Đây là vụ thứ hai gia đình tôi nuôi tôm sú trên nền đất lúa hữu cơ. Vụ vừa rồi với 1ha, tôi thu 170kg tôm sú. Ngoài ra, tôi có thả thêm cua nên thu hoạch thêm gần 80kg cua”. Ông Mai Văn Sơn cùng nhiều nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón hữu cơ thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ. Vụ đầu gia đình ông Sơn trồng lúa theo mô hình này, 1ha cho năng suất tăng 30% so trồng lúa truyền thống, chi phí giảm từ 500.000 - 600.000 đồng/công tầm lớn; giá lúa được doanh nghiệp bao tiêu 7.500 đồng/kg.
Nông dân xã Minh Thuận thu hoạch tôm thẻ.
Khi thực hiện liên kết đến nay, các hộ tham gia thực hiện tốt lịch thời vụ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi tôm, trồng lúa. Nhiều doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 25-30%. Đến nay, Hội Nông dân xã Thạnh Yên phối hợp 2 công ty của Nhật Bản thu mua tôm sú và tôm càng xanh của các hộ dân nuôi theo hướng hữu cơ với giá cao hơn 30% so giá thị trường. Riêng trồng lúa hữu cơ, các hộ dân cùng sử dụng một số giống lúa có chất lượng cao, được doanh nghiệp đặt hàng trước, giá đảm bảo cao hơn giá thị trường từ 25-30%.
PHÁT TRIỂN CÁNH ĐỒNG LỚN
Vĩnh Hòa là một trong những xã thực hiện thành công chương trình cánh đồng lớn tại huyện U Minh Thượng, tổng diện tích trên 1.293ha. Đồng chí Trương Thanh Vũ - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hòa cho biết: “Vụ lúa hè thu 2020, năng suất lúa của nông dân trên địa bàn xã đạt từ 5,2 - 5,5 tấn/ha, giá bán từ 5.000 - 5.500 đồng/kg. Đối với diện tích lúa được sản xuất theo CTCĐL có năng suất từ 5,5 - 6 tấn/ha, giá cao hơn các loại lúa thường từ 300 - 500 đồng/kg”. Anh Nguyễn Văn Chiến, ngụ ấp Lô 12, xã Vĩnh Hòa cho biết: “Gia đình có 3ha đất nông nghiệp, khi tham gia chương trình cánh đồng lớn đến nay, năng suất lúa tăng, chi phí sản xuất giảm từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha/vụ”.
Xã Thạnh Yên A có 537ha của nông dân tham gia chương trình cánh đồng lớn. Đồng chí Lê Thành Khoắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Yên A cho biết: “Năm 2015-2020, ngoài được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc triển khai chương trình cánh đồng lớn, Hội Nông dân xã phối hợp 3 công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm trên diện tích 327ha của nông dân xã”.
Theo đồng chí Nguyễn Việt Trung - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, việc áp dụng quy trình sản xuất theo chương trình cánh đồng lớn góp phần từng bước dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất như giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước, thu hoạch, từ đó năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo tăng. Nông dân tham gia chương trình cánh đồng lớn có lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 1,5 - 3 triệu đồng/ha.
Thời gian tới, huyện U Minh Thượng tiếp tục mở rộng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng những cánh đồng lớn, tăng giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: