06/09/2020 09:26
Theo quyển “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Kiên Giang” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2013, trong kháng chiến cứu nước, đồng chí Đặng Công Nhân tham gia chiến đấu trên 80 trận, diệt hàng trăm tên giặc.
GIÀU TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Đồng chí Đặng Công Nhân hiện ngụ phường An Bình (TP. Rạch Giá). Đồng chí Nhân sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận), cha là ông Đặng Văn Tựu vào Đảng rất sớm, từ năm 1938. Hồi ấy, căn nhà của ông nội đồng chí Nhân từng là cơ sở của Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1946, giặc ập vào cơ sở, may mắn cán bộ của ta rút đi kịp thời. Nhưng bọn giặc điên cuồng đã bắn chết cha của đồng chí Nhân.
Cha mất, mẹ đồng chí Nhân lúc ấy đang mang thai, cố gắng gồng gánh nuôi hai con là Nhân và người em gái. Do mang thai và quá đau buồn trước sự ra đi của chồng, sau này bà sinh con ra, đứa bé ốm yếu rồi mất. Không lâu sau bà qua đời. Đồng chí Nhân và em gái trở thành trẻ mồ côi, được ông bà nội, ngoại đem về nuôi.
Năm 1959, chú ruột của đồng chí Nhân hy sinh ở huyện Gò Quao khiến lòng căm thù giặc của đồng chí càng sôi sục. Năm 1960, đồng chí Nhân chính thức tham gia du kích xã với ước nguyện cầm súng đánh giặc, cứu nước. Năm 1967, Tỉnh đội thành lập Đại đội Công binh, phiên hiệu 512, đồng chí được rút về bổ nhiệm làm Chính trị viên đại đội.
Đại đội Công binh mới thành lập còn non trẻ, Ban Chỉ huy Đại đội vừa tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ, vừa hành quân chiến đấu ở địa bàn huyện Tân Hiệp, chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đại đội Công binh phối hợp địa phương quân huyện Tân Hiệp đánh và tiêu diệt, bức rút nhiều đồn giặc trên địa bàn Tân Hiệp. Dù tình hình lúc ấy hết sức ác liệt, song Đại đội kiên trì bám trụ giải phóng 4 - 5km, khi có lệnh của cấp trên mới rút về căn cứ.
ĐÁNH PHÁ CẦU, ĐƯỜNG, TÀU ĐỊCH
Sau này, Đại đội Công binh tiếp tục đứng chân trên địa bàn Tân Hiệp, hỗ trợ địa phương quân đẩy mạnh phong trào quần chúng, đánh phá giao thông, làm tê liệt đường hành quân của địch. Thấy đơn vị đánh phá đường giao thông, bọn địch khắc phục nhanh chóng, đồng chí Đặng Công Nhân cùng Ban Chỉ huy Đại đội Công binh bàn bạc chuyển hướng sang đánh phá cầu giao thông. Năm 1969, đơn vị tổ chức đặt bom đánh phá cầu trên địa bàn thị xã Rạch Giá, đồng chí Nhân là người trực tiếp cài đặt bom nổ hẹn giờ.
Đồng chí Nhân chia sẻ bản thân vốn không được đào tạo chuyên ngành công binh, mà chỉ được học 4 - 5 tháng về đặc công nước, các mặt về công binh đa phần đều do đồng chí tự mày mò nghiên cứu để vận dụng trong quá trình chiến đấu. “Do lần đầu thử nghiệm đặt bom hẹn giờ nên còn sai sót, đợt đó bom nổ không làm sập cầu hoàn toàn nhưng cũng làm cầu bị nghiêng, bọn giặc không dám liều lĩnh cơ động xe qua cầu, chúng phải mất nửa tháng mới sửa chữa, khắc phục được cầu”, đồng chí Nhân nói.
Trước tình hình bị đánh phá cầu, bọn giặc tăng cường canh gác ngày đêm giữ các cây cầu trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, Đại đội Công binh vẫn kiên trì bám trụ, lợi dụng lúc địch sơ hở tiếp tục đặt bom cho nổ nhiều cây cầu trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nhân cho biết: “Tôi luôn trực tiếp cài bom hẹn giờ, vì đây là công việc cần hết sức thận trọng, nếu cài đặt không cẩn thận có thể gây nổ ngay hoặc nổ không đúng giờ như ý định”. Đồng chí Đặng Công Nhân còn bắn cháy một xe nồi đồng bọc thép của địch. Năm 1971, đồng chí cùng một tổ chiến đấu đánh chìm tàu chở vũ khí của địch trên kênh xáng Xẻo Rô. Đây là chiếc tàu chở vũ khí tiếp tế cho căn cứ Thứ Mười Một để chúng tiếp tục gây tội ác với đồng bào ta ở vùng U Minh.
GÓP SỨC GIẢI PHÓNG RẠCH GIÁ
Năm nay gần 80 tuổi và do ảnh hưởng của thương tích trong chiến tranh nên đồng chí Đặng Công Nhân không còn nhớ rõ một số chuyện chiến đấu trong kháng chiến.
Dù vậy, khi nhắc đến ý chí, nghị lực của người chiến sĩ cách mạng trong quá trình tham gia kháng chiến, đồng chí Nhân khẳng định chắc nịch: “Ở mỗi trận chiến, tôi đều xây dựng quyết tâm chiến đấu cho toàn đơn vị, thề còn một chiến sĩ cũng phải chiến đấu, phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”.
Đồng chí Đặng Công Nhân sống vui vẻ bên con cháu ở tuổi già.
Thời điểm lịch sử giải phóng Rạch Giá năm 1975, Đại đội Công binh được giao chốt chặn ở lộ Cái Sắn cách cầu Quằng khoảng 2km để chặn không cho địch đổ quân ngăn chặn lực lượng ta đánh chiếm sân bay, căn cứ hải quân, giải phóng Rạch Giá.
Sáng 30-4-1975, một tiểu đoàn bảo an của địch từ Tân Hội vòng về lộ Cái Sắn hòng hỗ trợ cho thị xã Rạch Giá đã bị Đại đội Công binh kết hợp địa phương quân Tân Hiệp chặn trên lộ Cái Sắn. Tuy lực lượng của Đại đội và địa phương chỉ trên 30 tay súng đối đầu với một tiểu đoàn có số lượng quân gấp 10 lần nhưng bên ta không hề nao núng.
Lợi dụng công sự, đơn vị bám trụ từ lúc 8 giờ sáng cầm chân một tiểu đoàn đến trưa. Đến trưa ngày 30-4-1975, qua radio, tin quân cách mạng giải phóng Sài Gòn làm nức lòng dân quân, đồng chí Nhân cùng đồng đội kêu gọi địch đầu hàng, bọn lính cởi vũ khí giao nộp.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: