04/06/2020 15:59
TIẾP CẬN KHỞI NGHIỆP
Theo Thạc sĩ Huỳnh Hồng Mai - giảng viên huấn luyện khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang, từ năm 2014, một vài cán bộ của tỉnh được tiếp cận khởi nghiệp sáng tạo xã hội từ một số nhóm khởi nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang có đoàn cán bộ, giảng viên trong dự án Skills for Employability do Hội đồng Anh tài trợ được học tập trực tiếp tại Trường Westminster Kingways College tại London (Anh) về hoạt động đào tạo kỹ năng tìm việc làm - kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Cũng trong năm 2014, các chuyên gia tình nguyện viên của Úc, giảng viên các trường đại học tại Scotland và Indonesia đến Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang trao đổi phương pháp giảng dạy kỹ năng khởi nghiệp.
Hưởng ứng phong trào KNĐMST, từ khi ngồi trên ghế nhà trường, HSSV trong tỉnh có ý tưởng khởi nghiệp và biến ý tưởng thành mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Tại Trường Cao đẳng Kiên Giang, từ năm 2016 đến nay, phong trào KNĐMST tổ chức thành sân chơi thu hút HSSV tham gia như ý tưởng kinh doanh, nhà nông khởi nghiệp, hội thi robocon, hội thi nhà đẹp tôi làm… Nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ các hội thi của trường khi tham gia hội thi KNĐMST do Tỉnh đoàn tổ chức đoạt nhiều giải thưởng cao. Tại Hội thi KNĐMST năm 2019 do Tỉnh đoàn tổ chức, ý tưởng tận dụng tối đa tiềm năng mặt đất để xây dựng làng du lịch homestay tại Kiên Giang của sinh viên Danh Dinh - Khoa Du lịch đoạt giải nhất và ý tưởng 1 ngày làm nông dân của sinh viên Ngọc Thương - Khoa Du lịch đoạt giải nhì.
Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang cho biết: “Năm 2019, thực hiện các văn bản hỗ trợ KNĐMST của tỉnh, Trường Cao đẳng Kiên Giang lập kế hoạch thực hiện hỗ trợ HSSV về KNĐMST với tổng kinh phí dự toán 920 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp 670 triệu đồng và kinh phí của nhà trường, vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân 250 triệu đồng”. Hiện Trường Cao đẳng Kiên Giang thành lập trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp với tên gọi Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp KGC.
Trung tâm tạo sân chơi cho HSSV, cán bộ, giảng viên có đam mê và tinh thần khởi nghiệp; tạo cơ hội cho các thành viên được học hỏi, đào tạo, tư vấn, chia sẻ, giao lưu, kết nối các chương trình khởi nghiệp từ các chuyên gia, doanh nhân, tổ chức khởi nghiệp. Trung tâm hỗ trợ cho thành viên về chuyên môn, thông tin về chương trình khởi nghiệp, tham gia cuộc thi khởi nghiệp, dự án về khởi nghiệp của các tổ chức xã hội và Nhà nước. Ngoài ra, Trung tâm thúc đẩy thành viên lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến nhiều người trong cộng đồng thông qua việc tổ chức buổi sinh hoạt có mời chuyên gia, doanh nhân thành đạt để tư vấn về hoạt động khởi nghiệp.
HƯỚNG ĐI VỮNG CHẮC
Tại Trường Đại học Kiên Giang, từ năm 2018 đến nay, chương trình KNĐMST được trường và sinh viên hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực. Liên quan các chương trình KNĐMST, ban giám hiệu trường giao Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ phối hợp Phòng Công tác sinh viên triển khai. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lẹ - Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Kiên Giang cho biết: “Trường phấn đấu năm 2020 đảm bảo sinh viên trường biết tới chương trình KNĐMST và các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của trường. Trường khuyến khích sinh viên sáng tạo và khởi nghiệp, tạo môi trường để nuôi dưỡng và phát triển ý tưởng KNĐMST của sinh viên. Các ý tưởng KNĐMST của sinh viên trong trường được hỗ trợ để phát triển và xây dựng thành các dự án KNĐMST. Các dự án KNĐMST được hỗ trợ ươm tạo và gọi vốn đầu tư”.
Để đạt mục tiêu trên, năm 2019, Trường Đại học Kiên Giang xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST, từng bước hình thành “vườn ươm” khởi nghiệp tại trường. Trường thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tạo không gian làm việc chung trong khuôn viên trường để giảng viên, sinh viên, cá nhân, đơn vị và thành phần của hệ sinh thái KNĐMST gặp gỡ, kết nối và tổ chức sự kiện khởi nghiệp. Trung tâm là nơi trưng bày ý tưởng, sản phẩm, dự án phục vụ KNĐMST.
Thạc sĩ Lê Việt Khái - Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Kiên Giang cho biết: “Khi trường đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến nay, sinh viên đến Trung tâm trao đổi ý tưởng KNĐMST nhiều. Nhiều ý tưởng của các em được giảng viên hướng dẫn đánh giá cao về tính thiết thực”. Theo Thạc sĩ Lê Việt Khái, qua khảo sát nguyện vọng của sinh viên năm 2019, Trường Đại học Kiên Giang lên kế hoạch tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp - Starup students ideas lần thứ I. Dự kiến cuộc thi diễn ra trong quý I-2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trường quyết định dừng tổ chức đến khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Cuộc thi nhằm thúc đẩy tinh thần KNĐMST và trang bị kiến thức, kỹ năng về KNĐMST cho sinh viên, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hoạt động KNĐMST của sinh viên thông qua việc kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp. Qua đó, khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từng bước hình thành, xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại trường.
Ngoài việc lên kế hoạch tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp - Starup students ideas lần thứ I năm 2020, Trường Đại học Kiên Giang dự kiến tổ chức thêm hội thảo KNĐMST. Nội dung chính của chương trình hội thảo là định hướng chương trình khởi nghiệp của Trường Đại học Kiên Giang đến năm 2025, tư duy cần thiết cho KNĐMST, chia sẻ kinh nghiệm KNĐMST thành công, tư vấn về phát triển sản phẩm từ ý tưởng đến hiện thực, tư vấn xây dựng thương hiệu sản phẩm - doanh nghiệp khởi nghiệp, giới thiệu mô hình hỗ trợ KNĐMST thành công.
Với hoạt động phong phú, đa dạng về chương trình KNĐMST, các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh là những “vườn ươm” KNĐMST hiệu quả.
HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: