20/07/2020 14:57
SỐ VIỆC CHUYỂN KỲ SAU CÒN NHIỀU
Phân tích số liệu từ bảng tổng hợp của Cục thi hành án dân sự tỉnh cho thấy, năm 2019, ngành thi hành án dân sự tỉnh thụ lý 21.238 việc, trong đó án tồn từ năm 2018 chuyển sang tới 8.569 việc, chiếm hơn 40%. Về tiền tồn từ năm trước chưa xử lý xong phải chuyển qua năm 2019 gần 1.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 59% tổng số thụ lý.
Kết thúc năm 2019, dù tỷ lệ thi hành án về việc và tiền vượt chỉ tiêu giao nhưng vẫn còn 7.078 việc và trên 1.300 tỷ đồng chưa giải quyết xong phải chuyển sang năm 2020. Riêng việc giải quyết các vụ việc liên quan tín dụng, ngân hàng mới chỉ có 176/888 việc được tổ chức thi hành xong, số còn lại chuyển sang năm 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Vũ - Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh cho rằng, những năm gần đây, các án tín dụng, ngân hàng có xu hướng tăng mạnh, giá trị rất lớn. Một số vụ đã xử lý xong tài sản đảm bảo nhưng không thi hành hết nghĩa vụ thi hành án dẫn đến còn tồn đọng. Nhiều tài sản thế chấp là bất động sản giá trị phải thi hành lớn, khi cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, bán đấu giá nhưng không có người mua, phải giảm giá nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thi hành án. Lượng án nói chung và án tín dụng, ngân hàng nói riêng chuyển kỳ sau phải thi hành còn nhiều là một thách thức lớn đối với ngành thi hành án dân sự tỉnh trong việc thực hiện các chỉ tiêu được giao.
Đầu tháng 3-2020, chấp hành viên Danh Diện - Phó Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận xem hồ sơ vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông L.V.N và bà L.K.T, cùng ngụ huyện Vĩnh Thuận. Vụ án kéo dài hơn 7 năm, qua 6 lần xét xử từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm. Đến giai đoạn tổ chức thi hành án, ông N qua đời trước đó và được người thân an táng ngay tại căn nhà được cất trên diện tích đất mà tòa tuyên buộc ông N giao trả cho bà T. Quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận vận động bà T nhận đất, chừa lại căn nhà có ngôi mộ của ông N và lối đi vào ngôi mộ này nhưng bà T không đồng ý. Những lần thuyết phục sau đó, bà T vẫn không chịu và cho rằng đất không còn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Do trong căn nhà có ngôi mộ của ông N nên không còn giá trị, bà T yêu cầu cơ quan chức năng và tòa án xem xét, buộc gia đình ông N bồi thường giá trị đất theo giá trị thực tế tại địa phương. Vụ việc này làm “đau đầu” cơ quan thi hành án dân sự bởi tính chất phức tạp, khó thi hành, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận họp nhiều lần cho ý kiến giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thể thi hành được. Theo chấp hành viên Danh Diện, Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận đang xin ý kiến của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh hướng giải quyết dứt điểm vụ việc giữa ông L.V.N và bà L.K.T.
NHIỀU VỤ VIỆC KÉO DÀI
Không riêng vụ việc giữa ông L.V.N và bà L.K.T, ở các địa phương trong tỉnh hiện còn khá nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm do gặp một số vướng mắc khó thi hành. Nhiều vụ việc đến giai đoạn kê biên tài sản để tổ chức thi hành án thì phát sinh tranh chấp, tòa án thụ lý giải quyết nên cơ quan thi hành án dân sự chưa thể tiến hành bước tiếp theo của quá trình thi hành án. Theo Cục thi hành án dân sự tỉnh, hiện vẫn còn 29 vụ việc kê biên tài sản có tranh chấp, tòa án thụ lý nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Trong đó khoảng 10 vụ tòa án thụ lý hơn 3 năm, có vụ thụ lý từ năm 2012. Việc kéo dài thời gian xét xử các vụ việc này ảnh hưởng đến thời gian tổ chức thi hành án.
Một chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận (bên phải) vận động, thuyết phục một đương sự thi hành án theo nội dung bản án dân sự tòa án đã tuyên sau thời gian đương sự này không tự nguyện thi hành, dẫn đến bản án kéo dài.
Hơn 4 năm trôi qua nhưng bản án hình sự sơ thẩm số 101/2015/HSST, ngày 6-10-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh có nội dung tuyên buộc ông T.H.T trả lại số tiền chiếm đoạt cho Cục Thuế tỉnh hơn 59 tỷ đồng vẫn chưa được tổ chức thi hành dứt điểm do bản án có một số sai sót. Sau khi thụ lý tổ chức thi hành phần trách nhiệm dân sự trong vụ án này, Cục thi hành án dân sự tỉnh phân công chấp hành viên tiến hành các thủ tục kê biên bảo thủ để xử lý 7 tài sản mà tòa án tuyên để thi hành án. Thế nhưng, đến nay chỉ xử lý được 5 tài sản, còn 2 tài sản chưa xử lý. Quá trình tổ chức thi hành bản án này, Cục thi hành án dân sự tỉnh nhận thấy bản án có một số sai sót về xác định người sở hữu tài sản. Ngày 7-10-2019, tại cuộc họp liên ngành giữa Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục thi hành án dân sự tỉnh, các bên thống nhất ý kiến giải quyết vướng mắc trong việc tổ chức thi hành phần dân sự trong bản án hình sự sơ thẩm số 101/2015/HSST. Theo đó, Cục thi hành án dân sự tỉnh làm văn bản kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với phần dân sự trong bản án này theo quy định pháp luật.
Thời gian qua, một số bản án khác phải kéo dài thời gian thi hành án do tuyên không rõ ràng hoặc có sai sót. “Đối với trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự phải làm văn bản đề nghị tòa án giải thích, trả lời mới có thể đủ cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành án. Do đó việc thi hành án dứt điểm các vụ án phụ thuộc vào việc tòa án sớm có văn bản trả lời hay không”, đồng chí Lương Ngọc Thông - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Hòn Đất nói. Theo thống kê của Cục thi hành án dân sự tỉnh, hiện còn 17 việc, trên 11,4 tỷ đồng chưa thể tổ chức thi hành do đang đợi văn bản giải thích các quyết định, bản án của tòa án.
Theo Cục thi hành án dân sự tỉnh hạn chế của ngành là án có điều kiện nhưng giải quyết chưa xong còn nhiều, nhiều án để lâu năm nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Trong báo cáo tổng kết hoạt động năm 2019, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh chỉ ra 5 vụ việc có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh nhưng chưa giải quyết xong, có vụ việc đương sự nhiều lần gởi đơn khiếu nại. Với nhiều quyết tâm, Cục thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo quyết liệt các chi cục thi hành án dân sự khắc phục hạn chế thời gian qua, phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số có điều kiện thi hành, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo các vụ án lớn, khó khăn, phức tạp.
Bài và ảnh:TÚ LY
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: