27/11/2020 15:54
KHÁ NHƯNG CHƯA NHIỀU
Đánh giá về hệ thống xe buýt hiện nay, bà Lê Thị Dung, ngụ thị trấn Giồng Riềng, đi từ Giồng Riềng ra Rạch Giá khám bệnh bằng xe buýt 4 năm nay nói: “Tôi cảm thấy khá hài lòng, nhất là thời điểm nắng nóng, mưa như hiện nay vì thứ nhất là kinh tế, tiết kiệm xăng xe, thứ hai là mát mẻ, nhân viên cũng thân thiện, an toàn giao thông”.
Còn ông Nguyễn Hữu Dậu, ngụ huyện Tân Hiệp cho biết: “Từ khi bị bệnh, sức khỏe yếu, tôi không đi xe máy nữa mà chuyển sang đi xe buýt. Tôi thấy bây giờ đi xe buýt khá thoải mái, mặc dù tuyến xe buýt tôi đi cũng đông đúc, nhưng hành khách bây giờ cũng có ý thức nhường ghế cho người già, lịch sự, tôi thấy tốt”.
Còn ông Danh Thanh, ngụ phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá), thường đi bằng xe buýt tuyến Rạch Giá - Hà Tiên nói: “Tôi cảm thấy đi xe buýt rất tiện lợi, không bị bụi, mưa, nắng trên đường đi, nhân viên phục vụ chu đáo, nhiệt tình, chạy khá nhanh hơn 2 tiếng, giá cả hợp lý với người dân”.
Ông Bùi Tuấn Vũ - tài xế xe buýt 68B-012.83 chạy tuyến Rạch Giá - Tắc Cậu cho biết: “Xe lăn bánh là mở máy lạnh cho đến điểm dừng cuối tuyến, cách 15 phút có 1 xe xuất phát, giá chỉ 20 ngàn đồng, chạy đúng giờ và phục vụ tốt nên hành khách đi xe hài lòng”. Lý giải vì sao xe buýt thu hút khách, chủ xe, tài xế xe 68B. 012.10 chạy tuyến xe buýt Rạch Giá - Lộ Tẻ - ông Phạm Văn Bạch nói: “Xe mới, chất lượng, máy lạnh, thời gian chạy 2 giờ 10 phút/chuyến, xe chạy cách nhau 30 phút mỗi chuyến, phong cách phục vụ của tài xế và nhân viên tận tình nên người dân rất hài lòng”.
Còn ông Đỗ Văn Nhi - chủ xe, tài xế xe buýt 68B-019.36 chạy tuyến Giồng Riềng - Rạch Giá cho biết: “Hành khách đi xe rất phấn khởi bởi họ thấy sự tiện lợi của xe buýt, nhất là vấn đề bảo đảm an toàn giao thông”.
Người dân lên xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo, phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá); tuyến xe buýt Rạch Giá - Tân Hiệp.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tấn - Phó trưởng Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng (vận tải hành khách công cộng) bằng xe buýt với gần 200 lái xe và nhân viên phục vụ. Tất cả đều tham gia tập huấn theo chương trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các lái xe, nhân viên phục vụ đều đảm bảo điều kiện sức khỏe theo quy định.
Có 7 tuyến xe buýt hoạt động, với tổng số 74 phương tiện, các đơn vị đều đưa xe có máy lạnh phục vụ hành khách. Cụ thể: Tuyến Rạch Giá - Tắc Cậu, cự ly vận chuyển 30km, do Công ty Cổ phần Vận tải thủy bộ Kiên Giang tham gia khai thác; 12 phương tiện đang hoạt động trên tuyến với 96 chuyến/ngày. Tuyến Rạch Giá - Thạnh An nối dài Lộ Tẻ (Cần Thơ) 70km, do Công ty Cổ phần Vận tải thủy bộ Kiên Giang khai thác; 10 phương tiện, 72 chuyến/ngày. Tuyến Rạch Giá - Kiên Lương, cự ly 70km và Kiên Lương - Hà Tiên, cự ly 20km, do Công ty Cổ phần Vận tải thủy bộ Kiên Giang khai thác; 10 phương tiện, 50 chuyến/ngày. Tuyến Rạch Giá - Giồng Riềng, cự ly 38km, Hợp tác xã Vận tải thủy bộ Rạch Giá và Hợp tác xã Vận tải thủy bộ Giồng Riềng khai thác; 20 phương tiện, 104 chuyến/ngày. Tuyến Tắc Cậu - Vĩnh Thuận, cự ly 56km, doanh nghiệp tư nhân Đại Phát tham gia khai thác; 12 phương tiện, 45 chuyến/ngày. Tuyến Dương Đông - An Thới, cự ly 56km, do Công ty Cổ phần xe buýt Phú Quốc tham gia khai thác; 10 phương tiện, 74 chuyến/ngày.
HÀNH KHÁCH TĂNG BÌNH QUÂN 8-9%/NĂM
Theo đồng chí Lê Việt Bắc - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, sản lượng vận tải hành khách công cộng đường bộ của các đơn vị vận tải đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện tăng bình quân 8-9%/năm về hành khách, trong đó sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt mức tăng trưởng bình quân 17,4%/năm, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng sản lượng vận tải hành khách của tỉnh, từ 14,0% năm 2010 tăng lên 20% năm 2019 so với tổng sản lượng vận chuyển hành khách của tỉnh.
Mức tăng trưởng bình quân của vận tải hành khách công cộng đạt 53,5%/năm là rất cao so với các tỉnh và thành phố trên cả nước có phương thức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trung bình hàng năm thực hiện được gần 126 ngàn lượt phương tiện, vận chuyển trên 6 triệu lượt hành khách. Năm 2020 ước thực hiện vận chuyển trên 7 triệu lượt hành khách.
Hàng năm, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng xe buýt về việc chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách; tăng cường quản lý, giám sát chất lượng phương tiện, cơ sở hạ tầng, mạng lưới hoạt động; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát các tiêu chí phục vụ hành khách của xe buýt như lộ trình, dừng đón trả khách đúng quy định, thời gian, chi phí, thái độ phục vụ.
Người dân đi xe buýt trên tuyến đường Tắc Cậu (Châu Thành) - Vĩnh Thuận.
Thanh tra, kiểm tra các thông tin về mạng lưới, thời gian, lịch trình, giá vé của các tuyến trên trang web, các phương tiện truyền thông. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về văn hóa sử dụng xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng. Phối hợp với các trường học, các tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng xe buýt một cách văn minh, lịch sự; qua đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị vận tải thực hiện đúng quy định pháp luật.
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải tính cơ cấu mức giá vé hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân ở các địa phương; từng bước nâng cao chất lượng và giảm tuổi đời xe buýt; chú trọng đổi mới theo hướng hiện đại, tiện nghi; ưu tiên đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường và phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Phát triển kết cấu hạ tầng, điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, điểm dừng, nhà chờ để phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm bảo cự ly tiếp cận thuận tiện của hành khách và cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành và cung cấp thông tin dịch vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, điều hành; tăng cường đào tạo đội ngũ lái, phụ xe theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Bài và ảnh: THANH DƯ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: