12/11/2020 17:47
TĂNG LIÊN KẾT, NÂNG GIÁ TRỊ
Năm 2019, sản lượng lúa của tỉnh đạt 4,3 triệu tấn, trong đó 72% là lúa chất lượng cao với 520.243ha, tăng 81.617ha so năm 2015. Tại huyện Hòn Đất, chuyển biến rõ nét nhất trong tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương đóng góp hơn 1 triệu tấn lúa/năm cho tổng sản lượng lương thực của tỉnh chính là 97% diện tích lúa là giống chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu.
Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất là một trong những đơn vị sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng lợi ích cho nông dân. Ông Lê Tấn Đức - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất cho biết: “Cấp ủy, chính quyền vận động 69 hộ nông dân trên địa bàn ấp Sơn An, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất) tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích trên 647,6ha. Nông dân vào hợp tác xã thực hiện tốt quy trình sản xuất như sử dụng giống cấp xác nhận, áp dụng tốt kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”, giúp tăng giá trị sản xuất”.
Nhờ thực hiện đồng bộ các quy trình canh tác nông nghiệp an toàn nên chất lượng lúa Nhật DS1 do Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu và được Công ty Cổ phần nông sản Vinacam và một số công ty khác bao tiêu. Lợi nhuận của thành viên hợp tác xã tăng từ 20-25% so trước đây là động lực để nông dân đẩy mạnh hợp tác sản xuất cùng doanh nghiệp.
Đồng chí Đào Xuân Nha (bìa trái) - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất giới thiệu với đoàn tham quan của Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) về mô hình liên kết sản xuất của Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất.
Đồng chí Đoàn Ngọc Thành - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Thái Sơn cho biết: “Giống lúa Nhật DS1 là giống lúa phù hợp thổ nhưỡng địa phương sau 10 năm nông dân sản xuất giống lúa này tại địa phương. Lúa đạt năng suất cao từ 1,1 - 1,2 tấn/công, chi phí đầu vào chỉ 2,2 triệu đồng, lợi nhuận 3 triệu đồng/công. Lúa chất lượng nên doanh nghiệp rất thích thu mua, có thời điểm có 15 doanh nghiệp về xã liên kết bao tiêu lúa Nhật DS1”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thế - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Hợp tác xã tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp các ngành, địa phương giới thiệu doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho 147 hợp tác xã, tổng diện tích 35.000ha. Các doanh nghiệp hợp đồng liên kết với các hợp tác xã bằng phương thức doanh nghiệp cung ứng lúa giống, phân bón, hướng dẫn quy trình sản xuất đến cuối vụ mới thanh toán và không tính lãi hoặc giao tiền mặt từ 3 - 5 triệu đồng/ha.
Bón phân hữu cơ cho lúa bằng máy bay không người lái ở vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ thuộc xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất) của Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An.
Hai bên thống nhất giá hoặc thỏa thuận giá sàn từ đầu vụ và trước thu hoạch 10 ngày sẽ chốt theo giá thị trường. Trường hợp giá lúa tăng, hai bên sẽ “cưa” hai phần chênh lệch; giá lúa giảm so giá sàn doanh nghiệp sẽ mua theo giá sàn. “Với phương thức trên, “nút thắt” trong sản xuất lúa là tiêu thụ nông sản của hợp tác xã được tháo gỡ, giúp thành viên tin tưởng hơn vào mô hình làm chung, bán cùng của hợp tác xã kiểu mới”, đồng chí Nguyễn Văn Thế nói.
GẠO SẠCH KIÊN GIANG RA THẾ GIỚI
Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (gọi tắt Công ty Trung An) là doanh nghiệp đi đầu thực hiện mô hình cánh đồng lớn liên kết theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Tăng cường sản xuất lúa sạch, sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất”. Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch mà công ty xây dựng tại tỉnh từ năm 2012 đến nay đem lại hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết: “Nông dân sản xuất lúa theo quy trình sạch do công ty hướng dẫn từ gieo cấy đến thu hoạch, chi phí sản xuất thấp, đầu ra ổn định, giá bán khá cao so ngoài mô hình. Công ty ổn định được vùng nguyên liệu lúa chất lượng, chủ động trong xuất khẩu gạo so với khi mua bán gạo nguyên liệu trôi nổi để xuất khẩu”.
Công ty Trung An tập trung nâng cao chất lượng lúa hàng hóa theo hướng sạch, thân thiện môi trường, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân. Công ty ứng trước vật tư đầu vụ cho nông dân như giống xác nhận, phân bón hướng hữu cơ, chế phẩm sinh học. Nếu có sử dụng phân vô cơ hoặc thuốc bảo vệ thực vật, nông dân phải sử dụng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để lúa gạo làm ra không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong 2 năm 2017-2018, lúa sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu và quy trình hữu cơ của Công ty Trung An được tổ chức quốc tế cấp chứng nhận GlobalGAP và Organic.
Cấy lúa bằng máy tại vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ thuộc xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất) của Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An.
Đây là “tấm vé” đưa sản phẩm gạo của Công ty Trung An bước ra thị trường thế giới. Các nước Malaysia, Philippines đặt hàng gạo Trung An cung ứng hàng chục ngàn tấn/tháng để đóng gói đưa vào siêu thị các nước. Tập đoàn VingGroup đặt hàng gạo sạch Trung An để phân phối trên các hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ từ năm 2015 đến nay.
Năm 2012, Công ty Trung An liên kết 300ha ở huyện Hòn Đất, nay con số này tăng lên 5.000ha ở các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, An Biên và U Minh Thượng. Dự kiến đến năm 2021 Công ty Trung An tăng diện tích liên kết lên 10.000ha và năm 2025 sẽ đạt tối thiểu 50.000ha.
Ông Phạm Thái Bình nói: “Tổ chức hợp tác xã là “cánh tay nối dài” giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Công ty Trung An góp vốn và cử cán bộ làm giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 422, ấp Mũi Tàu, xã Bình Giang (Hòn Đất) để hướng dẫn thành viên ban giám đốc làm quen với cách quản lý, điều hành. Khi quen việc, công ty sẽ chuyển giao giám đốc cho thành viên do nông dân đề cử”.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: