25/12/2020 11:53
ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN PHÁT TRIỂN
Đến nay, hệ thống chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh những năm qua giảm đáng kể, từ 9,78% năm 2015 giảm còn 2,69% cuối năm 2019. Ước năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,69%.
Sau 4 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 7,09%, bình quân giảm 1,77%/năm. Có 3 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% gồm: Phú Quốc, Kiên Hải, TP. Rạch Giá. Tỉnh ta về đích trước 1 năm chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đời sống của nhân dân ngày càng phát triển. Điểm nổi bật trong công tác giảm nghèo là chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc tiếp tục được cải thiện, trình độ dân trí nâng lên, tạo tính bền vững trong kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc.
Đồng chí Danh Phúc - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Nhìn chung, đời sống đồng bào dân tộc không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc sinh sống ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc mỗi năm bình quân giảm trên 3%, đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%”.
Qua tuyên truyền, vận động, nhận thức của người nghèo từng bước nâng lên, tự giác thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất, đời sống, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình.
Anh Danh Đặng, ngụ xã Thủy Liễu (Gò Quao) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn mà gia đình tôi thoát nghèo. Hiện kinh tế gia đình tôi ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học”.
ĐIỂM SÁNG GIẢM NGHÈO
Về huyện Gò Quao, chúng tôi bất ngờ với đổi thay của địa phương. Chạy xe dọc tuyến đường Thanh Gia - Thủy Liễu đi qua 3 ấp Châu Thành, Thạnh Hòa, Phước Tiền của xã Thủy Liễu mới thấy rõ sự đổi mới của vùng quê nghèo nay khoác lên mình chiếc áo mới. Qua lời cán bộ địa phương, chúng tôi biết đó là kết quả của quá trình nỗ lực xây dựng nông thôn mới gắn thực hiện công tác giảm nghèo.
Hợp tác xã đan lát Hòa Tân, xã Minh Hòa (Châu Thành) giúp nhiều phụ nữ tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Xã Thủy Liễu có nhiều mô hình hay trong thực hiện công tác giảm nghèo của huyện, được công nhận xã nông thôn mới năm 2020. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo huyện Gò Quao giảm còn 3,40%, giảm 8,34% so năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,09%, vượt xấp xỉ hai lần so chỉ tiêu nghị quyết. Ước tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 giảm còn 2,98%.
Việc thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tạo nền tảng vững chắc để huyện Gò Quao trở thành huyện nông thôn mới.
Tại huyện Châu Thành, công tác giảm nghèo thực sự đi vào cuộc sống, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, quan trọng là ý thức vượt khó vươn lên của hộ nghèo. Các chương trình, dự án giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, giúp người nghèo có điều kiện sản xuất, chủ động vươn lên.
Đời sống của người nghèo, cơ sở hạ tầng ở xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn được cải thiện. Hạ tầng vùng đồng bào dân tộc được đầu tư đồng bộ từ điện, nước, đường giao thông, trường học, trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,4%, hộ cận nghèo còn 3,05%.
Xã Minh Hòa (Châu Thành) là điểm sáng trong thực hiện công tác giảm nghèo. Xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm trên 50% dân số. Đồng chí Danh Bảnh - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Hòa cho biết: “Thực hiện công tác giảm nghèo, xã chú trọng phát huy vai trò các hội, đoàn thể giúp đỡ hộ nghèo cách làm ăn vươn lên thoát nghèo, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào Khmer, phấn đấu đến cuối năm 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện An Minh đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội, đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng, ước đạt 51 triệu đồng/người/năm.
Đa số hộ nghèo biết chọn loại hình sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 18,70% năm 2015 phấn đấu giảm còn 3,17% năm 2020, tạo tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa đời sống cho nhân dân.
Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện An Minh cất 563 căn nhà cho hộ nghèo; hàng năm tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 4.600 lượt lao động.
Với sự đoàn kết, sáng tạo, công tác giảm nghèo đa chiều của tỉnh mang lại thành công. Điều này khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành linh hoạt, chủ động của chính quyền, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Tin rằng, tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, tiếp tục phát triển hơn nữa để cùng hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: