06/09/2020 09:21
Giai đoạn từ tháng 2-1968 đến 10-1971, đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh cùng đơn vị trực tiếp chiến đấu trên 40 trận, diệt hàng trăm tên địch. Năm 2014, đồng chí được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“DÙ CÓ HY SINH CŨNG KHÔNG TIẾC”
Kể về thời gian tham gia chiến đấu, đồng chí Tư Ánh không ngăn được giọt nước mắt khi nhắc đến sự đồng cam cộng khổ, những trận đánh vào sinh ra tử cùng đồng đội. Có những trận đánh gian khó đến mức trước khi đi đánh, đồng chí Ánh nói với đồng đội: “Chắc đi trận này em hy sinh. Dù có hy sinh em cũng không tiếc, em quyết tâm phải đánh thắng”.
Tháng 10-1965, đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa bước sang tuổi 17. Thấy đồng chí Ánh tuổi còn nhỏ và là nữ nên Huyện ủy Gò Quao phân công làm công tác giao liên và y tá. Cùng với khí thế tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tháng 1-1968, đồng chí Ánh cùng một số chị em viết đơn tình nguyện tham gia C112 (đi Miền Đông).
Tuy nhiên, 10 chị em được Tỉnh ủy giữ lại để thành lập đội thanh niên xung phong. “10 chị em chúng tôi gồm chị Sáu Hồng, Năm Oanh, chị Hai Thủy, Nguyệt, Thu, Dung, chị Định, chị Thu Ba, Mỹ Châu và tôi là Tư Ánh”, đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh cho biết.
Tháng 2-1968, đội nữ thanh niên xung phong được bổ sung vào Đại đội pháo 617 (C617) của tỉnh và thành lập tiểu đội nữ pháo binh, đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh vinh dự được tổ chức phân công làm tiểu đội trưởng. Tiểu đội nữ pháo binh tham gia cùng các đơn vị của C617 đánh trên 10 trận cả ban ngày lẫn ban đêm, bức rút nhiều đồn bót của địch.
Những chiến thắng liên tiếp của C617, trong đó có đóng góp không nhỏ của tiểu đội nữ pháo binh trong giai đoạn này được lan truyền làm nức lòng nhân dân tỉnh nhà, nhất là tạo nên niềm tin, động viên, khích lệ giới nữ trong vùng.
Đồng chí Tư Ánh kể: “Có đợt địch càn vào điểm đóng quân lấy hết tư trang cá nhân, làm chúng tôi hàng tháng trời chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo. Đứng trước khó khăn, tôi luôn gương mẫu đi đầu, tạo động lực động viên, khích lệ toàn tiểu đội chiến đấu anh dũng làm nên những chiến thắng vang dội. Tiểu đội nữ pháo binh được cô Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam gửi tặng bằng khen; cá nhân tôi được Tỉnh đội khen thưởng”.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG MƯU TRÍ, ANH DŨNG
Lập được nhiều thành tích, tháng 9-1969, đồng chí Tư Ánh được bổ nhiệm Trung đội trưởng Trung đội pháo binh. Tháng 7-1970, đơn vị pháo binh nhận nhiệm vụ kiềm chế 40 quả pháo vào Chi khu Giồng Riềng, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 207 đánh đồn Đập Đất.
Lúc này, đồng chí Tư Ánh được đơn vị cho phép nghỉ dưỡng bệnh, nhưng vì số lượng pháo kiềm chế tương đối lớn, mặt khác trận địa pháo tiếp quản từ đơn vị pháo 2311 của Quân khu đã bị lộ, tình hình rất phức tạp, không yên tâm nên đồng chí xin được tham gia cùng đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh (Tư Ánh) tự hào vì được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Quá trình chỉ huy, đơn vị cơ động lực lượng bằng xuồng ra trận địa, đến khu vực vàm Cả Đuốc Lớn, đội hình đơn vị bị súng máy 12,7mm của địch từ đồn vàm Cả Đuốc Lớn bắn dữ dội, đồng chí Tư Ánh bình tĩnh chỉ huy vòng tránh bảo đảm an toàn. Do tập trung suy nghĩ cách đối phó nếu xảy ra tình huống bị địch phục kích nên đơn vị bị lạc đường.
Đồng chí Tư Ánh bình tĩnh chỉ huy đơn vị tìm chỗ đậu xuồng và hội ý nhanh để tìm biện pháp giải quyết, có ý kiến đề nghị quay về. “Trên cương vị trung đội trưởng, tôi giải thích cho đơn vị hiểu nếu quay trở lại, không có pháo của đơn vị kiềm chế, hỏa lực của địch ở Chi khu Giồng Riềng dễ dàng chi viện cho đồn Đập Đất sẽ gây thương vong lớn cho Tiểu đoàn 207, từ đó không chỉ đơn vị chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ mà có thể sẽ kéo theo các đơn vị bạn cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Được sự động viên và giải thích của tôi, toàn đơn vị quyết tâm tìm bằng được đường quay lại trận địa”, đồng chí Tư Ánh kể.
Sau hơn 3 giờ hành quân, đồng chí Tư Ánh và đồng đội đến được trận địa. Đúng theo kế hoạch hiệp đồng, đến hơn 23 giờ, ĐKZ57 và thủ pháo của ta nổ vang trời phía đồn Đập Đất. Đồng chí Tư Ánh chỉ huy đơn vị bắn hết 40 quả pháo kiềm chế Chi khu Giồng Riềng.
Địch tại Chi khu Giồng Riềng lo đối phó với đơn vị pháo binh nên không chi viện cho đồn Đập Đất được, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 207 đánh nhanh, rút gọn. Sau trận đánh, tháng 7-1970, đồng chí Tư Ánh được tổ chức tin tưởng bổ nhiệm chức Chính trị viên phó Đại đội kiêm Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh.
Do điều kiện chiến tranh ác liệt và thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, tháng 11-1971, đơn vị nữ pháo binh được lệnh giải tán, đồng chí Tư Ánh tiếp tục công tác trong quân đội, sau chuyển ngành rồi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí tham gia công tác từ thiện, xã hội tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đến nay.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: