17/07/2020 18:44
ẢNH HƯỞNG SINH KẾ
Tuyến đê biển thuộc ấp Kim Quy, xã Vân Khánh (An Minh) là điểm nóng về tình trạng sạt lở bờ biển. Trước đây, trên đê quốc phòng có 44 hộ dân sinh sống, làm nghề đánh bắt thủy sản, trồng hoa màu. Năm 2019, tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng làm mất nhiều diện tích đất sản xuất của người dân, nhà bị sóng đánh sập, chính quyền địa phương vận động hỗ trợ người dân di dời đến nơi khác. Nằm đan xen với những ngôi nhà có người sinh sống là những ngôi nhà trống hoặc tốc mái, sụp sàn. Đó là vết tích của tình trạng sạt lở để lại. Trước đây nơi này từng là khu dân cư đông đúc, xung quanh được bao bọc bởi đai rừng phòng hộ dài ra biển vài trăm mét. Giờ đây mọi thứ gần như bị nước biển nhấn chìm.
Đồng chí Dương Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Vân Khánh cho biết: “Khu vực ven biển thuộc địa bàn 2 ấp Kim Quy B, Mương Đào A, xã Vân Khánh có khoảng 3km bị sạt lở nghiêm trọng, đoạn đê quốc phòng dài khoảng 250m bị sóng biển đánh sập hoàn toàn, nhiều đoạn đê bị sóng đánh lở tới chân đê quốc phòng. Hiện đoạn đê quốc phòng thuộc ấp Kim Quy có dấu hiệu tiếp tục sạt lở, nguy cơ có thể sụp toàn bộ bất cứ lúc nào. Tình trạng sạt lở bờ biểnảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn xã. Theo UBND xã Vân Khánh, toàn xã có hơn 900ha đất nuôi trồng thủy sản của người dân sống cặp đê biển bị ảnh hưởng, không thể sản xuất. Đa số người dân tại đây nhận giao khoán đất rừng nuôi trồng thủy sản, mấy năm qua, sạt lở bờ biểnlàm mất trên 90/120ha đất rừng phòng hộ. Nhiều hộ mất toàn bộ đất rừng, không thể thả nuôi tôm, cua. Nguồn sinh kế bị ảnh hưởng, người dân gặp khó khăn, không thể bám trụ, bỏ đi nơi khác làm ăn.
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh (An Minh) bị sập hoàn toàn do sạt lở bờ biển năm 2019.
PHẬP PHỒNG LO SỢ
Mùa mưa bão, tình trạng sạt lở bờ biểndiễn ra nhiều hơn, những hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên biển thuộc huyện An Minh lo sợ vì sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo UBND xã Vân Khánh, để phòng sạt lở đất khu vực ven biển, UBND xã vận động người dân sống tại khu vực nguy hiểm di dời vào trong đê. Hiện phần lớn người dân đều chấp hành chủ trương di dời của chính quyền địa phương, còn một số hộ ở lại không di dời do không có đất sản xuất, hoàn cảnh khó khăn. Ông Huỳnh Văn Diệp, ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh (An Minh) nhớ như in đợt triều cường cơn bão số 3 năm 2019. Ông Diệp kể: “Lúc đó chỉ 10 phút, nước dâng lên rồi rút xuống, cơn sóng dữ cao vượt đầu người từ biển ập vào nhanh chóng cuốn đi tất cả vật dụng trong nhà, đánh sập toàn bộ căn nhà, vợ chồng tôi chỉ kịp chạy vào trong đê để giữ tính mạng. Sau đợt đó nhiều hộ dân di dời vào nơi khác an toàn hơn. Nhà tôi sống ở đây cũng sợ lắm, mùa nắng còn đỡ, mùa mưa sóng đánh nhiều, cả nhà không ai dám ngủ, nơm nớp lo sợ sạt lở sập nhà nhưng vì mưu sinh, vợ chồng tôi đành ở lại bám trụ”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh vừa cất lại căn nhà mới cách căn nhà cũ gần 100m sau đợt sạt lở năm 2019. Chị Nhung cho biết: “Năm 2019, sóng biển đánh đứt đoạn đê quốc phòng, nhà tôi cất trên đê quốc phòng. Mặc dù trước đó tôi mua 2 ghe đá để gia cố móng nhà nhưng sóng biển cuốn trôi nhà, mất hết. Để an toàn tính mạng tôi không dám ở lại”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: