20/07/2020 14:48
ÁP LỰC TỪ NHIỀU PHÍA
Miệt mài nghiên cứu hồ sơ các vụ án đang chờ xử lý, đồng chí Nguyễn Văn Bảy - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận mở đầu câu chuyện bằng sự quyết tâm: “Vài năm gần đây, lượng án thụ lý thi hành mỗi năm mỗi tăng, đòi hỏi lực lượng chấp hành viên luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Cũng ý thức được trách nhiệm, chấp hành viên Trần Thị Thúy An - Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành (TCTH) án Cục thi hành án dân sự tỉnh luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ. “Những án nào có điều kiện thi hành, tôi cố gắng thi hành xong để góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đương sự”, chấp hành viên Trần Thị Thúy An chia sẻ.
Trung bình mỗi chấp hành viên trong tỉnh thụ lý 300 vụ việc/năm. Số vụ việc, tiền thụ lý thi hành có chiều hướng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, trong khi biên chế ngành thi hành án dân sự không tăng nên đôi lúc chấp hành viên quá tải trong công việc. Với tinh thần trách nhiệm cùng nhiều nỗ lực, hầu hết chấp hành viên đều thực hiện đạt chỉ tiêu được giao, góp phần rất lớn để ngành thi hành án dân sự tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu của Tổng cục thi hành án dân sự giao. Năm 2019, có 73/78 chấp hành viên TCTH đạt và vượt chỉ tiêu về việc. 77/78 chấp hành viên TCTH thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về tiền.
Nhiều người thường nghĩ khi bản án của tòa án có hiệu lực, chấp hành viên chỉ cần căn cứ nội dung bản án sau đó TCTH là xong. Thực tế thi hành một bản án không hề đơn giản và dễ dàng. Công việc của chấp hành viên nhiều vất vả. Để tổ chức thi hành xong bản án, chấp hành viên phải tốn nhiều thời gian, công sức và cả quá trình lao động nghiêm túc. Có thâm niên 8 năm làm chấp hành viên, đồng chí Trần Hoàng Anh - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện An Biên cho biết: “Quá trình TCTH bản án phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục. Các chấp hành viên phải thực hiện chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, không được sơ suất vì nếu để xảy ra sơ sót có thể bị kiện cáo, bồi thường, bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố hình sự”. Nhiều vụ việc do đương sự không tự nguyện thi hành án, chấp hành viên đi lại nhiều lần, tốn công sức và thời gian để thuyết phục thi hành án. “Khi thuyết phục, chúng tôi cố gắng giải thích cặn kẽ, kiên trì thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để đạt kết quả tốt”, chấp hành viên Trần Thị Thúy An nói.
Giai đoạn TCTH án dễ xảy ra mâu thuẫn vì trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án và người phải thi hành án. Khi TCTH bản án, chấp hành viên như đứng giữa “hai làn đạn”. Bên được thi hành án thì hối thúc thi hành bản án. Nhiều trường hợp bên phải thi hành án chống đối quyết liệt, tìm nhiều cách cản trở thi hành án. Khi chấp hành viên quyết liệt TCTH án, có người lại cho rằng đã “ăn tiền bên kia”. Áp lực từ thực hiện các chỉ tiêu được giao và từ đương sự, nếu không đủ bản lĩnh, năng lực, chấp hành viên khó có thể bám trụ được với nghề. Một số chấp hành viên ở Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận tâm sự không ít người còn gọi chấp hành viên là những người “đòi nợ mướn” với thái độ thiếu thiện cảm. Nhưng nghề nào cũng có cái khó riêng vì vậy chấp hành viên cố gắng vượt khó bám nghề, phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỚ ĐỜI
Một lần, chúng tôi đi cùng một số chấp hành viên của Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận đến vận động đương sự tự nguyện tháo dỡ nhà để trả lại phần đất cho bên được thi hành án theo bản án đã tuyên. Vừa thấy chấp hành viên đến, đương sự này lập tức chửi bới. Thế nhưng, các chấp hành viên vẫn rất bình thản, nhẹ nhàng thuyết phục đương sự. Theo một số chấp hành viên, chuyện đương sự chửi bới chấp hành viên không xa lạ, thậm chí có người dùng hung khí hăm dọa. Vài vụ việc, khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, đương sự lăn lộn ăn vạ, đòi tự sát, thậm chí thoát y ngay giữa đám đông để gây áp lực cho lực lượng làm công tác cưỡng chế. Đồng chí Trần Hoàng Anh chia sẻ: “Có lần TCTH án, tôi bị đương sự dùng dao phóng vào người nhưng rất may không trúng. Không ít trường hợp, hôm trước đương sự biết tin có đoàn đến cưỡng chế thi hành án, đương sự gọi điện hăm dọa đòi đánh. Có khi cả gia đình đương sự kéo đến trụ sở cơ quan thi hành án dân sự la hét, chửi bới dù chúng tôi làm đúng pháp luật”.
Đồng chí Nguyễn Văn Bảy (bên trái) - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận đến vận động, thuyết phục một đương sự và gia đình tự nguyện thi hành bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
23 năm công tác trong ngành thi hành án dân sự, chấp hành viên Danh Diện - Phó Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận trăn trở với những lần TCTH án về giao con. Người bị thi hành án thường không tự nguyện thi hành, đưa con đi nơi khác hoặc giằng co không chịu giao con khiến việc TCTH án gặp nhiều khó khăn. “Có trường hợp người cha kề kéo vào cổ con để uy hiếp lực lượng cưỡng chế. Chúng tôi tiếp tục vận động đương sự. Song nếu đương sự không hợp tác và để đảm bảo an toàn cho trẻ, chúng tôi phải vận động người được TCTH làm đơn không TCTH án nữa”, chấp hành viên Danh Diện kể.
Bên tách trà, chúng tôi tiếp tục những câu chuyện nhớ đời cùng những cảm xúc của chấp hành viên đã trải qua. Đó là những đêm trằn trọc, lo lắng đến không ngủ được trước khi chuẩn bị cưỡng chế thi hành án. Đó là những lần thi hành án giao con cho người cha nhưng đứa trẻ nhất quyết ở lại với mẹ, chứng kiến tình mẫu tử bị chia cắt, chấp hành viên cảm thấy chạnh lòng. Dù làm việc độc lập, tuân thủ đúng pháp luật nhưng có những lúc chấp hành viên vẫn cảm thấy “day dứt” khi chứng kiến người phải thi hành án không còn tài sản sau khi đã thi hành án...
Hiện vẫn còn nhiều vụ việc phức tạp, khó thi hành đang làm khó người trong ngành thi hành án dân sự và một số ngành liên quan. Hơn ai hết, chấp hành viên vẫn đang nỗ lực không ngừng để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: TÚ LY
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: