28/01/2021 08:52
CẦN CÂU CHO HỘ NGHÈO
Tháng 9-2020, ông Danh Chi (73 tuổi) - hộ nghèo ở ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (An Biên) đến Ủy ban nhân dân xã xin gặp lãnh đạo để nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Sau khi rà soát điều kiện kinh tế gia đình và nguyện vọng của ông Chi, Ủy ban nhân dân xã Đông Yên công nhận gia đình ông thoát diện hộ nghèo.
7 năm trước, vợ ông Chi lâm bệnh. Kinh tế gia đình ngày càng khánh kiệt theo những đơn thuốc điều trị. Nhà có 11 công đất, ông Chi cầm cố hết để lo chi phí điều trị bệnh cho vợ vẫn chưa đủ, nợ nần chồng chất. Gia đình ông Chi được địa phương xét thuộc diện hộ nghèo và được hưởng các chính sách theo quy định Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Xai, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) chăm sóc rẫy màu của gia đình.
Để giúp đỡ gia đình người du kích xã năm nào đang gặp cảnh khó khăn, Hội Cựu chiến binh xã Đông Yên xét cho ông Chi vay vốn xoay vòng 30 triệu đồng không tính lãi. Có vốn, ông Chi mua cặp bò sinh sản nuôi, sau nhiều năm có tích lũy, ông chuộc lại đất để nuôi tôm, trồng lúa. Cần cù làm lụng đến đầu năm 2020, ông Chi trả hết nợ.
Giai đoạn 2017-2019, toàn tỉnh có 204 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Dù biết viết đơn xin thoát nghèo đồng nghĩa không còn thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng nhiều hộ vẫn quyết tâm làm đơn xin thoát nghèo bởi như ông Chi đã chia sẻ: “Tôi muốn thoát nghèo vì thấy mình còn lao động được, muốn nhường phần hỗ trợ cho nhiều trường hợp còn khó khăn hơn”.
Chuyện làm đơn xin thoát nghèo của ông Chi cũng như nhiều hộ khác góp phần cổ vũ, động viên hộ nghèo trong tỉnh phát huy tinh thần tự lực, phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một trong những định hướng của tỉnh trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2015-2020 là tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo, tạo điều kiện phát huy tính tự lực của hộ nghèo trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Chỉ tiêu về giảm nghèo ở những xã, huyện nông thôn mới càng được ưu tiên thực hiện để tiến tới không còn hộ nghèo.
Nhờ có cơ sở làm lò bằng xi măng của vợ chồng chị Võ Thị Diễm, ngụ ấp Hòa Xuân, xã Định Hòa (Gò Quao), hơn 20 lao động địa phương có việc làm ổn định. Cơ sở sản xuất của gia đình chị Diễm mỗi tuần cung cấp ra thị trường gần 500 sản phẩm. Chị Diễm cho biết: “Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, giúp người dân địa phương có việc làm, tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mở xưởng đúc lò bằng xi măng. Cơ sở ăn nên làm ra nên gia đình tôi có dư và mua thêm ruộng đất, phát triển kinh tế gia đình”.
VƯƠN LÊN TỪ NỖ LỰC
Xã Vĩnh Điều (Giang Thành) từng dẫn đầu huyện về hộ nghèo. Để phấn đấu đạt tiêu chí xã nông thôn mới năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã biên giới này dốc toàn lực cho công tác giảm nghèo, xem đây là tiền đề để tiến tới thực hiện các tiêu chí khác. “Bí quyết” của xã trong công tác giảm nghèo là “trao cần câu” để hộ nghèo tự lực vươn lên. Từng là hộ nghèo của xã Vĩnh Điều, gia đình anh Trương Bình Đẳng, ngụ ấp Tà Êm được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giang Thành cho vay 40 triệu đồng để mua cặp bò nuôi cách nay 6 năm.
Hiện gia đình anh Đẳng có 3 con bò cái, bình quân mỗi năm gia đình anh bán được 3 con bò, thu về hơn 60 triệu đồng. “Vùng này cỏ mọc nhiều, gia đình tôi cứ thả lan để bò tự tìm thức ăn. Đến mùa thu hoạch lúa, tôi cuộn rơm trữ lại cho bò ăn nên không tốn chi phí nhiều. Có sự hỗ trợ vay vốn chăn nuôi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi có vốn phát triển kinh tế gia đình, nếu không vẫn nghèo hoài”, anh Đẳng cho biết.
Chị Võ Thị Diễm (bên phải), ngụ ấp Hòa Xuân, xã Định Hòa (Gò Quao) gia công khung đúc lò xi măng.
Qua những chuyến đi thực tế tại các địa phương trong tỉnh, điều gây ấn tượng nhất với chúng tôi là những hộ trước đây từng là hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn nay bằng chính nghị lực, sự cần cù trong lao động đã vươn lên. Gia đình ông Nguyễn Văn Xai (47 tuổi), ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) là điển hình như thế. Gia đình ông Xai thoát diện hộ nghèo năm 2019 nhờ chuyển đổi 2 công đất ruộng sang trồng màu.
Biết ông thiếu vốn sản xuất, ban lãnh đạo ấp Tân Quới hướng dẫn thủ tục để ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng đầu tư sản xuất. Cần mẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng/năm từ 4 vụ màu. Ông Xai cho biết: “Trồng rẫy cực lắm nhưng có lãi gấp 4 lần làm lúa. Có mấy công rẫy, gia đình tôi nuôi hai con đang học đại học. Vợ chồng tôi muốn các con sau này không phải nghèo khó nên cố gắng để lo cho các con học hành”.
Tân Hiệp là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Giai đoạn 2015-2020, cùng với việc tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Hiệp quyết tâm thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,76%, giảm 5,81% so năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Thị Tư - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Hiệp nói: “Ngoài tranh thủ sự đầu tư của tỉnh, huy động vốn từ ngân sách địa phương, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng, huyện còn lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH - THÙY TRANG
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: