23/11/2020 14:57
LÃNG PHÍ
Trong chuyến công tác tại các huyện vùng U Minh Thượng, bàn về hiệu quả của biển báo, thông tin, tuyên truyền, tôi đố một số đồng nghiệp trên địa bàn thị trấn Thứ Ba (An Biên) có bao nhiêu cổng chào. Một anh đồng nghiệp cho biết: “Chắc 2 cổng chào” bởi theo anh, mỗi huyện có cổng chào “mời đến” và cổng chào “tạm biệt”. Từng đếm thử nên tôi chắc trên địa bàn thị trấn có khoảng 9 cổng chào.
Qua cầu Cái Lớn, chúng tôi vào địa phận xã Hưng Yên (An Biên) là gặp cổng chào thứ nhất, được xây dựng bằng cốt thép chắc chắn với dòng chữ “Huyện An Biên kính chào quý khách”. Đây là cổng chào thông báo cho biết bạn đã đến huyện An Biên. Xe đi gần 1km xuất hiện cổng chào thứ hai, tiếp theo 500m có cổng chào do doanh nghiệp viễn thông tài trợ.
Chúng tôi đi vào trung tâm thị trấn Thứ Ba, cổng chào nhiều và dày đặc hơn cũng do doanh nghiệp tài trợ. Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn qua thị trấn Thứ Ba có 9 cổng chào. Phần lớn cổng chào do doanh nghiệp tài trợ với kinh phí từ vài chục đến trăm triệu đồng.
Ông Lê Văn Hiếu, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) bức xúc trước việc nhiều biển báo không phát huy tác dụng.
Ông Lý Trung An - người dân huyện An Biên cho biết: “Việc đoạn đường gần 5km đi qua địa bàn thị trấn Thứ Ba lắp đặt 9 cổng chào là không cần thiết, lãng phí. Trung bình mỗi cổng chào trị giá khoảng 40 - 50 triệu đồng. Nhiều cổng chào rất nguy hiểm, khi mưa, bão có thể gây đổ ngã sẽ gây tai nạn cho người đi đường”. Đồng tình với ý kiến của ông An, ông Phạm Hoàng Vũ, ngụ xã Đông Yên (An Biên) cho biết: “Việc đoạn đường ngắn có gần chục cổng chào là lãng phí. Cổng chào mới xây không sao nhưng cổng chào lâu năm nếu không kiểm tra, vào mùa mưa bão rất nguy hiểm. Khi cổng chào đổ ngã, xảy ra thương vong thì trách nhiệm thuộc về ai?”.
MỖI NƠI MỘT KIỂU
Theo đồng chí Lê Công Nghiệp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, cái khó là mỗi phong trào gắn với hoạt động tuyên truyền do mỗi ngành quản lý và phối hợp địa phương thực hiện lắp đặt các biển báo, thông tin, tuyên truyền. Biển báo giao thông do ngành giao thông phụ trách, tuyên truyền về nông thôn mới do ngành nông nghiệp, tuyên truyền về môi trường do ngành tài nguyên và môi trường đảm nhiệm…
“Các cổng chào do địa phương quản lý. Sở Văn hóa - Thể thao không cấp phép cho các cổng chào trên địa bàn toàn tỉnh mà do ủy ban nhân dân huyện, thành phố phối hợp doanh nghiệp thực hiện. Theo Luật Quảng cáo, muốn tuyên truyền phải xin phép. Đối với cổng chào, mỗi huyện nên có 1 cổng chào, địa phương và ngành xây dựng thống nhất để đảm bảo vẻ mỹ quan”, đồng chí Nghiệp nói.
Trên địa bàn thị trấn Thứ Ba (An Biên) có rất nhiều cổng chào như thế này
Không riêng huyện An Biên mà ở nhiều địa phương trong tỉnh có nhiều cổng chào như trên. Trung bình mỗi huyện có ít nhất 2 cổng chào được đặt tại nơi giáp nhau giữa huyện này và huyện khác hoặc thích đâu, đặt đó cũng có. Cũng tại huyện An Biên, trên tuyến quốc lộ 63 đoạn thuộc ấp Bàu Môn, xã Hưng Yên tồn tại một cổng ấp văn hóa “không cho ai đọc”.
Thay vì lắp đặt theo chiều ngang để người đi đường nhận biết, biển “Ấp văn hóa Bàu Môn” lại đặt dọc quốc lộ 63. Nhiều người dân băn khoăn lắp đặt cổng có hiệu quả và đề nghị địa phương lắp biển ngang cho người đi đường có thể đọc được biển.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều xã lắp đặt biển thông tin “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã… quyết tâm xây dựng nông thôn mới”, “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã… quyết tâm giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới”. Qua vài năm, các biển thông tin này dù còn bảng và trụ thép nhưng đều xuống cấp như phai chữ, nghiêng hoặc ngã đổ.
Thời gian qua, ngành tài nguyên môi trường lắp đặt nhiều biển tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Biển có nội dung dễ hiểu, tác động tâm lý, ý thức của người dân.
Theo ông Lê Văn Hiếu, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng): “Biển tuyên truyền được lắp đặt giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Từ ấp Công Sự, thuộc xã An Minh Bắc về trung tâm xã Minh Thuận có khoảng 30 biển tuyên truyền nhưng một số biển không phát huy tác dụng vì xuống cấp, các dòng chữ phai màu, có biển nằm trong bụi chuối… người dân không đọc được nội dung”.
Hình ảnh biển báo, quảng cáo, thông tin, tuyên truyền xuống cấp, phai màu chữ… gây nguy hiểm hoặc làm mất vẻ mỹ quan. Làm thế nào để các biển báo, quảng cáo, thông tin, tuyên truyền thật sự phát huy hiệu quả là câu hỏi của nhiều người dân đặt ra đối với nhà quản lý.
Bài và ảnh: LÊ VINH
(KGO) - Miệt Thứ là tên gọi chỉ vùng bán đảo Cà Mau xưa, hay vùng U Minh Thượng hiện nay của tỉnh Kiên Giang. Vùng này có 4 huyện gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Muốn về vùng quê một thời được xem là hoang sơ, khắc nghiệt và đầy khó khăn, phải đi qua địa bàn An Biên. Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, các đảng viên trẻ huyện An Biên sau khi xuất ngũ đã bổ sung vào đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở và tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nơi “cửa ngõ” Miệt Thứ.
Tổng số lượt truy cập: