04/06/2020 15:56
KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG
Dẫn chúng tôi tham quan một số mô hình phụ nữ KNĐMST, chị Trần Thị Mộng Tưởng - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Giồng Riềng cho biết: “Chị em nào có vốn nhỏ, chưa từng kinh doanh, Hội hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp trước. Khi kinh doanh ổn định, Hội tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hội viên, phụ nữ (HVPN) để giúp HVPN thành lập tổ hợp tác. Nhằm giúp HVPN hình thành tư duy khởi nghiệp, Hội LHPN huyện hướng dẫn bằng những mô hình khởi nghiệp cụ thể, thiết thực ở cơ sở để HVPN học tập và làm theo”.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, ngụ ấp Cây Bàng, xã Long Thạnh (Giồng Riềng) là một trong những hội viên được Hội LHPN tỉnh và huyện Giồng Riềng hỗ trợ khởi nghiệp. Chị Thoa cho biết: “Nhờ Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN xã Long Thạnh hỗ trợ, tôi vay 30 triệu đồng mua lục bình về đan thành sản phẩm thủ công để bán. Nhờ công việc này, đến nay tôi trả được tiền vay và có lợi nhuận ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, kinh tế gia đình từng bước phát triển”. Chị Thoa còn phối hợp Hội LHPN xã Long Thạnh thành lập tổ hợp tác đan lục bình với 35 thành viên là HVPN. Sau khi thành lập tổ hợp tác, chị Thoa cùng thành viên góp vốn, làm sản phẩm và hợp đồng với công ty thu mua sản phẩm. Hầu hết chị em trong tổ hợp tác có thêm thu nhập ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, không phải đi làm công nhân xa nhà.
Tại huyện Vĩnh Thuận, thời gian qua, phong trào KNĐMST lan tỏa đến nhiều HVPN. Điển hình là chị Lê Thị Kim Thoa, ngụ ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận). Với nguồn tôm nguyên liệu sẵn có của gia đình và nông dân trong xã, chị Thoa thu mua tôm nguyên liệu tại địa phương để làm tôm khô. Năm 2019, nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Vĩnh Thuận, sản phẩm tôm khô của chị được chọn tham gia hội thi mỗi xã 1 sản phẩm do Hội LHPN tỉnh tổ chức và được đánh giá cao. Chị Thoa cho biết: “Tôm thẻ và tôm sú được nuôi nhiều ở huyện Vĩnh Thuận. Hình thức nuôi quảng canh cải tiến nên tôm thịt chắc, ngọt. Sản phẩm tôm khô tự nhiên của tôi làm thủ công, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, chi phí thấp…”. Ban đầu chị Thoa bán tôm khô online qua mạng xã hội, khách dùng biết chất lượng giới thiệu thêm khách mới. Đến nay, lượng khách hàng nhiều lên, tôm khô của chị bán được ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh; siêu thị Đức Thành (TP. Hà Nội) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn (TP. Hà Nội) làm nhà phân phối. Thấy đầu ra ổn định, nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Vĩnh Thuận và Hội LHPN xã Phong Đông, chị Thoa thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát. Hiện Hợp tác xã giải quyết việc làm cho trên 30 HVPN địa phương. Đến nay, tổng thu nhập hàng tháng của tổ hợp tác 620 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/tháng.
HIỆU QUẢ LAN TỎA
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Nhanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: “Phong trào KNĐMST được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đồng loạt triển khai, tạo hiệu ứng lan tỏa đến HVPN trong tỉnh. Nhiều HVPN vượt qua hoàn cảnh khó khăn, làm chủ cuộc sống của mình”. Qua các chương trình, hoạt động khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho 25.000 lao động nữ; phối hợp cơ quan, đơn vị tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, góp phần cùng toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 136.000 lượt HVPN; hàng năm có khoảng 46,36% lao động nữ trên tổng số lao động toàn tỉnh được giải quyết việc làm.
Hội LHPN các cấp trong tỉnh có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh phát huy hiệu quả các kênh vốn do hội quản lý; hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 2.136/7.233 doanh nghiệp có nữ là lãnh đạo, chiếm 30,36%; 124 hợp tác xã, 562 tổ hợp tác có nữ tham gia ban quản lý và gần 3.600 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ mô hình có thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/năm.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Nhanh, tính cách quyết liệt, sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của phụ nữ là thuận lợi để họ tham gia phong trào KNĐMST mà các cấp hội phụ nữ phát động. “Qua các phong trào khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh phát động, năm 2017-2019, các cấp hội hỗ trợ 319 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 10 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, có 1.587 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo mới thành lập”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Nhanh cho biết.
Để đạt kết quả trên, bên cạnh việc chú trọng giải pháp tuyên truyền, hội LHPN các cấp trong tỉnh xây dựng mô hình thí điểm tuyên truyền tại cộng đồng, có tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng. Các cấp hội chọn ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ HVPN thực hiện, nhân rộng. Đồng thời, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ mới thành lập và năng lực cho đội ngũ cán bộ hội thông qua thiết lập cơ sở hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp hội.
Với sự tập trung về nguồn lực chỉ đạo, hỗ trợ vốn và giải pháp mới trong các phong trào KNĐMST, Hội LHPN tỉnh giúp HVPN phát triển mô hình khởi nghiệp, là đòn bẩy để phụ nữ hoàn thiện trí tuệ, năng lực, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân… trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là con đường để phụ nữ bắt nhịp với xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: