10/09/2020 16:11
HÚT KHÁCH DU LỊCH
Cuối tuần, lượng khách đến xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải) đông hơn ngày thường. Đang tắm biển với gia đình tại Bãi Bàng, em Đỗ Quỳnh Kha (16 tuổi) - du khách đến từ huyện An Minh hào hứng chia sẻ: “Đây là lần thứ hai em đi du lịch tại Lại Sơn. Chiều hôm trước em tắm biển ở bãi cây dừa nằm, hôm nay tắm ở Bãi Bàng. Hai bãi tắm này sóng êm, em rất thích”.
Sau một ngày tham quan vòng quanh xã đảo Lại Sơn, anh Lê Văn Hiệp - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh kể: “Chúng tôi chạy xe gắn máy vòng quanh đảo, đi bộ lên đỉnh Ma Thiên Lãnh - đỉnh núi cao nhất của đảo, rồi xuống tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon. Chuyến đi đem lại cho tôi nhiều cảm giác thú vị”.
Lại Sơn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với vẻ đẹp hoang sơ, nhiều bãi biển cát trắng, nước trong xanh, di tích lịch sử... Những năm gần đây, khi Lại Sơn được đầu tư điện lưới quốc gia, hồ chứa nước ngọt, đường giao thông quanh đảo, khách du lịch đến tham quan, du lịch ngày càng nhiều. Nhiều du khách nhận xét phong cảnh Lại Sơn lúc sáng sớm hay hoàng hôn đều rất đẹp.
Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cuộc sống thanh bình, thơ mộng giữa chốn biển khơi bao la, hùng vĩ. Năm 2010, xã đón 327 lượt khách; năm 2015 hơn 2.500 lượt khách. Năm 2019, lượng khách đến xã tăng gần 85 lần so năm 2015 với hơn 212.580 lượt khách. Một trong những minh chứng về phát triển du lịch ở địa phương này là việc ngày càng có nhiều nhà nghỉ, nhà trọ được xây dựng.
Với 21 đảo lớn nhỏ cùng nhiều bãi biển đẹp, còn giữ nét hoang sơ như bãi Cây Mến, bãi Ngự, hòn Mấu, hòn Lớn¸ quần đảo Nam Du (Kiên Hải) được nhiều người ví là “Vịnh Hạ Long phương Nam” để nhấn mạnh vẻ đẹp của nó. Quần đảo Nam Du thuộc địa bàn hai xã An Sơn và Nam Du và đang được nhiều du khách tìm đến. Một số người dân sống ở Nam Du cho biết, trước kia giao thông đi lại khó khăn nên du khách chưa biết nhiều đến quần đảo này.
Du khách khám phá đảo Hải Tặc (TP. Hà Tiên). Ảnh: TRUNG HIẾU
Quần đảo này bắt đầu đón nhiều du khách khi có tàu cao tốc từ TP. Rạch Giá đến Nam Du. Giá dịch vụ, ăn uống ở Nam Du rất bình dân, người dân địa phương thân thiện, mến khách. Giờ du khách có thể chạy xe gắn máy trên đường bê tông để ngắm nhìn khung cảnh bình yên nơi biển, đảo.. Khách từ xã An Sơn muốn qua xã Nam Du vẫn có tàu phục vụ. Theo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ xã An Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020, lượng khách đến tham quan du lịch tại xã đạt 560.064 lượt người, tăng 545.264 lượt khách so nhiệm kỳ trước.
Không nổi tiếng như Phú Quốc và quần đảo Nam Du thế nhưng quần đảo Hải Tặc thuộc xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên) có sức hút riêng với vẻ đẹp hoang sơ, tên gọi huyền bí cùng truyền thuyết về những cướp biển gắn với lịch sử hình thành vùng đất này. Hiện kết cấu hạ tầng xã đảo Tiên Hải được quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện như đầu tư công trình lấn biển tại đảo Hòn Đốc khoảng 2ha, xây cầu cảng, nước sinh hoạt...
Tháng 10-2019, Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Công ty Điện lực Kiên Giang chính thức đóng điện, hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Tiên Hải. Dự án này hoàn thành đã hiện thực hóa ước mơ có điện bao đời nay của người dân xứ đảo, đồng thời tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.
Đồng chí Dương Anh Phong - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải cho biết, nhờ được quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xã Tiên Hải có thêm điều kiện phát triển kinh tế biển, chú trọng và khai thác có hiệu quả dịch vụ, du lịch. Các mô hình du lịch cộng đồng, homestay bước đầu mang lại hiệu quả.
Năm 2019, hơn 71.000 lượt người khách du lịch đến xã Tiên Hải, mang lại nguồn thu khá lớn cho người dân địa phương với hơn 31,5 tỷ đồng, tăng hơn 14,9% so năm 2018. 2 năm trở lại đây lượng khách đến xã ngày càng tăng, một số nhà đầu tư đến đăng ký khai thác dịch vụ, du lịch biển.
NGÀNH KINH TẾ CHỦ LỰC
Cũng như các xã khác trên địa bàn huyện Phú Quốc, từ khi có điện quốc gia đầu năm 2014 đến nay, Gành Dầu có thêm “đà” phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Khu vui chơi giải trí Vinperarl Land Phú Quốc và vườn thú Safari là hai trong những điểm vui chơi có sức hút bậc nhất ở Gành Dầu và cả Phú Quốc. Theo đồng chí Huỳnh Văn Định - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu, đa số du khách đến Phú Quốc sẽ tìm đến hai địa điểm này để tham quan, góp phần phát triển du lịch, thương mại ở xã.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa của xã đạt 1.324 tỷ đồng, tăng hơn 700% so nhiệm kỳ trước. Tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ - du lịch chuyển dịch đúng hướng, tăng dần và chiếm tỷ lệ cao nhất so các ngành khác trong cơ cấu kinh tế của Gành Dầu với 52,29%. Xã phấn đấu đến năm 2025, thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm tỷ trọng 60% trong cơ cấu kinh tế.
Du lịch là lĩnh vực then chốt mà Đảng bộ xã Tiên Hải đã xác định và có chiến lược phát triển, khai thác đúng tiềm năng. Đồng chí Dương Anh Phong - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải cho biết: “Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Dịch vụ và Du lịch TP. Hà Tiên và các ngành chức năng của thành phố nghiên cứu, tạo nhiều sản phẩm dịch vụ, du lịch tốt hơn để phục vụ du khách và phát triển du lịch của địa phương.
Cụ thể xây dựng các thương hiệu sản phẩm đặc trưng của xã từ thủy sản; phát triển các dịch vụ du lịch về đêm như chợ đêm, sinh hoạt lửa trại... để giữ chân du khách nghỉ qua đêm tại xã. Tiên Hải tiếp tục kiến nghị, trình cấp thẩm quyền cấp phép cho xe điện hay các loại hình phương tiện phục vụ du lịch khác thân thiện với môi trường được vận chuyển du khách tham quan đảo Hòn Đốc và các đảo có đường giao thông đảm bảo điều kiện”.
Để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch, mấy năm qua, người dân một số xã đảo trong tỉnh mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú. Tại xã Lại Sơn hiện có 56 nhà nghỉ với 545 phòng với tổng trị giá của nhân dân đầu tư trên 65 tỷ đồng. Xã An Sơn có 75 nhà trọ, nhà nghỉ với 552 phòng. Xã Tiên Hải có 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. |
Với nhiều lợi thế phát triển du lịch, xã Lại Sơn tập trung khai thác và phát huy lợi thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Sơn cho biết: “Du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của xã, góp phần tăng thu nhập cho người dân và tạo điều kiện cho nhiều ngành, nghề khác phát triển.
Nhiệm kỳ 2020-2025, xã Lại Sơn đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; phát triển mạnh các loại hình và sản phẩm du lịch mang nét đặc thù riêng của xã. Lại Sơn tiếp tục vận động nhân dân đầu tư, nâng cao các dịch vụ du lịch, nhất là mô hình du lịch gia đình (homestay), leo núi, câu cá, tắm biển để phục vụ nhu cầu của du khách”.
Sau những ngày vượt biển đến các xã đảo, chúng tôi trở về với đất liền mang về nhiều cảm xúc và thú vị. Biển, đảo bình yên và tươi đẹp, hẹn dịp quay lại khám phá tiếp những nơi mình chưa đến để tận hưởng hết vẻ đẹp bất tận ấy.
TÚ LY
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: