03/09/2020 18:57
Nhiều chủ hộ kinh doanh cho rằng khi chuyển đổi họ phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý cao hơn như nghĩa vụ thuế, các loại giấy phép về môi trường, thanh tra, kiểm tra, thủ tục kê khai, quyết toán thuế sẽ tăng. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải thuê nhân công, lập bộ phận kế toán khiến chi phí tăng. Một số hộ có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tiến tới hoạt động chuyên nghiệp hơn nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản trị nên còn chần chừ, chưa muốn chuyển đổi.
NHIỀU NGUYÊN NHÂN
TP. Rạch Giá (Kiên Giang) là địa bàn có số lượng hộ kinh doanh nhiều nhất tỉnh, với 4.489 hộ kinh doanh thuộc diện nộp thuế, trong đó có 18 doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Tiếp cận với một số hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Rạch Giá, chúng tôi ghi nhận được nguyên nhân khiến phần lớn hộ kinh doanh chưa muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp do nhận thức của các chủ hộ về mô hình hoạt động của doanh nghiệp chưa đầy đủ. Nhiều hộ cho rằng thủ tục lên doanh nghiệp còn phức tạp. Do hạn chế về trình độ quản trị, lo ngại trong chính sách kê khai thuế, kế toán nên nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa “mặn mà” với định hướng chuyển đổi.
Chị Nguyễn Thị Thái Huyền - chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ spa trên đường 3 Tháng 2, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) chia sẻ: “Dù kinh doanh dịch vụ làm đẹp, hàng hóa mỹ phẩm có doanh thu lớn, tuy nhiên khách hàng chủ yếu là khách lẻ nên ít có nhu cầu xuất hóa đơn. Khi kinh doanh với tư cách hộ cá thể, tôi vừa có thể quản lý vừa kiêm luôn kế toán. Nếu phát triển lên doanh nghiệp, tôi ngại sẽ phải tuyển thêm nhân sự do phải đáp ứng nhiều quy định khác”.
Đồng chí Trương Trung Hiếu - Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Rạch Giá cho rằng nguyên nhân khiến hộ kinh doanh chưa chịu “lớn” bởi hộ kinh doanh không phải ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội, chứng từ kế toán đơn giản, được áp dụng chế độ thuế khoán, không phải khai thuế hàng tháng, phù hợp cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô gọn nhẹ.
Là chủ cơ sở dịch vụ nông nghiệp với 15 máy cắt hoạt động xuyên suốt, một xưởng sửa chữa máy móc sử dụng thường xuyên hơn chục lao động, lợi nhuận từ 600 - 700 triệu đồng/năm nhưng ông N.T.H, ngụ xã Mỹ Phước (Hòn Đất) chưa muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, đến tháng 5-2020, toàn tỉnh có 9.715 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đăng ký 116.000 tỷ đồng, vượt 715 doanh nghiệp so mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2020. |
Theo quy định, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên hơn 10 lao động phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp tại khoản 3, Điều 49, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, hộ ông H phải thực hiện thủ tục chuyển đổi lên doanh nghiệp, nhưng ông vẫn chưa thực hiện vì cho rằng chưa thật sự cần thiết và sợ tốn kém chi phí thuê kế toán.
“Khi thành lập doanh nghiệp, thủ tục hành chính phức tạp hơn, phải thuê thêm kế toán, đóng bảo hiểm, thuế...”, ông H nói. Ngoài ông H, có nhiều trường hợp không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp để tìm cách tránh thuế vì khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh vẫn được hưởng chế độ thuế khoán.
NGẠI LÊN DOANH NGHIỆP
Đồng chí Đào Duy Hưng - Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư nói: “Trong 9.715 doanh nghiệp trong tỉnh đang hoạt động chỉ có 32 doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Dù cơ quan chức năng tạo điều kiện chuyển đổi giấy phép kinh doanh nhưng phần đông hộ kinh doanh vẫn còn tâm lý e ngại. Họ còn cân nhắc, thận trọng khi chuyển đổi mô hình vì lo ngại các thủ tục hành chính có thể còn rườm rà, chưa phù hợp. Việc chuyển thành doanh nghiệp yêu cầu các hộ kinh doanh phải mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính...”.
Câu chuyện “lên” doanh nghiệp của hộ kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng. Do quy mô kinh doanh nhỏ, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, hộ kinh doanh chưa thể đáp ứng các yêu cầu khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hầu hết hộ kinh doanh lúng túng trước vấn đề pháp lý, nghiệp vụ kế toán, quản lý, tin học.
Anh Đoàn Ngọc Dũng - chủ cơ sở sản xuất tinh dầu Nathea, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) trưng bày sản phẩm tại cửa hàng.
Đồng chí Bùi Trung Thực - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá cho biết: “Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là chủ trương vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho nền kinh tế. Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hơn. Khi có tư cách pháp nhân là doanh nghiệp, hàng hóa dễ đi vào hệ thống phân phối, doanh nghiệp dễ tiếp cận với nguồn vốn hay huy động vốn để phát triển. Hơn hết, doanh nghiệp dễ gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, có nhiều cơ hội liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, nghề”.
Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Trung Thực, phần đông hộ kinh doanh vẫn muốn nộp thuế theo hình thức thuế khoán và không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhất là các hộ kinh doanh tạp hóa, hàng tiêu dùng, ăn uống, giải trí, vật liệu xây dựng… với thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi nhỏ, số lượng lao động ít và làm theo ca.
Đặc điểm chung của các hộ kinh doanh chủ yếu là nhỏ, lẻ, chưa nắm được thủ tục pháp lý. Các hộ kinh doanh chưa có sự nhìn nhận đúng mức về việc cần phải phát triển, mở rộng kinh doanh, áp dụng kịp thời các công nghệ mới, mô hình quản lý mới.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: