14/07/2020 08:51
THAY ĐỔI DIỆN MẠO QUÊ HƯƠNG
Qua 10 năm (2010-2020) xây dựng nông thôn mới, xã Thạnh Yên (U Minh Thượng) như được “thay da đổi thịt”. Nhìn những hàng cột điện thẳng tắp dọc theo các con đường bê tông trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp Xẻo Kè A, xã Thạnh Yên cho biết: “Từ ngày có điện lưới quốc gia (ĐLQG), quê hương thay đổi. Trước đây người dân phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng, đường lầy lội, đời sống vất vả. Tôi không nghĩ có ngày gia đình tôi trang bị những thiết bị như tủ lạnh, ti vi, máy điều hòa, nồi cơm điện… phục vụ sinh hoạt”.
Năm 1997, xã Thạnh Yên được kéo ĐLQG. Theo ông Tâm, từ khi có ĐLQG, đời sống người dân từng bước cải thiện. Hình ảnh ngọn đèn dầu leo lắt, đoạn đường đất lầy lội khi mưa xuống hay lũ về, chiếc cầu khỉ chênh vênh hay những cầu ván tạm bợ bắc qua con kênh... trở thành ký ức một thời của người dân nơi đây.
Đồng chí Trần Thanh Cường - Huyện ủy viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Yên chia sẻ: “Khi có ĐLQG, ngoài chú trọng phát triển nông nghiệp, xã chú trọng phát triển kinh tế trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Năm 2019, xã có trên 50 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, tăng 30 cơ sở so năm 2010. Các ngành, nghề phát triển khá như sản xuất nước đá, nước uống đóng chai và dịch vụ sửa chữa cơ khí như hàn, tiện, nhôm, sắt, mộc gia dụng, vật liệu xây dựng…”. Năm 2019, xã có 480 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tăng 123 cơ sở so năm 2011; 471 hộ làm nghề dịch vụ và thương mại, mua bán nhỏ, tăng 352 hộ, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương.
TẠO ĐÀ CHO NÔNG NGHIỆP
Sáng sớm, trên cánh đồng hơn 206ha của Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Tân Thuận Phát, xã Thuận Hòa (Giồng Riềng) nhộn nhịp tiếng máy gặt đập liên hợp hòa cùng tiếng cười của người dân thu hoạch lúa. Đưa máy gặt đập xuống ruộng là thành công lớn của nông dân nơi đây, bởi những mùa vụ trước ruộng lún, nước nhiều, không thể cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Nhờ trạm bơm điện, ruộng thiếu nước trạm bơm cung ứng, trước khi cắt lúa trạm bơm điện rút nước ra cho đồng ruộng khô ráo, tạo điều kiện thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Anh Tiều Công Hòa - thành viên HTXNN Tân Thuận Phát chỉ tay về phía bờ kênh Hội Đồng cho biết: “Nhờ trạm bơm điện mà thành viên hợp tác xã giảm chi phí bơm tát rất nhiều. Trước đây, mỗi hộ một máy bơm và phải thức canh bơm nước từ 15 - 18 ngày/vụ, tiêu tốn từ 40 - 50 lít dầu/vụ/ha. Nay chỉ đóng khoảng 100.000 đồng tiền điện/vụ/ha mà không phải thức canh châm nước, châm dầu cho máy chạy, chi phí sản xuất giảm”.
76 thành viên HTXNN Tân Thành Công (Châu Thành) sản xuất trên diện tích 164ha giảm chi phí sản xuất nhiều từ khi có ĐLQG lập trạm bơm tát tập trung. Đồng chí Huỳnh Văn Tập - Giám đốc HTXNN Tân Thành Công cho biết: “Năm nay, lúa trúng mùa nhất kể từ khi thành lập hợp tác xã. Trong sản xuất lúa, từ khâu bơm tát nước, làm đất, chọn giống, sử dụng vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm đều bài bản, các thành viên liên kết chặt chẽ. Các thành viên đồng lòng lập trạm bơm tát nước tập trung bằng điện. Khi thấy lợi ích từ bơm tát nước tập trung, nhiều hộ dân xin làm thành viên và tuân thủ quy định của hợp tác xã”.
ĐƯA ĐIỆN VỀ VÙNG NUÔI TÔM
Tôi trở lại thăm những vuông tôm công nghiệp, bán công nghiệp của các hộ dân vùng tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng. Những năm gần đây, nhờ điện 3 pha, nông dân nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp thắng lớn.
Nhờ có điện lưới quốc gia, ông Nguyễn Khuyến - chủ trang trại nuôi tôm công nghệ cao CPF - đại lý Khuyến Chi (Kiên Lương) ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả.
Từ quốc lộ 80, chúng tôi rẽ vào con đường bê tông trong vùng nuôi tôm xã Kiên Bình (Kiên Lương). Trên tuyến đường có nhiều trạm biến áp điện 3 pha phục vụ nuôi tôm. Chỉ vào dàn quạt mới đang chạy để cung cấp ôxy hòa tan cho tôm nuôi, ông Phạm Văn Phương, ngụ ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình cho biết: “Từ khi có điện 3 pha phục vụ nuôi tôm đến nay, tôi chuyển vuông nuôi tôm bán thâm canh thành vuông nuôi tôm công nghiệp. Trước đây, tôi chạy máy dầu, máy phát điện để chạy quạt nước nên năng suất tôm nuôi không đạt. Từ khi sử dụng điện chạy quạt, lượng ôxy đủ nên năng suất tôm đạt cao. Mỗi vuông nuôi tôm 3.000 - 4.000m2, thu hoạch từ 4,5 - 5 tấn, tăng từ 1 - 1,5 tấn tôm/vuông so sử dụng máy phát điện hay máy dầu”.
Để đáp ứng nhu cầu về điện cho người dân nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, nhiều năm qua, ngành điện tỉnh tăng cường phối hợp các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh để cấp điện cho người dân nuôi tôm theo quy hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Điện lực Kiên Giang tập trung cải tạo lưới điện hiện hữu (nâng tiết diện dây dẫn, nâng cấp từ 1 pha lên 3 pha…) tại các khu vực quy hoạch nuôi tôm.
Theo ngành điện tỉnh, công tác quản lý điện nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, ngành điện tỉnh bán điện trực tiếp đến khách hàng thuộc khu vực nông thôn trên 282.000 khách hàng, chiếm trên 56% tổng số khách hàng đang quản lý. N | ăm 2019, toàn tỉnh có 145 xã, phường, thị trấn có điện, đạt 100%.
Đồng chí Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang cho biết: “Đến nay, việc cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp của tỉnh được cải thiện. Tình trạng quá tải cục bộ trạm biến áp và đường dây dẫn điện được khắc phục, góp phần hỗ trợ người dân giảm chi phí nuôi tôm chạy quạt bằng điện so sử dụng xăng, dầu dùng cho máy nổ chạy quạt nước như trước đây”.
Ngoài nỗ lực của ngành điện tỉnh, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ nhiều mặt cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh, trong đó hỗ trợ đầu tư hệ thống điện trung thế và các trạm biến áp cho nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp. Mỗi năm, từ nguồn ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 30 tỷ đồng.
Dòng điện quốc gia tiếp sức ngành nông nghiệp của tỉnh phát huy nội lực, phục vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tập thể và ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp - bán công nghiệp, giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao thu nhập.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: