22/12/2020 16:08
HIỆU QUẢ CHUYỂN ĐỔI LÚA - TÔM
Dấu ấn sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được thể hiện rõ thông qua chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp từng tiểu vùng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 32.864ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang các loại cây trồng khác kết hợp nuôi thủy sản.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình, đặc điểm của địa phương, theo đúng định hướng quy hoạch của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng. Những năm qua, dưới ảnh hưởng khốc liệt của biến đổi khí hậu, hạn hán, mặn xâm nhập, người dân mạnh dạn chuyển đổi chuyển dịch diện tích đất trồng lúa hai vụ kém hiệu quả do không đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất sang mô hình tôm - lúa.
So với thời điểm bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện diện tích tôm - lúa toàn tỉnh khoảng 100.000ha, sản lượng tôm thu hoạch trên 4.700 tấn. Việc chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, lợi nhuận bình quân từ 100 - 130 triệu đồng/ha, cao gấp 5 - 6 lần khi sản xuất lúa hai vụ.
An Biên là một trong 4 huyện của vùng U Minh Thượng không chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp bị chi phối khi hạn, mặn xảy ra. Với mô hình sản xuất tôm - lúa, nông dân vẫn sống tốt, thu nhập cao, đời sống kinh tế ổn định.
Đồng chí Phan Công Rô - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên cho biết: “Tại huyện An Biên, mô hình tôm - lúa được khẳng định là mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện An Biên chuyển đổi 20.710ha đất sản xuất lúa hai vụ sang mô hình một vụ tôm một vụ lúa”.
Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn trên hồ tròn lót bạt giúp nhiều nông dân trên địa bàn giảm rủi ro, nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Nông dân xã Thổ Sơn (Hòn Đất) thu hoạch tôm.
Hợp tác xã Nông nghiệp Bào Trâm, xã Nam Yên (An Biên) là một trong những hợp tác xã đi đầu của huyện An Biên trong việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang tôm - lúa. Nhờ mô hình con tôm ôm gốc lúa, người dân nơi đây xóa nghèo, đời sống ngày càng khá hơn.
Ông Lương Văn Nhâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bào Trâm chia sẻ: “Những năm đầu chuyển dịch từ lúa hai vụ sang tôm - lúa, nhiều người dân còn e ngại, chưa dám làm. Hợp tác xã mạnh dạn làm trước, hiệu quả kinh tế được chứng minh qua nhiều vụ sản xuất, thu nhập từ tôm lúa gấp 5 lần sản xuất lúa trước đây, đặc biệt trong thời điểm mặn xâm nhập gay gắt, nông dân vẫn sống tốt, ít bị ảnh hưởng”.
PHÁT TRIỂN TÔM CÔNG NGHIỆP
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng đến năm 2020, những năm qua, tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án để thúc đẩy ngành nuôi tôm phát triển. Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xây dựng 20 điểm quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản để kịp thời thông báo, khuyến cáo người dân biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế rủi ro dịch bệnh.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng 44 điểm trình diễn mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước theo hướng VietGAP tại các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, An Biên, An Minh, TP. Hà Tiên. Mô hình giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, học hỏi tiến bộ khoa học công nghệ nuôi mới, nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi, thu nhập của người dân. Cùng sự quan tâm đầu tư về hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường giao thông, kênh thủy lợi đồng bộ góp phần nâng diện tích thả nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp hàng năm đều tăng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020, diện tích tôm công nghiệp và bán công nghiệp đạt 3.200ha, sản lượng ước khoảng 28.000 tấn.
Theo đồng chí Lê Văn Khanh - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, huyện An Minh với thế mạnh giáp biển, có điều kiện thuận lợi để thực hiện các mô hình nuôi thủy sản giá trị kinh tế cao.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện tập trung chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang các mô hình nuôi tôm - lúa, nuôi tôm công nghiệp hai giai đoạn trên hồ tròn lót bạt. Để khuyến khích người dân tham gia, từ nguồn kinh phí ngân sách, Ủy ban nhân dân huyện ưu tiên đầu tư hỗ trợ con giống, vốn, kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình.
Đến nay, tại An Minh có 44 hộ nuôi tôm công nghiệp hai giai đoạn trên hồ tròn lót bạt với tổng cộng 74 ao. Năng suất bình quân từ 2,7 - 4,1 tấn/ao, hồ diện tích 500m2 - 1.200m2. Theo đánh giá bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả cao cho người dân với lợi nhuận trung bình 280 triệu đồng, phù hợp các hộ diện tích đất ít.
Ông Phạm Văn Cường, ngụ ấp Kim Quy A, xã Vân Khánh Tây (An Minh) cho biết: “Nhờ chuyển đổi sang mô hình tôm công nghiệp hai giai đoạn trên hồ tròn lót bạt, tôi kiểm soát tốt các yếu tố rủi ro dịch bệnh từ giai đoạn ban đầu thả giống, tỷ lệ sống của tôm, thức ăn, thuốc… Từ đó, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và sản lượng tôm nuôi. Vụ tôm vừa qua, gia đình tôi thu hoạch trên 8 tấn, thu trên 800 triệu đồng. Với cách nuôi này, trong năm tôi có thể nuôi từ 2 - 3 vụ”.
Theo đồng chí Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị kinh tế từ con tôm mang lại cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời khẳng định chủ trương đúng của tỉnh khi chọn con tôm là một trong những thế mạnh, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp khi thực hiện tái cơ cấu.
Những năm tiếp theo, để con tôm trở thành ngành kinh tế chủ lực, ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân phát triển nuôi tôm nước lợ phù hợp từng vùng sinh thái; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Bài và ảnh: THIỆN NHÂN
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: