16/09/2020 08:43
Hội Chữ thập đỏ xã Hòn Nghệ (Kiên Lương) xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vận động nhà hảo tâm giúp người nghèo và Hội Khuyến học xã Lại Sơn (Kiên Hải) thực hiện mô hình thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo.
GIÚP NGƯỜI NGHÈO
Buổi trưa nắng gắt, trên chiếc xe gắn máy, chúng tôi cùng đồng chí Đặng Văn Nam (57 tuổi) - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòn Nghệ (Kiên Lương) chở theo nhiều suất gạo đến tặng gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Chúng tôi đến nhà chị Hứa Mỹ Hạnh, ngụ ấp Bãi Chướng, xã Hòn Nghệ đã hơn 11 giờ.
Chị Hạnh vừa thấy đồng chí Nam là vui vẻ chào hỏi từ xa. Gia đình chị Hạnh rất quý đồng chí Nam vì đồng chí giúp đỡ gia đình chị rất nhiều. Có hai con, con đầu lòng của chị bị dị tật bẩm sinh, chị phải ở nhà chăm sóc con. Chồng chị đi làm thuê kiếm khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày nhưng thu nhập gia đình không ổn định.
Nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ xã Hòn Nghệ, chủ công là đồng chí Nam thường xuyên vận động quà, gạo tặng cho gia đình chị Hạnh. Hội vận động ông Lê Minh Dũng, ngụ ấp Bãi Chướng hàng tháng hỗ trợ 10kg gạo, 100.000 đồng cho gia đình chị Hạnh. Chị Hạnh chia sẻ: “10kg gạo, 100.000 đồng với mọi người tuy nhỏ nhưng với gia đình tôi rất lớn. Tôi biết ơn chú Nam và chú Dũng đã giúp gia đình tôi”.
Rời gia đình chị Hạnh, đồng chí Nam chở gạo đến cho gia đình ông Huỳnh Ngọc Trung, đang ở trọ tại ấp Bãi Chướng, xã Hòn Nghệ. Ôm bao gạo trong lòng, ông Trung nói: “Số gạo này đối với tôi quý lắm, giúp vợ chồng tôi có cơm ăn cả tháng”.
Sau cơn bệnh nặng, từ năm 2012 đến nay, ông Trung từ người lành lặn bị mù đôi mắt. Hàng ngày, ông và vợ đi bán vé số kiếm sống. Hàng ngày, ông bán được 100 tờ vé số, trích 30.000 đồng/ngày để góp tiền trọ còn lại vợ chồng ông trang trải chi phí sinh hoạt, ăn uống.
Đồng chí Phạm Thu Hà (bìa phải) - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Lại Sơn (Kiên Hải) tặng gạo cho em Trần Thị Trúc Lâm - học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và bà ngoại của em.
Nhiều năm qua, đồng chí Nam vận động ông Dũng, ngụ ấp Bãi Chướng hỗ trợ 11 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật trên địa bàn xã 10kg gạo và 100.000 đồng/hộ/tháng. Ông Lê Minh Dũng nói: “Tôi cùng địa phương chăm lo cho hộ nghèo, giúp đỡ họ một phần trong cuộc sống. Hàng tháng, tôi thuê xe ôm chở gạo đến tận nhà hoặc thông qua đồng chí Nam đem gạo đến cho người dân nghèo”.
Từ năm 2016 đến nay, hàng năm, đồng chí Nam vận động nhà hảo tâm tặng gạo, quà cho người nghèo ở xã đảo, giúp nhiều trường hợp bệnh nặng, ước trị giá khoảng 300 triệu đồng/năm. Bằng cách chọn đúng đối tượng để các đoàn từ thiện đến tặng gạo giúp đồng chí Nam tạo được uy tín với nhà hảo tâm, từ đó nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp, hỗ trợ người nghèo cho các năm sau.
Với phụ cấp ít ỏi của mình, đồng chí Nam luôn hết mình công tác, sẵn lòng đi vận động nhà hảo tâm lo cho người nghèo. Chẳng ngại đường xa gần, hễ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật là đồng chí Nam chủ động đến tìm hiểu, giúp đỡ. Đồng chí Nam nói: “Người dân xã đảo còn khó khăn lắm, tôi còn mạnh khỏe thì còn đi vận động giúp được người dân phần nào đỡ phần nấy”.
THẮP SÁNG ƯỚC MƠ CHO HỌC SINH NGHÈO
Trên con đường nhỏ vào nhà gia đình học sinh nghèo, đồng chí Phạm Thu Hà - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Lại Sơn (Kiên Hải) kể, trước năm 2016, kinh tế địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, người dân xã đảo khai thác hải sản không hiệu quả.
Để tìm kế sinh nhai, nhiều gia đình phải rời địa phương đi nơi khác làm ăn, con của họ để lại quê nhà nhờ người thân nuôi dưỡng. Nhiều hộ không đủ tiền trang trải cho học sinh đến trường nên có ý định cho con bỏ học.
Nắm bắt được tình hình trên, Hội Khuyến học xã Lại Sơn tham mưu chính quyền địa phương thực hiện đạt chỉ tiêu 98% học sinh trong độ tuổi được đến trường và mục tiêu không để học sinh bỏ học. Với quyết tâm đó, năm 2016, hội đăng ký mô hình “Dân vận khéo” thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo. Thực hiện mô hình, đồng chí Hà và các chi hội khuyến học ấp đến tận gia đình học sinh có nguy cơ bỏ học, động viên và xem xét hoàn cảnh từng gia đình làm cơ sở để vận động hỗ trợ.
Hội gửi thư ngỏ và cùng các đoàn thể trực tiếp gặp một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở xa để vận động quỹ và vật chất hỗ trợ học sinh có điều kiện tiếp tục đến trường. Hội còn phối hợp nhà trường tổ chức văn nghệ gây quỹ chương trình tiếp sức đến trường. “Những năm đầu, việc vận động quỹ gặp nhiều trở ngại. Phần lớn người địa phương không có cơ sở kinh doanh nên tôi và hội viên phải kiên trì, thuyết phục hộ dân đóng góp nhưng tiền ủng hộ cũng không cao. Với sự nỗ lực, hội vận động được một phần kinh phí và kết hợp số tiền do nhà hảo tâm ở xa tài trợ hỗ trợ kịp thời cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”, đồng chí Hà nói.
Đồng chí Phạm Thu Hà - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Lại Sơn (Kiên Hải) nói: “Từ kinh phí vận động được, hội tặng cho học sinh nghèo quần áo, dụng cụ học tập, hỗ trợ học bổng, học phí, bảo hiểm tai nạn và thăm hỏi sinh viên đang theo học tại các trường đại học. Từ năm 2016 đến nay, hội hỗ trợ trên 650 học sinh, 35 sinh viên với tổng số tiền trên 1,65 tỷ đồng. Việc làm này góp phần cùng xã huy động học sinh từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98% trở lên, 6 tuổi đi học đạt 100% và 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 100%”. |
Thầy Đỗ Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Lại Sơn khẳng định Hội Khuyến học xã đã giúp học sinh nghèo giảm phần nào khó khăn để các em tiếp tục đến trường, thắp sáng ước mơ học tập. Em Trần Thị Trúc Lâm - học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là một trong những trường hợp được nhận học bổng, quần áo do Hội Khuyến học xã hỗ trợ. Cha mẹ Trúc Lâm ly hôn, mẹ em đi làm ăn xa, gửi em ở nhà với bà ngoại đã 73 tuổi.
Cuộc sống khó khăn, nhiều lần tưởng chừng Trúc Lâm phải bỏ học. Đồng chí Hà đến tìm hiểu và Hội Khuyến học xã trao học bổng, đồng phục để em tiếp tục đến trường. Ba Trần Thị Liền - bà ngoại của Trúc Lâm nói: “Nhờ cô Hà và trường quan tâm, giúp đỡ cho học bổng, đồng phục… tôi cố gắng cho cháu được đến trường. Được thầy cô, nhà hảo tâm quan tâm, động viên, Lâm cũng ham học hơn nên tôi cố gắng đi bán vé số kiếm thêm tiền lo cho cháu được đi học”.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: