18/08/2020 15:33
ỔN ĐỊNH TỔ CHỨC
Năm 2007 sau khi chia tách, U Minh Thượng là huyện nghèo nhất tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Đồng chí Trần Kiếm Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết: “Vấn đề đặt ra thời điểm này là nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Để làm được việc này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện U Minh Thượng tập trung trí tuệ, đoàn kết, chủ động sáng tạo để vượt qua nhiều khó khăn”.
Nhiệm vụ đầu tiên được Đảng bộ huyện xác định là tập trung ổn định tổ chức bộ máy, đẩy mạnh công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành khẩn trương công tác tổ chức, cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy. Đến cuối tháng 12-2007, tổ chức bộ máy các ban, ngành, đoàn thể huyện cơ bản ổn định. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã được kiện toàn, tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Giai đoạn 2015-2020, kinh tế huyện U Minh Thượng phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 14%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi được tập trung đầu tư, phát triển, đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 430km đường giao thông nông thôn, 100% tuyến đường trục chính liên xã và trên 70% đường giao thông liên ấp được bê tông hóa; xây dựng mới 155 cầu giao thông nông thôn; 98% hộ sử dụng điện an toàn; 98% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.
QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT
Đồng chí Trần Kiếm Phong cho biết: “Để có sự đổi thay như hôm nay có công sức của thế hệ đi trước tạo dựng, định hướng cho vùng đất này, trong đó người có công đầu là ông Bành Văn Đởm (Mười Đởm)”. Năm 1997, sau khi về hưu, ông Mười Đởm về làm Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ U Minh Thượng và đau đáu làm sao để bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng, người dân sống được từ rừng. Ông Mười Đởm quyết định làm bờ bao, đưa dân vào vùng đệm sinh sống, lập nghiệp. Hàng ngàn mảnh đời cơ cực được tạo sinh kế bám trụ với rừng, làm giàu từ rừng.
Nông dân xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) thu hoạch chuối.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ huyện U Minh Thượng tập trung phát triển kinh tế vùng đệm và hình thành 4 tiểu vùng sản xuất phù hợp tình hình thực tế của huyện. Xã An Minh Bắc, Minh Thuận nằm trong vùng được quy hoạch trồng chuối xiêm trên đê bao, nuôi cá dưới ao và phát triển thêm trồng rau màu. Bốn xã còn lại trên địa bàn huyện chuyển đổi diện tích trồng hai vụ lúa không hiệu quả sang mô hình tôm - lúa; trồng lúa chất lượng cao ở xã Thạnh Yên và Thạnh Yên A. Các xã ven sông Cái Lớn phát triển mô hình nuôi vọp, nuôi tôm công nghiệp. Số diện tích còn lại ở một phần xã Vĩnh Hòa và Thạnh Yên chuyển đổi sang mô hình trồng màu, trong đó chú trọng trồng dưa hoàng kim, dưa hấu.
Nông dân xã Minh Thuận (U Minh Thượng) chăm sóc hẹ.
Ông Danh Mưu, ngụ ấp Trung Đoàn, xã An Minh Bắc cho biết: “Năm 2008, Nhà nước khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật chuyển đổi mô hình độc canh cây lúa sang nuôi cá, trồng chuối, mô hình trồng rau màu… giúp đời sống người dân ngày một nâng lên”. Ngoài sản xuất 2,4ha lúa, gia đình ông Mưu còn trồng chuối trên bờ bao thu lãi trên 70 triệu đồng/năm. Gia đình ông còn nuôi cá nước ngọt trong vuông, hàng năm, từ mô hình lúa - cá đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Đồng chí Trần Kiếm Phong khẳng định trong chặng đường mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân U Minh Thượng quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, với mục tiêu Đảng bộ, quân, dân huyện U Minh Thượng phát huy tối đa các nguồn lực, ra sức thi đua, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách. Phấn đấu đến cuối năm 2020 các xã và huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; kinh tế - xã hội của huyện đạt mức khá trong vùng U Minh Thượng và trung bình khá trong tỉnh.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: