26/11/2020 17:20
THIẾU “BẠN” TÀU NẰM BỜ
“Đi bạn” là từ được dùng để chỉ những lao động làm thuê trên các tàu cá. Nếu trước đây để có một chân “đi bạn” ngư phủ phải có sức khỏe, kỹ thuật mới được tuyển chọn, nay chủ tàu phải tìm mọi cách để tìm kiếm và níu chân “bạn”. Sự thiếu hụt lao động nghề đánh bắt hải sản đã và đang là nỗi lo lớn của các chủ tàu, đặc biệt là chủ tàu sở hữu phương tiện đánh bắt xa bờ. Có không ít tàu vì thiếu lao động đành phải nằm bờ hoặc chủ tàu cũng tham gia “đi bạn”, thậm chí phải bán tàu chuyển đổi ngành nghề.
Gắn bó với nghề đánh bắt hải sản hơn 30 năm nhưng ông Trần Việt Hùng, ngụ xã Thổ Sơn (Hòn Đất) đành phải lần lượt bán 2 chiếc tàu. Ông Hùng tâm sự: “Bỏ nghề đi biển là một quyết định rất khó khăn đối với tôi và gia đình vì đã gắn bó vui buồn mấy chục năm qua.
Có nhiều nguyên nhân nhưng chính là không có “bạn” đi biển, nhiều lần bị ngư phủ “bẻ kèo”, ứng tiền xong, đến khi tàu nhổ neo thì không thấy đâu, lại không trả tiền ứng, lâu dần không còn vốn để trụ lại với nghề, đành bán cặp tàu “lên bờ” tìm việc khác để làm”. Lúc trước mỗi ngư phủ đi tàu cho ông Hùng thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng. Những năm gần đây đánh bắt không hiệu quả, thu nhập giảm, ngư phủ không còn mặn mà với nghề đi biển.
Còn ghe cào của anh Trần Văn Vũ, ngụ xã Thổ Sơn sau thời gian nằm bờ vẫn không tìm được người “đi bạn”, anh quyết định xuống ghe. “Ghe cào của tôi phải có 5 ngư phủ và 1 tài công mới đủ điều kiện ra khơi. Nhưng tìm mãi vẫn thiếu người, để ghe nằm bờ thêm thì kinh tế gia đình càng khó khăn, ghe cũng xuống cấp nên tôi quyết định xuống ghe “đi bạn” ra khơi', anh Vũ nói.
Trên địa bàn TP. Rạch Giá có hơn 3.000 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó hơn 1/3 tàu cá chưa ra khơi đánh bắt. Theo ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá, tình trạng tàu cá nằm bờ bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2019, có nhiều nguyên nhân như ngư trường cạn kiệt, đánh bắt không hiệu quả, thiếu vốn tái đầu tư cho chuyến biển kế tiếp và nguyên nhân chính vẫn là thiếu lao động...Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có trên 9.800 tàu từ 6m trở lên; trong đó đánh bắt xa bờ có trên 3.900 tàu. Mỗi tàu ra khơi cần ít nhất 15 lao động. Thế nhưng, các tàu cá luôn thiếu lao động, nhất là lao động có kinh nghiệm, có khả năng điều khiển các trang, thiết bị trên tàu cá.
NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU?
Trước đây đào tạo lao động biển chủ yếu theo kiểu cha truyền con nối, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau, xem việc kế tục nghề nghiệp như là sự mặc định, không thay đổi. Ngày nay, nhiều người, nhất là thanh niên không muốn gắn bó với nghề biển do lao động trên biển quá vất vả, thu nhập không ổn định và chịu nhiều rủi ro. Chẳng hạn như những bệnh lý phát sinh trên biển như đau ruột thừa, sốc phản vệ... hoàn toàn có khả năng đe dọa tính mạng.
Với kinh nghiệm gắn bó với nghề biển hơn 10 năm nhưng anh Lê Chí Dũng, ngụ xã Thổ Sơn còn cảm thấy lo lắng khi vừa trải qua cơn nguy kịch do bệnh sốt xuất huyết. “Tôi đi ghe cào bị sốt, tưởng sốt bình thường uống thuốc sẽ khỏi nhưng ngày càng nặng. Đến khi được vô bờ đến Trung tâm Y tế huyện Hòn Đất khám thì bác sĩ cho biết bệnh sốt xuất huyết nặng, sau đó chuyển tôi lên Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang điều trị hơn 10 ngày mới khỏi. Bác sĩ nói nếu tôi nhập viện trễ hơn thì nguy cơ tử vong rất cao”, anh Dũng nói.
Tàu cá neo đậu tại khu vực neo đậu tàu thuộc xã Bình An (Châu Thành). Ảnh: ĐẶNG LINH
“Nghề biển đi chuyến nào hưởng chuyến đó, không có bảo hiểm xã hội. Nếu đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến vươn khơi kéo dài 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng, điều kiện làm việc khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe, xa gia đình mà thu nhập ngày càng ít, nhiều ngư phủ có tay nghề, kinh nghiệm cũng muốn tìm nghề khác mưu sinh”, đó là suy nghĩ của anh Đ.V.T, ngụ xã Mỹ Lâm (Hòn Đất), một ngư phủ có nhiều năm kinh nghiệm. Thông thường thu nhập của ngư phủ dựa trên tỷ lệ ăn chia với chủ tàu theo từng chuyến ra khơi. Lúc trước đi biển cực nhưng đánh bắt sản lượng nhiều, thu nhập khá cao (trung bình trên 15 triệu đồng/tháng), một người đi biển có thể nuôi được cả gia đình. Những năm gần đây, ngư trường cạn kiệt, số lượng tàu cá nhiều, sản lượng đánh bắt ít kéo theo thu nhập thấp, nhiều ngư phủ muốn bỏ nghề tìm việc khác, thu nhập ổn định hơn.
Mặt khác, các khu công nghiệp, khu chế xuất, công ty, xí nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, nhu cầu tuyển dụng công nhân tăng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Nhiều ngư phủ, người lao động chọn làm công nhân, thu nhập ổn định, gần gũi gia đình, ít nguy hiểm, vất vả hơn nghề đi biển. Anh Tr.H.T, ngụ xã Bình An (Châu Thành) chia sẻ: “Tôi đi biển gần 20 năm nhưng chưa bao giờ thấy nghề ngư phủ khó khăn như bây giờ. Hiện nay sức khỏe tôi đã suy giảm, sắp tới tôi dự định không đi biển nữa, cố gắng tìm công việc trên bờ thu nhập ổn định hơn, có thời gian chăm sóc gia đình”.
Khan hiếm nguồn lao động đi biển, các chủ tàu phải mạo hiểm thông qua “cò” tìm đủ lao động cho những chuyến ra khơi. Tuy nhiên, không phải “cò” nào cũng làm ăn đàng hoàng, đôi khi họ tuyển lao động mang tính thời vụ chưa hiểu biết gì về nghề ngư phủ, thậm chí là những người không biết bơi… để kiếm tiền, khiến cho chủ tàu càng gặp khó.
VĨ AN
(KGO) - Tôi nhiều lần dự định viết về cha mà vẫn chưa thực hiện được, nhưng nay không thể trì hoãn vì sức khỏe của cha ngày càng yếu hơn, trí nhớ đã suy giảm. Rồi tôi chọn tháng 7, tháng có ngày Thương binh - Liệt sĩ và năm 2024, năm cha nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng để hoàn thành bài viết này.
Tổng số lượt truy cập: